Xơ gan là bệnh lý gan mật có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như suy gan, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng dịch cổ trướng. Nhận biết biểu hiện của xơ gan qua những thông tin trong bài viết dưới đây để có biện pháp phát hiện và điều trị sớm, bảo vệ sức khỏe gan mật.
Menu xem nhanh:
1. Xơ gan là gì và những nguyên nhân gây bệnh
Bệnh xơ gan là tình trạng mà mô gan bình thường bị xơ hóa và xuất hiện sẹo. Đây là bệnh gan mạn tính và tiến triển chậm theo thời gian. Khi xơ gan tiến triển, chức năng gan bị suy giảm và có thể dẫn đến suy gan.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến gan bị tổn thương, gây xơ gan. Trong đó, lạm dụng rượu là một trong những yếu tố gây bệnh phổ biến. Việc tiêu thụ rượu nhiều trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho các tế bào gan, dẫn đến việc hình thành mô sẹo. Bên cạnh việc sử dụng rượu thì những người mắc các bệnh viêm gan mạn tính do virus (như viêm gan B và viêm gan C), tiểu đường cũng có nguy cơ mắc xơ gan cao hơn so với người thường.
Xơ gan cần được phát hiện và kiểm soát kịp thời bởi bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tăng áp tĩnh mạch cửa, ung thư gan, cổ trướng, phù chân, nhiễm trùng hoặc các vấn đề xương khớp.
2. 6 biểu hiện của bệnh xơ gan thường gặp
2.1. Chán ăn, sụt cân
Bệnh nhân xơ gan bị suy giảm chức năng gan nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Ăn không tiêu, chướng bụng là những biểu hiện của xơ gan thường gặp.
Người bệnh mất cảm giác thèm ăn, cơ thể mệt mỏi và giảm năng lượng. Do chức năng gan kém, không thể xử lý và hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn một cách hiệu quả, bệnh nhân không cảm thấy ngon miệng kể cả khi ăn những món yêu thích. Ngoài ra, chức năng tiêu hóa bị rối loạn còn gây buồn nôn, nôn mửa và giảm cân nhanh chóng.
2.2. Biểu hiện của xơ gan thường gặp: đau phần trên bên phải của bụng
Đau nhẹ ở phần trên bên phải của bụng là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh xơ gan, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của bệnh. Các cơn đau nhẹ xuất hiện do xơ gan gây tổn thương các mô và cơ quan xung quanh gan. Đau vùng bụng trên phía bên phải thường nhẹ nhưng cũng có thể là các cơn tức nặng các vùng bụng quanh gan.
Ngoài ra, đau ở phần trên bên phải của bụng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác không liên quan đến gan, chẳng hạn như viêm loét dạ dày – tá tràng, đau thần kinh cột sống hoặc các vấn đề về túi mật.
2.3. Cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống
Xơ gan có thể gây mệt mỏi và thiếu năng lượng. Nguyên nhân chính của mệt mỏi và thiếu năng lượng trong xơ gan là do chức năng gan suy giảm, rối loạn dinh dưỡng. Cụ thể:
– Gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng, sản xuất năng lượng cho cơ thể. Khi bị xơ hóa, gan hoạt động không hiệu quả, dẫn đến suy giảm khả năng chuyển hóa và sản xuất năng lượng, khiến cơ thể mệt mỏi và thiếu sức sống.
– Xơ gan cũng có thể làm giảm sự hấp thụ và sử dụng chất dinh dưỡng từ thức ăn. Điều này dẫn đến suy dinh dưỡng, sức khỏe giảm sút. Các triệu chứng của xơ gan ảnh hưởng lớn tâm lý, khiến người bệnh lo lắng, chán nản, tự ti. Ngoài ra, một số người mắc xơ gan có thể gặp vấn đề về giấc ngủ. Chu kỳ ngủ bị ảnh hưởng làm tăng cảm giác mệt mỏi và thiếu năng lượng vào ban ngày.
2.4. Biểu hiện của xơ gan giai đoạn đầu: nổi mề đay, nổi ban đỏ
Mẩn ngứa, nổi mề đay hoặc ban đỏ có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh xơ gan. Gan là bộ phận có nhiệm vụ trung hòa và đào thải độc tố. Ở các bệnh nhân xơ gan, chức năng này giảm, khiến độc tố tích tụ và lắng ở da, gây mẩn đỏ và ngứa. Ngoài ra, bệnh nhân xơ gan có thể cảm thấy ngứa ngáy tại toàn bộ cơ thể hoặc tập trung ở các vùng như tay, chân, bụng hoặc lưng. Triệu chứng này gây khó chịu và ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của người bệnh.
Trong giai đoạn đầu của xơ gan, không phải tất cả người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng nổi mề đay hoặc nổi ban đỏ. Tuy nhiên, có một số trường hợp xơ gan có thể gây ra những vấn đề da liên quan.
2.5. Thay đổi màu da, gây vàng mắt
Một trong những biểu hiện chính của xơ gan là vàng da và mắt. Đây là triệu chứng quan trọng và thường xuất hiện trong giai đoạn muộn của bệnh.
Lúc này, các tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và bài tiết sắc tố mật (bilirubin). Bilirubin tích tụ trong máu và gây ra màu vàng trên da và mắt.
2.6. Các biểu hiện khác
Bệnh nhân xơ gan thường gặp các vấn đề khác như dễ bị chảy máu, bầm tím, đi tiểu sậm màu hoặc suy giảm trí nhớ, mất tập trung. Ngoài ra, một số trường hợp có thể bị sốt nhẹ do chức năng thải trừ virus, vi khuẩn của gan bị giảm. Vì vậy, cơ thể dễ dàng bị virus tấn công. Lúc này, hệ thống miễn dịch sẽ phát tín hiệu đến não để tăng nhiệt độ cơ thể hơn bình thường nhằm loại bỏ virus.
3. Chẩn đoán xơ gan và các bệnh lý gan mật khác
Việc phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác các vấn đề gan mật sẽ giúp phòng ngừa và điều trị kịp thời các bệnh lý, ngăn nguy cơ gây hại đến sức khỏe. Khi đến bệnh viện thăm khám, bệnh nhân sẽ được bác sĩ khám lâm sàng (hỏi tiền sử về sức khỏe, xem xét biểu hiện của xơ gan và kiểm tra tim, phổi, bụng). Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp chẩn đoán như:
– Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu là một phương pháp quan trọng để đánh giá chức năng gan và phát hiện các chỉ số cụ thể liên quan đến bệnh lý gan mật. Các xét nghiệm máu thường bao gồm đo mức bilirubin, enzyme gan, thời gian đông máu và các chỉ số khác.
– Siêu âm và chụp CT/MRI gan: Siêu âm và chụp CT/MRI gan được sử dụng để tạo hình ảnh gan và các cơ quan xung quanh giúp phát hiện sự tổn thương, biến đổi cấu trúc và kích thước của gan. Nó cũng có thể giúp loại trừ các vấn đề khác nhau như u gan hoặc tổn thương gan.
– Sinh thiết gan: Sinh thiết gan là một phương pháp chẩn đoán cho kết quả có mức chính xác cao tình trạng xơ gan. Quá trình này gồm việc lấy một mẫu mô gan để phân tích và đánh giá mức độ tổn thương gan.
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và nhu cầu của người bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp chẩn đoán phù hợp. Lưu ý, các thông tin trong bài viết trên đây chỉ mang tính tham khảo, không thể thay thế các chẩn đoán y khoa.