Để có nụ cười đẹp, việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng rất quan trọng. Xưa nay nhiều người vẫn nghĩ lười đánh răng và không dùng chỉ nha khoa sẽ dẫn tới sự xuất hiện của nhiều bệnh lý về răng miệng. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều thói quen xấu hàng ngày cũng là những “thủ phạm” làm hại răng mà chúng ta không hề hay biết.
Nhai đá lạnh
Vì đá lạnh là sản phẩm tự nhiên và không chứa đường nên nhiều người nghĩ nó vô hại. Nhưng trên thực tế cho dù răng được bao bọc bởi lớp men rất cứng nhưng không đủ “chắc” để đương đầu với những viên đá, có thể gây nứt, thậm chí vỡ răng. Việc nhai đá lạnh thường xuyên cũng kích thích các mô mềm bên trong răng, dẫn tới đau răng.
Cho trẻ vừa ngủ vừa bú bình
Không bao giờ là quá sớm để bảo vệ răng. Nếu bé đã có răng, không nên cho trẻ ngậm bình sữa, nước trái cây… trước khi đi ngủ. Về lâu dài trẻ sẽ hình thành thói quen vừa ngủ vừa bú bình, điều này có thể dẫn tới sâu răng.
Nghiến răng
Nghiến răng có thể làm răng mòn dần theo thời gian, giảm dần độ chắc của răng, khiến răng bị yếu, dễ bị sâu răng…Nghiến răng là một thói quen khó kiểm soát khi ngủ. Vì thế những người hay nghiến răng nên hạn chế ăn thức ăn cứng để làm giảm đau và tổn thương cho răng. Đeo máng chống nghiến răng là một trong những biện pháp ngăn ngừa nghiến răng hiệu quả.
Kẹo dẻo
Tất cả các loại kẹo ngọt đều có thể đe dọa gây sâu răng, trong đó phải kể đến kẹo dẻo. Bởi kẹo dẻo thường dính rất lâu trong răng, lượng đường bám lại trên răng sẽ khuyến khích sự phát triển của các vi khuẩn trong miệng, làm xói mòn men răng.
Nước ngọt
Kẹo không phải là thủ phạm duy nhất có chứa đường gây hại cho răng. Lượng đường trong các loại nước ngọt, nước uống có ga rất cao: một lon nước ngọt cũng tương đương với 1 thỏi kẹo cỡ lớn. Loại đường này có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe răng miệng cho mọi lứa tuổi. Hơn thế nữa nước ngọt cũng chứa axit photphoric và citric – hai chất này có thể làm mòn men răng.
Dùng răng để mở nắp chai hoặc túi nhựa
Dùng răng để mở nắp chai hoặc túi nhựa có thể rất thuận tiện nhưng đây là thói quen cực xấu cho sức khỏe răng miệng. Vì những hành động này có thể làm mòn răng, mẻ răng và thậm chí có thể làm rụng răng.
Nước ép trái cây
Nước ép trái cây rất giàu vitamin và chất chống oxy hóa đồng thời cũng chứa một lượng đường nhất định. Một số loại nước ép có thể có lượng đường tương đương như nước ngọt. Nhiều loại trái cây vốn dĩ đã rất ngọt, vì vậy không nhất thiết phải cho thêm đường vào nước ép. Ngoài ra cũng có thể giảm bớt hàm lượng đường bằng cách pha loãng nước trái cây với nước lọc.
Khoai tây chiên
Các vi khuẩn có trong mảng bám ở răng có thể phá vỡ các loại thực phẩm giàu tinh bột thành axit. Loại axit này có thể tấn công các răng trong 20 phút tiếp theo, thậm chí là lâu hơn nếu thức ăn đang mắc kẹt giữa các kẽ răng hoặc ăn thường xuyên. Vì thế để loại bỏ hết các mảng bám của các loại thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây chiên, có thể phải dùng đến chỉ nha khoa.
Uống cà phê
Màu sắc và nồng độ axit trong cà phê có thể gây vàng răng theo thời gian. Tuy nhiên tình trạng này có thể được giải quyết hiệu quả bằng các phương pháp tẩy trắng răng hiện nay. Hỏi ý kiến nha sĩ về biện pháp xử lý nếu lo ngại về sự đổi màu của răng.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá là thói quen xấu dễ gây hôi miệng, vàng răng. Người hút thuốc lá cũng thường bị bệnh nướu răng, úa màu nướu, dẫn đến sâu răng. Thuốc lá cũng có thể gây ra ung thư miệng, môi, và lưỡi. Nếu đang tìm kiếm một lý do để bỏ hút thuốc lá, hãy nghĩ đến nụ cười và sức khỏe răng miệng của bản thân.
Rượu vang đỏ
Axit trong rượu vang có thể ăn mòn men răng, làm cho răng dễ bị xỉn màu. Rượu vang đỏ cũng có chứa hai phân tử sắc tố là tannin, chromogen. Hai phân tử sắc tố này khiến cho màu đỏ của rượu vang bám rất lâu vào răng kể cả sau khi đã uống hết rượu.
Rượu vang trắng
Chắc hẳn nhiều người đã nghĩ rượu vang trắng là an toàn cho răng. Nhưng axit trong rượu vang trắng có thể làm suy yếu men răng, khiến răng xốp và dễ bị ố màu do các đồ uống khác, chẳng hạn như cà phê. Súc miệng sau khi uống rượu hoặc sử dụng kem đáng răng có thành phần tẩy trắng nhẹ có thể chống lại ảnh hưởng của rượu vang đỏ và trắng tới màu sắc của răng.
Ăn vặt liên tục
Ăn vặt sản xuất ra ít nước bọt hơn khi chúng ta ăn chính, khiến thức ăn có thể mắc kẹt trong răng nhiều giờ hơn. Vì thế tránh ăn vặt thường xuyên, chỉ nên lựa chọn các loại đồ ăn chứa ít đường và ít tinh bột.
Thuốc ngậm ho
Không phải vì thuốc ngậm ho được bán ở các hiệu thuốc mà có nghĩa là nó an toàn cho sức khỏe. Hầu hết thuốc ngậm ho đều có chứa đường. Vì thế sau khi đã làm dịu cổ họng với thuốc ngậm ho, nhớ đánh răng. Đường từ thuốc ngậm ho sẽ phản ứng với mảng bám ở răng. Sau đó vi khuẩn trong mảng bám sẽ chuyển đổi đường thành axit ăn mòn men răng, dẫn tới sâu răng và các bệnh về răng miệng khác.