Xuất huyết dạ dày là loại biến chứng nguy hiểm cần được xử lý kịp thời. Nội soi dạ dày xuất huyết được thực hiện nhằm mục đích xác định vị trí chảy máu và cầm máu khi cần thiết.
Menu xem nhanh:
1. Xuất huyết dạ dày gây ra những nguy hiểm gì?
Xuất huyết dạ dày (xuất huyết bao tử) là tình trạng có chảy máu bên trong niêm mạc dạ dày. Đây là biến chứng cấp tính vô cùng nguy hiểm từ các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Khi ở giai đoạn đầu, các triệu chứng và những thay đổi cơ thể không được thể hiện rõ ràng. Người bệnh lưu ý nếu gặp tình trạng nôn ra máu, đi ngoài có phân đen. Nếu xuất huyết kéo dài có thể khiến bạn mắc nguy cơ thiếu máu.
Khi tình trạng xuất huyết dạ dày trở nặng, người bệnh sẽ thường xuyên gặp phải các triệu chứng như cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, sắc mặt kém, chân tay trở nên lạnh ngắt, mạch yếu dần, ngất xỉu,… Trong những trường hợp này, nếu người bệnh không nhanh chóng được xử lý kịp thời có thể sẽ đe dọa tới cả tính mạng.
2. Nguyên nhân xuất huyết dạ dày
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới xuất huyết tiêu hóa. Trong đó phải kể tới 3 nguyên nhân chính bao gồm viêm dạ dày cấp, loét dạ dày và ung thư dạ dày.
2.1. Viêm dạ dày cấp
Viêm dạ dày cấp là nguyên nhân của khoảng 20-30% ca bệnh xuất huyết tiêu hóa. Hầu hết các trường hợp viêm dạ dày đến từ thói quen sinh hoạt do lạm dụng rượu bia, dùng thuốc (Aspirin, A.I.N.S, Corticoid) gây viêm loét trực tiếp hoặc do stress.
Theo đó, cần xác định được rõ nguyên nhân gây viêm dạ dày để can thiệp điều trị tận cùng. Việc điều trị phải kiểm soát được tình trạng viêm và các tổn thương kéo dài, từ đó mới có thể ngăn ngừa biến chứng xuất huyết.
2.2. Loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là loại bệnh lý phổ biến và gây ra nhiều vấn đề tiêu hóa. Có khoảng 10 – 20% trường hợp xuất huyết là biến chứng của viêm loét dạ dày. Các tổn thương vùng niêm mạc dạ dày ban đầu thường không quá lớn nhưng trong môi trường acid lâu dần sẽ hình thành các ổ loét. Khi các ổ loét này phát triển rộng và sâu dần do không được kiểm soát tốt, nó có thể ăn mòn đến mao mạch máu và gây xuất huyết.
2.3. Ung thư dạ dày
Trường hợp xuất huyết do ung thư dạ dày không phổ biến như 2 nguyên nhân kể trên nhưng có mức độ nguy hiểm cao. Ung thư gây loét và chảy máu từ các mạch máu tân sinh. Trường hợp này thường có xu hướng chảy máu dai dẳng, đôi khi xuất huyết nặng khó cầm màu đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh.
3. Thực hiện nội soi dạ dày xuất huyết
3.1. Vì sao cần nội soi dạ dày xuất huyết
Nội soi dạ dày là phương pháp có xâm lấn được thực hiện nhằm chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa. Khi phát hiện có xuất huyết tiêu hóa, thông qua nội soi bác sĩ có thể theo dõi, xác định đúng vị trí xuất huyết, tình trạng mức độ chảy máu và đặc biệt có thể can thiệp cầm máu kịp thời ngay mà ở các phương pháp khác không thể thực hiện.
Đối với các trường hợp xuất huyết dạ dày nghiêm trọng, việc đầu tiên cần ưu tiên cấp cứu là cầm máu tổn thương sau đó mới tiến hành điều trị hồi sức tích cực kết hợp điều trị tận cùng nguyên nhân gây xuất huyết.
3.2. Quy trình nội soi dạ dày xuất huyết
Người bệnh thực hiện theo đúng quy trình nội soi dạ dày gây mê. Khi được phát hiện có tình trạng xuất huyết, bác sĩ sẽ đánh giá về mức độ chảy máu và tiến hành cầm máu bằng dụng cụ chuyên biệt khi cần thiết. Cụ thể, các bước nội soi được thực hiện như sau:
– Bước 1: Khám ban đầu cùng bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.
– Bước 2: Làm các xét nghiệm cận lâm sàng và các chẩn đoán hình ảnh được chỉ định.
– Bước 3: Đánh giá các yêu cầu trước nội soi dạ dày. Đủ điều kiện, người bệnh được chuyển vào phòng nội soi.
– Bước 4: Người bệnh uống thuốc tan bọt làm sạch dạ dày.
– Bước 5: Người bệnh được đặt đường truyền mê và bác sĩ gây mê thực hiện gây mê.
– Bước 6: Bác sĩ nội soi bắt đầu nội soi tìm tổn thương.
– Bước 7: Khi phát hiện vùng có xuất huyết cần xử lý, bác sĩ sử dụng kẹp clip tại vị trí tổn thương cho đến khi ngừng xuất huyết.
– Bước 8: Hoàn tất thủ thuật, người bệnh được rút đường truyền mê.
– Bước 9: Người bệnh tỉnh mê và đọc kết quả tại phòng khám ban đầu.
Kẹp clip giúp cầm máu tổn thương sẽ tự rơi và ra ngoài theo đường phân sau 10-14 ngày. Người bệnh thực hiện điều trị phục hồi sau nội soi cầm máu theo đúng chỉ định của bác sĩ.
4. Phòng chống xuất huyết dạ dày
Xuất huyết dạ dày rất nguy hiểm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý của người bệnh. Do đó, việc phòng ngừa xuất huyết ngay từ ban đầu là thực sự cần thiết. Tham khảo một số hướng dẫn hữu ích giúp bảo vệ hệ tiêu hóa của bạn luôn khỏe mạnh:
– Tránh hút thuốc lá, không nên uống rượu bia nhiều.
– Thực hiện ăn uống khoa học, xây dựng thực đơn đủ dinh dưỡng và lựa chọn thực phẩm tốt cho tiêu hóa.
– Duy trì thói quen luyện tập thể dục hằng ngày, lựa chọn cường độ tập phù hợp để tăng sức đề kháng và nâng cao hệ miễn dịch.
– Cân bằng giữa thời gian nghỉ ngơi và làm việc để cơ thể luôn khỏe mạnh.
– Hạn chế dùng các thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không Steroid. Trường hợp bắt buộc sử dụng, người bệnh hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
– Không để cơ thể bị căng thẳng, mệt mỏi kéo dài. Luôn giữ một tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực.
– Hình thành đồng hồ sinh học lý tưởng cho cơ thể, không thức quá khuya vì giấc ngủ rất quan trọng.
– Chủ động đăng ký thăm khám sức khỏe hệ tiêu hóa theo định kỳ.
Xuất huyết tiêu hóa không thể chủ quan. Khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ biến chứng, người bệnh cần nhanh chóng tiến hành thăm khám và nội soi dạ dày xuất huyết kịp thời.