Nhiễm trùng ở túi mật khiến người bệnh bị viêm túi mật, nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến thủng túi mật. Vậy viêm túi mật có đặc điểm như thế nào? Phòng ngừa và điều trị ra sao?
Menu xem nhanh:
1. Viêm túi mật là gì?
Túi mật nằm sát dưới gan, vùng hạ sườn phải, có chiều dài khoảng 80 – 100mm và chiều ngang 30 – 40mm. Túi mật gồm thân, ống túi mật và cổ túi mật. Khi ăn, dịch mật được bài tiết nhiều hơn để đổ vào tá tràng rồi xuống ruột non tiêu hóa thức ăn.
Viêm túi mật là tình trạng nhiễm trùng túi mật, bệnh có thể xảy ra đột ngột (viêm túi mật cấp) hoặc tái phát liên tục, nhiều lần (viêm túi mật mãn tính). Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu (chiếm 70 – 85% trường hợp mắc bệnh) là do vi khuẩn. Đặc biệt một số loại vi khuẩn như: E. coli, Clostridium hay Streptococcus,…
Sỏi mật bị kẹt trong ống dẫn từ túi mật tới ruột, bít tắc ở cổ túi mật tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào các vị trí tổn thương và gây ra viêm túi mật cấp. Nhiều đợt viêm túi mật cấp xảy ra nếu không được điều trị dứt điểm sẽ dẫn tới viêm túi mật mãn tính.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân có thể gây viêm túi mật khác như: Chấn thương, nhiễm giun, u đường mật,… Đặc biệt người bị tiểu đường, béo phì, phụ nữ mang thai,… thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
2. Triệu chứng viêm túi mật
Tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng của viêm túi mật cấp hay mãn tính mà có các triệu chứng khác nhau:
2.1. Bị viêm túi mật cấp
Viêm túi mật cấp tính thường khởi phát là những cơn đau quặn. Tuy nhiên khi những cơn đau kéo dài, sẽ đân dẫn đến đau lan tỏa sang vùng khác như hạ sườn phải, lan lên vùng bả vai phải hay vai phải. Đặc biệt đau sẽ tăng lên khi ho, hít sâu, người bệnh thường xuyên cảm thấy chán ăn, vàng da, phù nề,…
2.2. Bị viêm túi mật mạn tính
Viêm túi mật mạn tính có đặc điểm là tái phát nhiều lần, khó điều trị dứt điểm. Người bệnh cảm thấy đau âm ỉ và khi ấn vùng hạ sườn phải thấy đau, đau lan sang vai lưng phải, bụng đầy, tức ngực, chán ăn, mệt mỏi,… Các triệu chứng kéo dài dai dẳng không hết, khi ăn các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ thì cơn đau tăng lên, miệng khô và họng khô. Cơ thể bứt rứt, khó chịu, táo bón, buồn nôn, lưỡi đỏ,…
3. Biến chứng khi bị viêm túi mật
Túi mật đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn và tham gia vào một số quá trình sinh hóa trong cơ thể. Túi mật bị viêm dẫn đến rối loạn, các biến chứng cũng theo đó xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Một số biến chứng khi viêm túi mật bạn cần lưu ý như:
3.1. Hội chứng Mirizzi
Hội chứng xảy ra do sỏi từ ống mật hoặc cổ túi mật bị chèn ép vào đường mật kế cận gây chèn vào một phần hoặc toàn bộ ống gan chung và gây tắc mật. Bệnh gây vàng da, nhiễm trùng đường mật. Ở giai đoạn muộn viên sỏi sẽ gặm mòn cổ túi mật và gây nên tình trạng rò túi mật – ống mật chủ. Túi mật bị rò ra các khoang mô xung quanh, nếu nặng có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng toàn thân và rối loạn quá trình tiêu hóa của cơ thể.
3.2. Sỏi mật ruột
Khi túi mật bị thủng sỏi mật sẽ xuyên thủng đi vào ruột non. Trong trường hợp viên sỏi mật kích thước lớn khi rơi vào đường ruột có thể bị tắc tại van đường mật – ruột, gây xói mòn thành ruột non. Khi đó các chất thải trong cơ thể có thể bị tích tụ lại với nhau tạo thành viên sỏi lớn hơn tại nơi tổn thương này. Nếu viên sỏi lớn dần, có thể gây tắc ruột, người bệnh cần thực hiện phẫu thuật để loại bỏ sỏi khỏi cơ thể.
3.3. Vàng da tắc mật
Sỏi xuất hiện và chặn tại ống mật sẽ gây cản trở dòng chảy của mật vào tá tràng, làm sắc tố mật không được giải phóng vào đường ruột, dẫn đến tăng nồng độ bilirubin trong máu. Bilirubin là sắc tố làm vàng da, tiếp tục tăng sẽ gây ngộ độc các mô thần kinh. Dấu hiệu lâm sàng dễ nhận thấy nhất là đau bụng, vàng da, phân nhạt màu,…
3.4. Nhiễm trùng đường mật
Khi viêm túi mật, dịch mật trong ống dẫn mật bị nhiễm khuẩn, có thể gây sốt cao, nhiễm trùng huyết đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
3.5. Viêm tụy cấp
Khi sỏi mật di chuyển tới bóng Vater và bị kẹt tại đó, sẽ gây tắc đồng thời cả tắc ống mật và ống tụy chính.
3.6. Ung thư túi mật
Nhiều trường hợp người bệnh không phát hiện sớm sỏi mật, dẫn đến không được điều trị kịp thời và dứt điểm, dẫn đến viêm mạn tính. Bệnh nếu tiến triển xấu đi, có nguy cơ hình thành các mô u hay ung thư. Các mô này đôi khi cũng không biểu hiện rõ ràng, thường được chẩn đoán tình cờ sau khi cắt túi mật.
4. Phòng ngừa viêm túi mật
Cũng giống nhiều bệnh lý khác, viêm túi mật hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu thực hiện đúng cách. Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn có một hệ gan mật khỏe mạnh, hạn chế tối đa nguy cơ hình thành sỏi mật, viêm túi mật:
4.1. Kiểm soát chế độ ăn uống
– Ăn uống lành mạnh: Ăn đủ bữa, không bỏ bữa đặc biệt là bữa sáng để hạn chế nguy cơ ứ dịch trong ống túi mật. Cân bằng hàm lượng chất dinh dưỡng, không ăn quá nhiều thực phẩm giàu cholesterol, chất béo. Bổ sung đủ nước mỗi ngày, ăn nhiều rau củ quả, trái cây.
– Hạn chế rượu bia: Hạn chế rượu bia nếu bạn không muốn hủy hoại gan của mình.
4.2 Sinh hoạt khoa học
– Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng hợp lý, không giảm cân quá nhanh. Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao và hạn chế ngồi nhiều. Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng mệt mỏi, tress cho cơ thể
– Khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần để kiểm tra.
Bị viêm túi mật gây nhiều khó khăn ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống người bệnh. Hy vọng những thông tin trên đây bổ ích, giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm túi mật. Ngay khi thấy bản thân có các dấu hiệu bất thường, hãy cố gắng sắp xếp tới cơ sở y tế để thăm khám và được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp nhất bạn nhé