Viêm khớp dạng thấp đang là một căn bệnh về xương khớp rất phổ biến, gây khó khăn trong hoạt động sinh hoạt hằng ngày, để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Vậy căn bệnh này thật sự có nguy hiểm như chúng ta nghĩ, cần làm gì phòng tránh bệnh? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
Viêm khớp dạng thấp là gì?
- Viêm khớp dạng thấp (hay còn gọi là viêm đa khớp dạng thấp) là bệnh tự miễn dịch, viêm mạn tính tổ chức liên kết màng dịch hoạt, tổn thương chủ yếu ở ngoại vi với những biểu hiện đặc trưng như là: sưng nóng và đau cứng ở các khớp bàn tay, ngón tay, bàn chân,…Không giống như những bệnh xương khớp khác, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng trực tiếp đến khớp của bạn, gây biến dạng các khớp và khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Bệnh thường tiến triển rất phức tạp, từ từ gây hậu quả cực kì nguy hiểm và hậu quả cuối cùng là cứng khớp, loãng xương, teo cơ và có thể tàn phế. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ làm ngừng quá trình phát triển và hạn chế các biến chứng xảy ra với người bệnh.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh hay gặp nhất trong các bệnh lý về cơ xương khớp. Đây là một trong những bệnh hay gặp nhất ở nhiều nước trên thế giới, chiếm tỷ lệ 0,5 đến 3% dân số, ở Việt Nam bệnh chiếm tỷ lệ khoảng 0,5%.
Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp
Cho đến nay, có khá nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp, nhưng có thể kể đến sự tham gia của những yếu tố gây bệnh chính là:
- Hệ thống miễn dịch do hoạt động quá mức nên đã tự chống lại các tế bào và cơ quan trong cơ thể, dẫn đến những biểu hiện của bệnh. Bởi vậy, viêm khớp dạng thấp được xem là bệnh tự miễn, tức là cơ thể tự tạo kháng thể chống những thành thành phần khác trong cơ thể
- Yếu tố cơ địa: bệnh lý liên quan đến giới tính và tuổi
- Yếu tố di truyền: từ lâu yếu tố di truyền trong bệnh viêm khớp dạng thấp đã được rất nhiều người chú ý bởi lẽ tỷ lệ mắc bệnh thường cao hơn ở những người cùng huyết thống.
- Yếu tố thuận lợi: sau chấn thương tinh thần, sau phẫu thuật, sống ở nơi ẩm thấp…
Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp
Giai đoạn khởi phát:
Bệnh thường phát triển từ từ, chỉ khoảng 10-15% bệnh bắt đầu đột ngột và cấp tính.
- Vị trí ban đầu: Trước khi có những triệu chứng biểu hiện rõ rệt, 70% bệnh bắt đầu bằng viêm một khớp: trong đó 1/3 bắt đầu viêm các khớp nhỏ tại bàn tay, 1/3 bắt đầu viêm ở khớp gối, 1/3 là tại các khớp còn lại.
- Các khớp viêm thường sẽ sưng, nóng, đỏ, đau rõ. Đau tăng nhiều về đêm và rạng sáng, có nhiều bệnh nhân sẽ bị cứng khớp vào buổi sáng khi mới thức dậy (bàn tay cứng, khó cử động để cầm nắm mọi vật)
Giai đoạn toàn phát:
- Vị trí viêm: tại các khớp cổ tay, bàn ngón tay, khớp cổ chân, khớp gối và một số khớp ở vị trí khác như khớp háng, cột sống,…
- Tính chất viêm:
- Sưng tại phần mu bàn tay nhiều hơn lòng bàn tay
- Sưng đau và hạn chế vận động, ít nóng đỏ
- Có dấu hiệu cứng khớp vào buổi sáng, thường kéo dài từ một đến vài giờ.
- Đau về đêm và rạng sáng.
- Diễn biến: Bệnh kéo dài nhiều năm, các khớp viêm dần sẽ bị biến dạng và dính vào nhau. Các khớp ngón tay thường sẽ tạo thành hình thoi, bàn tay biến dạng và dính ở tư thế nửa co và lệch trục về phía xương trụ. Các khớp thường sẽ sưng tấy và đau nhức làm hạn chế việc vận động gấp duỗi.
- Ngoài ra, những biểu hiện kèm theo bệnh nhân có thể gặp phải điển hình đó là: cơ thể mệt mỏi, gầy sút, ăn uống kém, da, niêm mạc nhợt nhạt, ra nhiều mồ hôi,…
Biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải những biến chứng sau:
- Biến dạng khớp
- Biến chứng về mắt: gây hội chứng khô mắt, lâu dần dẫn đến mù lòa.
- Tổn thương thần kinh ngoại vi
- Gây bại liệt, mất khả năng lao động
- Xuất hiện bệnh về da
- Làm tăng nguy cơ về bệnh tim mạch
- Biến chứng bệnh Lympho và các bệnh ung thư khác.
- Bệnh lý về phổi
Nguyên tắc điều trị viêm khớp dạng thấp
- Là một căn bệnh mạn tính kéo dài, vì thế khi điều trị đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì, không nản chí, có thể việc điều trị sẽ kéo dài cả đời.
- Điều trị phải phối kết hợp nhiều yếu tố giữa nội khoa và ngoại khoa: có thể phẫu thuật thay khớp nhân tạo, chỉnh hình khớp…
- Có thể sử dụng phương pháp tiêm chất nhờn dành cho các trường hợp viêm khớp dạng thấp nhẹ giúp cải thiện các chuyển động của khớp, đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo sụn xương.
- Theo dõi sức khỏe và điều trị ở nhiều giai đoạn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trong quá trình đó cần phải theo dõi sát sao diễn biến của bệnh để phòng ngừa những tai biến, biến chứng có thể xảy ra.
- Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần có chế độ ăn uống hợp lý, giàu năng lượng, ăn trái cây nhiều vitamin, và tích cực vận động để phòng các biến chứng dễ xảy ra.
Ai có nguy cơ dễ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh sẽ thường gặp ở độ tuổi trung niên và ở phụ nữ nhiều hơn nam giới (nữ chiếm 70-80% các trường hợp).
Phòng ngừa viêm khớp dạng thấp
- Để có sức khỏe tốt và tránh được các bệnh cơ xương khớp, ngoài các bài tập thể dục thường xuyên rèn luyện sức khỏe thì chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng đối với người bệnh. Đặc biệt, nó sẽ có kết quả tốt hơn nếu kết hợp điều trị cùng các phương pháp khác theo chỉ định của bác sĩ.
Một số phương pháp giúp hệ xương luôn chắc khỏe như:
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Cần kiểm soát cân nặng không vượt quá mức.
- Có chế độ ăn uống hợp lý
- Chăm chỉ rèn luyện thể dục thể thao
- Nên kiên trì điều trị dứt điểm.
Qua bài viết trên chắc hẳn độc giả đã tự trang bị thêm cho bản thân nhiều kiến thức về căn bệnh viêm khớp dạng thấp này. Vì thế, khi thấy có những dấu hiệu bất thường về hệ xương khớp, độc giả nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra và có hướng điều trị kịp thời nhất.
Hệ thống y tế Thu Cúc hiện nay có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp giàu kinh nghiệm đang trực tiếp khám và điều trị. Để được tư vấn, độc giả liên hệ 1900558892