Những dấu hiệu bệnh trĩ: Nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Hoàng Minh

Bác sĩ Ngoại Khoa

Bệnh trĩ có những dấu hiệu và biểu hiện rất đặc trưng. Trong bài viết này, Thu Cúc TCI gửi đến quý độc giả thông tin xoay quanh những dấu hiệu bệnh trĩ, nguyên nhân và cách điều trị căn bệnh thầm kín đầy phiền toái này.

1. Bệnh trĩ: Định nghĩa và phân loại bệnh

Bệnh trĩ (hemorrhoid) là căn bệnh điển hình thuộc nhóm bệnh lý ở hậu môn – trực tràng. Tình trạng giãn tĩnh mạch hậu môn và trực tràng quá mức đã tạo ra các búi trĩ, từ đó hình thành nên bệnh trĩ. Bệnh trĩ có hai loại là trĩ nội (internal hemorrhoid) và trĩ ngoại (external hemorrhoid). Trong đó, trĩ nội là tình trạng các búi trĩ xuất hiện và phân bố bên trên đường lược, nằm hoàn toàn trong ống hậu môn. Trĩ ngoại ngược lại, các búi trĩ xuất hiện và phân bố dưới đường lược, bên ngoài hậu môn. Ngoài ra, tình trạng đồng thời mắc cả trĩ nội lẫn trĩ ngoại được gọi là bệnh trĩ hỗn hợp.

Các mức độ bệnh

Bệnh trĩ nói chung được chia theo các cấp độ bệnh để dễ dàng khám chữa. Bệnh có 4 giai đoạn, tình trạng bệnh tăng nặng tương ứng với các mức độ bệnh tăng lên. Đối với trĩ nội, bệnh được chia thành các mức độ như sau:

Cấp độ 1: Các búi trĩ còn nhỏ, nằm bên trong ống hậu môn, rất khó phát hiện

Cấp độ 2: Các búi trĩ to hơn, đôi khi sa ra ngoài nhưng có thể co lại mà không cần dùng tay.

Cấp độ 3: Các búi trĩ sa ra ngoài, cần phải dùng tay đẩy lên thì búi trĩ mới co vào được

Cấp độ 4: Búi trĩ sa hoàn toàn ra bên ngoài, dùng tay đẩy cũng không trở lại bên trong hậu môn.

Chảy máu khi đại tiện là một trong những những dấu hiệu bệnh trĩ

Chảy máu khi đại tiện là một trong những những dấu hiệu bệnh trĩ

Bệnh trĩ ngoại được chia thành các mức độ như sau:

Cấp độ 1: Hình thành trĩ dưới dạng các chấm nhỏ quanh hậu môn

Cấp độ 2: Các búi trĩ to hơn, bắt đầu gây đau đớn

Cấp độ 3: Búi trĩ phát triển lớn gây tắc nghẹt.

Cấp độ 4: Viêm nhiễm, nhiễm trùng búi trĩ. Cấp độ này rất dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm

2. Những dấu hiệu bệnh trĩ: Bệnh trĩ biểu hiện như thế nào?

2.1. Những dấu hiệu bệnh trĩ nội

Bệnh trĩ nội có triệu chứng điển hình là chảy máu. Trĩ nội gây chảy máu nhiều hơn so với bệnh trĩ ngoại. Lượng máu tăng dần theo cấp độ bệnh, ở giai đoạn đầu bệnh nhân chỉ chảy máu với lượng nhỏ. Khi bệnh trở nặng, máu sẽ ra thành giọt thậm chí thành tia máu. Điều này gây thiếu máu nghiêm trọng ở những người bệnh trĩ nội lâu năm nhưng không điều trị.

Ngoài ra, bệnh trĩ nội có các dấu hiệu thông thường của bệnh trĩ như ngứa rát hậu môn, búi trĩ sa ra ngoài, cảm giác vướng víu và cộm ở hậu môn,..

Bệnh trĩ nội gây ra nhiều khó khăn khi đại tiện và các hoạt động khác trong cuộc sống. Đặc biệt là khi búi trĩ sa ra ngoài, hậu môn nhớp nháp chảy dịch khiến bệnh nhân vô cùng tự ti. Bệnh khó phát hiện hơn trĩ ngoại bởi các búi trĩ nằm bên trong ống hậu môn. Người bệnh chỉ có thể phát hiện khi búi trĩ sa ra ngoài hoặc phát hiện bằng việc đi khám khi có các triệu chứng dù là rất nhẹ.

Bệnh trĩ nội gây chảy máu

Bệnh trĩ nội gây chảy máu

2.2. Những dấu hiệu bệnh trĩ ngoại

Bệnh trĩ ngoại dễ phát hiện hơn so với trĩ nội bởi đặc điểm các búi trĩ nằm bên ngoài hậu môn. Nhưng cũng vì đặc điểm này mà trĩ ngoại gây đau đớn hơn trĩ nội rất nhiều. Dấu hiệu bệnh trĩ ngoại là những chấm nhỏ quanh hậu môn. Các chấm nhỏ ngày càng phát triển trở thành các khối thịt – các búi trĩ. Bệnh trĩ ngoại gây đau đớn bởi khi hoạt động, các búi trĩ không ngừng cọ xát vào thành hậu môn và quần áo.

Bệnh trĩ ngoại cũng có biểu hiện là hậu môn chảy dịch gây cảm giác nhớp nháp, ẩm ướt thường xuyên. Ngoài ra, trĩ ngoại cũng gây chảy máu, nhưng không nhiều và thường gặp như bệnh trĩ nội.

3. Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh trĩ hình thành do đâu?

3.1. Nguyên nhân hàng đầu: táo bón mạn tính

Những bệnh nhân táo bón kéo dài thường có nguy cơ mắc bệnh trĩ rất cao. Mỗi khi đại tiện, người bị táo bón thường có xu hướng rặn mạnh để đẩy phân ra ngoài. Áp lực đặt lên ống hậu môn cao hơn, gây ứ máu trong đám rối tĩnh mạch, từ đó gây ra bệnh trĩ. Việc rặn mạnh còn làm tổn thương dây chằng cố định đệm hậu môn.

Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ thể không được cung cấp đủ chất xơ. Không cung cấp đủ rau xanh, hoa quả, dẫn đến tiêu hóa và đi đại tiện khó khăn. Thói quen ăn đồ cay nóng, uống ít nước, dùng đồ uống có cồn,.. cũng dẫn đến táo bón gây ra bệnh trĩ.

3.2. Tình trạng áp lực ổ bụng tăng lên

Người bị ho nhiều và kéo dài có thể gây ra những áp lực rất lớn lên ổ bụng. Ngoài ra, những công việc đòi hỏi ngồi nhiều (người làm văn phòng), người khuân vác đồ nặng,… làm tăng áp lực trong ổ bụng kéo dài. Tình trạng này rất dễ gây ra các cản trở hồi lưu tĩnh mạch ở vùng hậu môn.

Người làm công việc văn phòng có nguy cơ bị trĩ rất cao

Người làm công việc văn phòng có nguy cơ bị trĩ rất cao

3.3. Quá trình mang thai và sinh con (sinh thường) của phụ nữ

Trong thai kỳ ở phụ nữ, thai nhi ngày càng lớn gây chèn ép lên các bộ phận khác. Từ đó, thai nhi làm cản trở dòng máu tĩnh mạch ở hậu môn, tạo ra các ứ trệ lên vùng hậu môn. Đặc biệt, tình trạng này còn tạo ra các áp lực lên tĩnh mạch hậu môn và trực tràng.

Khi sản phụ sinh con, việc rặn không đúng cách khi sinh thường có thể làm bệnh trĩ nặng thêm.

3.4. Những yếu tố khác

Một vài nguyên nhân khác có thể kể đến như việc quan hệ tình dục xâm nhập hậu môn, dùng chất kích thích, chất có cồn,… cũng có thể dẫn đến bệnh trĩ.

Bệnh nhân trĩ đa phần có độ tuổi từ 30-60 tuổi, trong đó tỷ lệ nữ bị bệnh chiếm tới 60%.

4. Điều trị bệnh trĩ như thế nào để đạt hiệu quả?

Điều trị bệnh trĩ cần lưu ý nguyên tắc: Không tự ý chữa trị tại nhà, không chữa bệnh bằng các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân phải đi khám để được chẩn đoán và xác định tình trạng bệnh và được chỉ định phương pháp phù hợp

Ở giai đoạn bệnh nhẹ, cấp độ 1,2, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa cho bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ được kê các loại thuốc uống, thuốc bôi để làm teo nhỏ búi trĩ.

Khi bệnh nặng hơn hoặc người bệnh không đáp ứng điều trị nội khoa, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bệnh bằng phẫu thuật hoặc dùng thủ thuật để loại bỏ búi trĩ.

Bên cạnh điều trị y khoa, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc trong chế độ ăn uống và tập luyện để đảm bảo hiệu quả điều trị cao hơn.

Trên đây là những thông tin về bệnh trĩ, những dấu hiệu bệnh trĩ, nguyên nhân và cách điều trị. Hy vọng bài viết giúp quý độc giả có cái nhìn rõ nét hơn về bệnh, từ đó xóa tan những phiền toái mà căn bệnh thầm kín này đem lại.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital