Hở van tim ba lá là tình trạng van ba lá đóng không chặt khiến máu chảy ngược vào buồng tâm nhĩ. Nếu không được can thiệp điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy tim, rung tâm nhĩ, xơ gan,…
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về bệnh hở van ba lá
Hở van ba lá là tình trạng van ba lá không thể đóng chặt hoàn toàn, gây trào ngược máu vào tâm nhĩ phải trong quá trình co bóp. Lúc này tim cần làm việc với tần suất cao hơn để bù lại lượng máu bị thiếu và dần trở nên yếu.
Hở van ba lá được chia thành 4 mức độ từ khởi phát đến nghiêm trọng:
– Hở 1/4: Mức độ nhẹ nhất của bệnh lý này. Người bệnh không có biểu hiện cụ thể và thường không cần điều trị. Ở giai đoạn này, bệnh tương đối lành tính.
– Hở 2/4: Bệnh diễn tiến ở mức độ trung bình. Người bệnh thường chưa cần điều trị nhưng phải tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi và có phác đồ điều trị phù hợp nếu có tiến triển nặng.
– Hở 3/4: Bệnh nhân bắt đầu có những biểu hiện rõ rệt như khó thở, hụt hơi, mệt mỏi. Bệnh nhân ở giai đoạn này có thể được điều trị thông qua phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa, tùy theo tình trạng của từng người bệnh.
– Hở 4/4: Giai đoạn nghiêm trọng của bệnh. Bệnh nhân hở van ba lá 4/4 có các triệu chứng như thường xuyên khó thở, đau ngực dữ dội, chóng mặt,… Các hoạt động sinh hoạt, làm việc ngày thường bị ảnh hưởng.
- Hở van ba lá khiến máu trào ngược vào tâm nhĩ
2. Dấu hiệu “cảnh báo” bệnh hở van tim ba lá
Ở giai đoạn khởi phát, người bệnh thường không nhận thấy những biểu hiện cụ thể. Người phát hiện bệnh sớm thường là những người đi khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám và điều trị các bệnh lý khác. Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi bệnh ở mức trung bình và rõ ràng hơn khi ở giai đoạn nặng, bao gồm:
– Tim đập nhanh đột ngột.
– Đau tức ngực. Cơn đau xuất hiện ngày càng dữ dội sau thời gian dài.
– Khó thở khi làm việc nặng hoặc nằm ngủ.
– Chóng mặt, mệt mỏi.
– Sưng bàn chân, phù toàn thân.
Tuy nhiên, bạn nên có những nhận thức đúng về tính trạng sức khỏe của mình trước khi bệnh diễn tiến nặng. Phát hiện hở van tim ba lá ngay từ tại giai đoạn đầu với những phương pháp sau:
– Siêu âm tim: Phát hiện hở van ba lá ngay từ mức độ nhẹ.
– Chụp cộng hưởng từ MRI tim: Đây là phương pháp hiện đại, giúp đánh giá chính xác kích thước và chức năng van 3 lá.
– Chụp X-quang ngực: Kiểm tra hình ảnh tĩnh mạch chủ, nhĩ phải lớn hoặc tràn dịch màng phổi.
3. Hở van ba lá do đâu?
Hở van ba lá có thể do bẩm sinh hoặc do các bệnh lý khác gây nên. Bệnh nhân dị tật tim bẩm sinh như hẹp van động mạch chủ, dị tật Ebstein,…có nguy cơ cao bị hở van ba lá. Bệnh cũng có thể hình thành do cấu tạo van tim bất thường, vị trí van tim thấp hơn trong tâm thất phải.
Ngoài các nguyên nhân bẩm sinh, một số bệnh lý có thể gây nên tình trạng van 3 lá giãn hở bạn cần chú ý gồm:
– Hội chứng carcinoid: Các khối u bắt nguồn từ một vị trí trên cơ thể và lan dần ra các bộ phận khác, trong đó có van tim 3 lá và van động mạch phổi.
– Chấn thương vùng ngực: Van 3 lá cũng có khả năng bị tổn thương sau các chấn thương, va chạm mạnh tại vùng ngực.
– Van động mạch phổi hẹp và biến dạng: Đây là tình trạng van động mạch phổi mở không đủ rộng, làm chậm quá trình lưu thông máu từ tâm thất phải đến động mạch phổi, gây tổn thương cho van 3 lá.
– Biến chứng thấp khớp: Bệnh nhân sốt thấp khớp nếu không được điều trị đúng, sẽ gây nên các biến chứng nghiêm trọng như hỏng van tim, hở van ba lá.
Bên cạnh đó, hở van ba lá có thể được hình thành do hội chứng Marfan, thoái hóa myxomatous vô căn.
4. Điều trị hở van ba lá bằng phương pháp nội khoa và ngoại khoa
Việc điều trị bệnh hở van ba lá thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và triệu chứng của người bệnh. Trong một số trường hợp nhẹ, không có triệu chứng rõ ràng hoặc triệu chứng nhẹ, bác sĩ có thể theo dõi tình trạng mà không cần can thiệp xử lý. Tuy nhiên, nếu bệnh gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hoặc tình trạng sức khỏe tổng quát bị ảnh hưởng, bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời.
4.1. Sử dụng thuốc cải thiện triệu chứng hở van tim ba lá
Sử dụng thuốc là phương pháp ngăn ngừa bệnh phát triển nặng hơn, cải thiện các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động của người bệnh. Bệnh nhân cần thực hiện theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng hoặc sử dụng thuốc không có trong đơn. Tránh tình trạng không đạt hiệu quả điều trị như mong muốn hoặc xảy ra hậu quả xấu tới sức khỏe.
4.2. Phẫu thuật thay tim trong điều trị hở van tim ba lá
Phẫu thuật sửa, thay tim là biện pháp cuối cùng được các bác sĩ đưa ra nếu tình trạng bệnh không giảm sau khi đã điều trị nội khoa. Các loại phẫu thuật điều trị hở van ba lá gồm: phẫu thuật tạo hình vòng van, sửa van ba lá, thay van ba lá.
Các phẫu thuật chỉ được thực hiện trong các trường hợp cần thiết, khi điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả và cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa dựa trên tình hình thực tế của bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh và những yếu tố khác. Quan trọng nhất, hãy thảo luận với bác sĩ về tình trạng của sức khỏe và phương pháp điều trị phù hợp.
Hiện nay, ngày càng có nhiều người mắc các bệnh lý về tim, trong đó có bệnh hở van tim ba lá. Phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm là cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi biến chứng nguy hiểm. Khi có các dấu hiệu bất thường về tim mạch, nên đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp.