Giấy khám sức khỏe doanh nghiệp là gì, văn bản này gồm những thông tin bắt buộc nào, giấy khám sức khỏe sẽ lưu trữ thế nào… Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải quyết trong bài viết dưới đây, cùng khám phá ngay thôi!
Menu xem nhanh:
1. Quy định chung về thực hiện khám sức khỏe doanh nghiệp
Theo quy định tại Luật lao động 2012, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng người lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động ít nhất một lần trong năm. Đặc biệt, có những đối tượng sẽ được khám định kỳ ít nhất 6 tháng/lần, cụ thể:
- Người lao động cao tuổi
- Người chưa thành niên
- Người khuyết tật
- Người làm công việc nặng nhọc hoặc có tính chất nguy hiểm
- Người làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại
Danh mục khám sức khỏe doanh nghiệp định kỳ sẽ bao gồm khám thể lực chung, kiểm tra lâm sàng và cận lâm sàng. Người lao động nữ sẽ được tham gia khám thêm danh mục sản phụ khoa. Nếu công việc có tính chất nặng nhọc hoặc môi trường làm việc độc hại, doanh nghiệp cần phải đưa thêm các danh mục khám sức khỏe phù hợp để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp ở người lao động.
Việc thực hiện hoạt động khám sức khỏe sẽ bắt đầu từ thời điểm tuyển dụng và trong suốt quá trình người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Trong đó, đối tượng được hưởng quyền lợi khám sức khỏe định kỳ bao gồm người lao động đã ký hợp động chính thức hoặc làm việc theo hình thức học nghề, tập nghề. Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp thì sẽ được sắp xếp làm việc tại vị trí phù hợp với sức khỏe nếu lao động đó tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp.
Bệnh cạnh việc tổ chức hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho công ty, doanh nghiệp còn có nghĩa vụ lập và lưu trữ hồ sơ sức khỏe của nhân viên. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề quản lý hồ sơ sức khỏe của người lao động.
2. Phân biệt các loại giấy khám sức khỏe dùng trong doanh nghiệp
Ở nội dung phía trên, chúng tôi đã đề cập tới tầm quan trọng của việc lưu trữ hồ sơ sức khỏe của người lao động. Trong đó, mẫu giấy khám sức khỏe của người lao động là văn bản quan trọng nhất. Văn bản này sẽ thể hiện các chỉ số phản ánh tình trạng sức khỏe và kết luận của bác sĩ. Có hai loại giấy khám sức khỏe sử dụng trong doanh nghiệp, cụ thể như sau:
2.1. Giấy khám sức khỏe doanh nghiệp đối với người xin việc
Việc theo dõi và quản lý sức khỏe của người lao động bắt đầu từ khi người lao động làm việc tại công ty theo hình thức làm việc chính thức, học nghề, tập nghề. Do đó, các doanh nghiệp thường yêu cầu nhân viên hoàn thiện hồ sơ xin việc kèm theo giấy khám sức khỏe. Mẫu giấy khám sức khỏe này sẽ thực hiện theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BYT hướng dẫn thực hiện quy định khám sức khỏe.
Theo đó, các nội dung trong mẫu giấy khám sức khỏe bao gồm:
- Thông tin cá nhân: Họ tên, độ tuổi, giới tính, địa chỉ…
- Tiền sử bệnh của bản thân và gia đình
- Thông tin các bệnh lý mà người lao động đang điều trị
- Tiền sử thai sản (chỉ dành riêng cho nữ)
- Kết quả khám thể lực chung (chỉ số chiều cao, cân nặng, huyết áp…)
- Kết quả khám lâm sàng (kết quả khám các cơ quan tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa…)
- Kết quả khám cận lâm sàng (kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh)
Ngoài những thông tin cơ bản trên đây, nếu trong quá trình khám, người lao động được chỉ định thực hiện thêm các bài kiểm tra, xét nghiệm thì cũng cần phải đính kèm kết quả danh mục khám bổ sung theo mẫu giấy khám sức khỏe này.
2.2. Giấy khám sức khỏe doanh nghiệp định kỳ
Thông tư 14/2013/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành kèm theo Phụ lục 3 là mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ. Mẫu văn bản này áp dụng với các đối tượng thực hiện khám sức khỏe định kỳ. Các doanh nghiệp khi tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên cũng sẽ sử dụng mẫu giấy này để đưa vào hồ sơ sức khỏe người lao động.
Các danh mục khám theo mẫu văn bản này cũng tương tự như mẫu giấy khám sức khỏe xin việc phía trên. Điểm khác biệt là có thêm danh mục khai thác thông tin các đơn vị đã từng làm việc trước đó. Người lao động sẽ liệt kê chi tiết tên doanh nghiệp đã từng công tác kèm theo thời gian làm việc ở từng đơn vị. Các công việc được liệt kê tính trong vòng 10 năm công tác, kể từ công việc gần nhất. Từ thông tin này, các bác sĩ sẽ có cơ sở để chỉ định các xét nghiệm, đánh giá chuyên khoa (nếu cần thiết) để sàng lọc nguy cơ bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Nếu doanh nghiệp thực hiện thêm các nội dung khám chuyên khoa ngoài những danh mục khám nêu trên thì kết quả sẽ được đính kèm cùng mẫu giấy khám sức khỏe ban đầu.
3. Các lưu ý để hoàn thiện hồ sơ sức khỏe người lao động
Bạn phải mang theo ảnh cá nhân để đính kèm theo mẫu giấy khám sức khỏe. Vậy, đi khám sức khỏe cần mấy tấm hình và yêu cầu của ảnh cá nhân thế nào? Theo Thông tư 14/2013/TT-BYT, người lao động chỉ cần mang 01 ảnh chụp cá nhân và được dán trực tiếp lên trên mẫu giấy khám sức khỏe. Trong đó, ảnh cá nhân cần phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Ảnh chụp trên nền trắng
- Ảnh chụp mới trong vòng 6 tháng gần nhất
- Kích thước 04×06 cm
- Nên ghi tên và ngày sinh phía sau ảnh để tránh thất lạc ảnh
Theo quy định, bạn chỉ cần chuẩn bị 1 tầm hình cá nhân, nhưng bạn nên chuẩn bị nhiều hơn để đề phòng thất lạc ảnh trong quá trình di chuyển. Hoặc trường hợp bạn muốn làm thêm nhiều giấy chứng nhận sức khỏe thì sẽ cần mang số lượng ảnh theo mong muốn. Do đó, với câu hỏi khám sức khỏe cần mấy tầm hình, câu trả lời sẽ là không giới hạn số lượng. Bạn hoàn toàn có thể mang thêm ảnh cá nhân tùy theo nhu cầu cá nhân của mình.
Ngoài ra, người lao động khi tham gia khám sức khỏe định kỳ cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu, không sử dụng đồ ăn hoặc đồ uống có chất kích thích. Trường hợp bạn không thể tham gia khám sức khỏe vào ngày mà đơn vị tổ chức thì có thể nên mang theo giấy giới thiệu của cơ quan để xác nhận thông tin với cơ sở y tế và thực hiện khám sức khỏe bổ sung.
Trên đây là toàn bộ những thông tin người lao động và người sử dụng lao động cần ghi nhớ về mẫu giấy khám sức khỏe dùng trong doanh nghiệp. Để tổ chức hoạt động khám sức khỏe định kỳ có hiệu quả, các doanh nghiệp nên quan tâm và cân nhắc lựa chọn cơ sở y tế uy tín nhằm mang lại lợi ích tối đa cho nhân viên.