Đột quỵ não là một tình trạng y tế nguy hiểm có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, thậm chí dẫn tới tử vong. Vì vậy, bất kỳ ai cũng nên có các kiến thức cơ bản để nhận ra các dấu hiệu của bệnh và áp dụng quy trình cấp cứu đột quỵ não ngay lập tức giúp tăng cơ hội sống sót và phục hồi cho người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Những dấu hiệu cần chú ý của đột quỵ não
Đột quỵ não thường đi kèm với một số dấu hiệu rõ ràng và việc nhận ra chúng là rất quan trọng để đưa ra hành động kịp thời. Dưới đây là những dấu hiệu chính cần chú ý:
– Mất khả năng nói, hiểu và giao tiếp: Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc nói chuyện, trình bày suy nghĩ của bản thân, kết nối hoặc hiểu câu chuyện của người khác.
– Mất cân bằng và khó khăn trong việc di chuyển: Người bị đột quỵ có thể gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng và di chuyển linh hoạt, làm tăng nguy cơ chấn thương, va chạm.
– Nhìn mờ hoặc mất thị lực: Bệnh nhân có thể bị mờ hoặc mất thị lực một cách đột ngột.
– Cảm giác tê liệt hoặc yếu: Bất kỳ cảm giác tê liệt hoặc yếu ở một phần của cơ thể, đặc biệt là một bên cơ thể, đều có thể là dấu hiệu đột quỵ.
– Đau đầu cấp tính và chóng mặt: Một cơn đau đầu cấp tính không thường xuyên hoặc đau đầu đi kèm chóng mặt có thể là “tín hiệu” cảnh báo đột quỵ.
– Đau ngực hoặc khó thở: Một số trường hợp đột quỵ não có thể gây ra đau ngực hoặc khó thở, tương tự như triệu chứng của cơn đau tim. Đây là một dấu hiệu đột quỵ cần được chú ý, đặc biệt là ở những người có tiền sử bệnh tim.
2. Xử trí khi gặp người có dấu hiệu đột quỵ não
Khi gặp người có dấu hiệu đột quỵ não, hãy lưu ý các bước sau:
– Gọi cấp cứu ngay lập tức: Hãy gọi số cấp cứu để yêu cầu sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Hoặc nếu có sự hướng dẫn từ các chuyên gia thì những người xung quanh có thể trực tiếp đưa người bị đột quỵ não vào bệnh viện để tránh bỏ qua giờ vàng cấp cứu.
– Ghi chép thông tin: Sau khi đã liên hệ cấp cứu, người thân, bạn bè cần ghi lại thời gian và những dấu hiệu đột quỵ để cung cấp cho bác sĩ. Những thông tin này vô cùng quan trọng để các chuyên gia có thể đưa ra cách cấp cứu đột quỵ não phù hợp nhất.
– Giữ cho bệnh nhân ở tư thế thoải mái: Đặt bệnh nhân vào tư thế nằm nghiêng về một bên để hỗ trợ việc thông khí và hạn chế nguy cơ nôn mửa. Có thể sử dụng khăn sạch lấy đờm, dãi trong cổ người bệnh nếu thấy triệu chứng thở khò khè, khó thở. Bên cạnh đó, người nhà cần đặc biệt lưu ý, nếu thấy người bị đột quỵ có biểu hiện co giật thì cần cần dùng các công cụ hỗ trợ chặn ngang miệng, tránh người bệnh cắn vào lưỡi.
– Đừng cho bệnh nhân uống hoặc ăn bất cứ thứ gì: Đột quỵ có thể là do ngừng tuần hoàn máu đến não, do đó, không đưa bất kỳ thức ăn hay loại thuốc nào vào miệng bệnh nhân.
3. Quy trình cấp cứu đột quỵ não
3.1. Xác định nguyên nhân đột quỵ não
Trước khi thực hiện bất kỳ biện pháp cấp cứu nào, việc xác định nguyên nhân đột quỵ không chỉ quan trọng mà còn quyết định đến phương pháp điều trị sau này. Bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng để đưa ra đánh giá chính xác về tình trạng của bệnh nhân. Thông thường, người bị đột quỵ khi đưa vào bệnh viện sẽ được chỉ định chụp cắt lớp vi tính CT não hoặc chụp cộng hưởng từ MRI não. Hai phương pháp này giúp xác định nguyên nhân đột quỵ là do tắc nghẽn mạch máu não hay xuất huyết não. Kết hợp với các kết quả xét nghiệm khác, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.
3.2. Sử dụng kỹ thuật cấp cứu đột quỵ não hiệu quả
Một số kỹ thuật cấp cứu đột quỵ không thể thiếu bao gồm:
– Sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA): Đây là một loại thuốc phá vỡ cục máu đông và khôi phục lưu thông máu đến não. Tuy nhiên, phương pháp chỉ được thực hiện trong một khung thời gian cụ thể sau khi bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng (tốt nhất trong vòng 3 giờ). Sử dụng thuốc càng sớm càng giúp tăng tỷ lệ sống sống và khôi phục sau đột quỵ của người bệnh.
– Phẫu thuật loại bỏ cục máu đông: Trong một số trường hợp, phẫu thuật là phương pháp cần thiết để loại bỏ cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu.
– Đặt ống thông khí: Ở một số bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định đặt một ống thông khí vào đường dẫn cơ hô hấp để đảm bảo lưu thông không bị ngắt quãng.
Các kỹ thuật này cần được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm. Người xung quanh không nên tự ý mua thuốc hoặc thực hiện các biện pháp không khoa học để cấp cứu, tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.
3.3. Biện pháp phục hồi cho bệnh nhân không được cấp cứu đột quỵ não kịp thời
Khi bệnh nhân không được cấp cứu đột quỵ kịp thời, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Các chuyên gia lưu ý người thân cần hỗ trợ bệnh nhân phục hồi chức năng để cải thiện chất lượng cuộc sống bằng các biện pháp sau:
– Tập thể dục phục hồi chức năng: Luyện tập thể dục phục hồi chức năng giúp cải thiện khả năng di chuyển, giữ thăng bằng, sức mạnh và sự linh hoạt của cơ thể. Gia đình nên tham khảo các bài tập vật lý trị liệu từ các chuyên gia để đạt hiệu quả tốt nhất.
– Thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng: Để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ và tăng cường sức khỏe, bệnh nhân cần áp dụng lối sống và thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Hãy ăn uống đủ dinh dưỡng, giảm tiêu thụ muối và chất béo, tăng cường hoạt động thể chất, kiểm soát cân nặng và hạn chế các thói quen xấu như hút thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn.
– Hỗ trợ tâm lý: Đột quỵ có thể gây ra tác động tâm lý nặng nề cho bệnh nhân. Vì vậy, hỗ trợ tâm lý là một phần quan trọng của quá trình phục hồi. Bệnh nhân có thể cần tư vấn tâm lý hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ để giúp họ vượt qua cảm giác bất an, trầm cảm và giúp tạo động lực để phục hồi.
Lưu ý, việc áp dụng biện pháp phục hồi nên dựa trên đánh giá và chỉ định của bác sĩ chuyên gia trong mỗi trường hợp cụ thể.
4. Cách giảm thiểu nguy cơ đột quỵ
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ như các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu, thiếu máu não, dị dạng mạch máu, thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, ăn uống thiếu khoa học, tình trạng thừa cân béo phì… Để ngăn đột quỵ xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng và hạn chế những hậu quả nặng nề do đột quỵ, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên khám tầm soát nguy cơ đột quỵ từ sớm.
Nếu có nhu cầu thăm khám, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ.