Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ thường có diễn biến khá phức tạp. Bệnh có thể chuyển nặng, nghiêm trọng hơn bất kì thời điểm nào. Do đó, các bậc phụ huynh không được chủ quan và cần trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết để chăm sóc con nhỏ cũng như cả gia đình. Sau đây là những quan điểm sai lầm về sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ cha mẹ cần tránh phạm phải.
Menu xem nhanh:
1. 6 quan điểm sai lầm về sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
1.1 Trẻ hết sốt là đã khỏi bệnh
Khi mắc sốt xuất huyết, trong 3 ngày đầu tiên thường trẻ sẽ sốt cao, người và mắt đều nhức mỏi. Thế nhưng đây lại không phải thời gian nguy hiểm nhất, không xuất hiện những biến chứng. Khi đó, cha mẹ có thể cho trẻ điều trị tại nhà.
Từ ngày thứ 4 mắc bệnh trở đi, đa số người bệnh nói chung đều sẽ không còn biểu hiện sốt cao như trước. Trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn bệnh nguy hiểm. Đây là thời điểm tiểu cầu sẽ giảm nặng, thoát huyết tương. Trẻ nhỏ mắc bệnh có thể bị chảy máu cam, xuất huyết dưới da hay chảy máu chân răng, … Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế để được xét nghiệm, điều trị phù hợp.
Có những trường hợp bị thoát mạch quá nhiều có thể kéo theo những dấu hiệu cảnh báo trước sốc. Những dấu hiệu điển hình như: đau tức gan, mệt lả, buồn nôn, … Ở trẻ nhỏ, trẻ có thể bị li bì hay thấy bứt rứt vật vã, bỏ bú. Ở các trường hợp này, trẻ cần được đưa tới bệnh viện gần nhất điều trị. Điều này để tránh ảnh hưởng tới tính mạng. Tùy vào từng mức độ và biến chứng thì bệnh có thể dẫn tới bị chảy máu nội tạng, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng phổi, … thậm chí là tử vong. Vì vậy, giai đoạn này đều được các bác sĩ theo dõi sát, người bệnh cân nghỉ ngơi, hạn chế tối đa vận động nặng.
1.2 Muỗi gây sốt xuất huyết chỉ xuất hiện ở chỗ ao tù nước đọng
Nhiều người thường hay lầm tưởng rằng muỗi gây sốt xuất huyết chỉ có ở những nơi như cống rãnh, ao tù, … Thế nhưng, muỗi vằn vẫn có thể cư trú tại những nơi có nước trong để nhiều ngày ngay tại chính ngôi nhà của chúng ta. Những nơi như bể nước, bình cắm hoa, hòn non bộ, … chính là những nơi lý tưởng cho muỗi sinh sôi. Do đó, ta cần chú ý thực hiện thay nước, rửa dọn các đồ đạc trong nhà, không lưu trữ nước lâu ngày. Khi phun hóa chất diệt muỗi, ta cũng cần thực hiện ở tất cả các ngóc ngách trong nhà để tránh tình trạng muỗi di chuyển ra các vị trí khác.
1.3 Tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ và dùng sai cách
Trên thực tế, rất nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng nóng vội khi trẻ bị sốt. Khi đó, những loại thuốc hạ sốt như aspirin hay ibuprofen sẽ được mua về cho trẻ sử dụng. Thế nhưng, những loại thuốc này lại hoàn toàn khiến trẻ đang bị sốt xuất huyết phải đối mặt với nguy cơ bị tổn thương gan, xuất huyết tiêu hóa nặng, …
Bên cạnh việc sử dụng sai thuốc, việc lạm dụng nhiều thuốc hạ sốt cho trẻ trong ngày không theo đúng chỉ định cũng là một sai lầm thường thấy. Điều này có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
1.4 Cho trẻ uống kháng sinh để điều trị
Sai lầm của cha mẹ chăm sóc con bị sốt xuất huyết còn do hiểu sai bản chất. Đây là một bệnh lý bị gây ra bởi virus chứ không phải vi khuẩn. Do đó, việc cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp này là hoàn toàn vô hiệu. Thậm chí, những loại thuốc kháng sinh được sử dụng không phù hợp có thể gây giảm tiểu cầu, xuất huyết tiêu hóa và khó cầm máu khi xuất huyết. Trẻ có thể rơi vào trạng thái rối loạn máu đông và nguy hiểm hơn là tử vong.
1.5 Tự ý cho trẻ uống nước điện giải và truyền dịch khi trẻ mệt
Sốt xuất huyết có thể dẫn tới hiện tượng bị mất nước và cần được bù nước cho cơ thể. Tuy nhiên, tùy vào thời gian sốt cùng mức độ mà việc truyền dịch có thể cần thiết hoặc không. Đặc biệt, việc truyền đạm để cho cơ thể tái hấp thụ dịch cần được bác sĩ chỉ định. Điều này để tránh tình trạng bị thừa dịch gây nguy hiểm.
Bên cạnh đó, đúng là người mắc sốt xuất huyết được khuyên nên uống nhiều nước điện giải. Tuy nhiên, pha nước điện giải đúng cách thì không phải điều ai cũng làm đúng. Điều này có thể gây nên những ảnh hưởng không tốt tới tình trạng bệnh. Nếu như trẻ bị thừa điện giải có thể dẫn tới nguy cơ bị phù phổi cấp và nguy hiểm tính mạng.
Nhìn chung, cha mẹ không nên vì sốt ruột mà bổ sung nước cho cơ thể trẻ sai cách. Nếu như sau khoảng 5-7 ngày những biểu hiện mệt, sốt của trẻ đã thuyên giảm thì sẽ nhanh chóng phục hồi khoảng 1 tuần tiếp đó.
1.6 Cạo gió cho trẻ bị sốt xuất huyết
Có nhiều bậc phụ huynh đặc biệt là những người có con đầu lòng thường còn lúng túng trong việc chăm trẻ bị bệnh. Từ đó, những phương pháp chăm sóc sai cách xảy đến. Trong trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết, nhiều cha mẹ khi thấy con bị nốt xuất huyết bầm tím cho rằng cần lấy bớt máu độc cho nhanh khỏi. Sau đó, trẻ đã được tiến hành cắt lể lấy bớt máu, Đây là một sai lầm khá nghiêm trọng. Trẻ có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập. Những tình trạng nguy hiểm tới tính mạng như rối loạn máu đông có thể xảy ra.
2. Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết đúng cách
Bên cạnh điều trị tại bệnh viện, cha mẹ cũng cần lưu ý một số điều để chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà đúng cách:
– Khi trẻ bị sốt cao tới hơn 38 độ C, ta cho trẻ hạ sốt với Paracetamol đơn chất. Ta sử dụng 10-15 mg/kg cân nặng trẻ. Uống thuốc theo đúng hướng dẫn, chỉ định, không uống quá liều.
– Chú ý về chế độ dinh dưỡng cho trẻ: Trẻ đang bị sốt xuất huyết nên ăn những đồ lỏng và giàu dinh dưỡng. Điều này sẽ tốt cho tiêu hóa, giúp trẻ hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
– Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, không uống nước có ga, có cồn, caffeine.
– Cung cấp cho trẻ thêm những vitamin ở nhóm A, B, C. Điều này giúp tăng cường trao đổi chất cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, …
– Sau khi khỏi bệnh, cha mẹ cần cho trẻ tái khám đúng hẹn.
Trên đây là những lưu ý về quan điểm sai lầm về chăm sóc sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ. Cha mẹ nên lưu lại để có thể tránh khi cần. Việc chăm sóc con nhỏ sẽ được thực hiện tốt hơn.