Một số trường hợp cha mẹ cần nhổ răng sữa cho bé như khi trẻ ở độ tuổi thay răng vĩnh viễn hay trẻ bị sâu răng. Nhổ răng sữa an toàn và đúng cách vô cùng quan trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp tới răng vĩnh cửu của trẻ sau này. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng được trang bị đúng và đủ kiến thức về nhổ răng an toàn và đúng cách cho bé.
Menu xem nhanh:
1. Răng sữa của trẻ
Răng sữa của trẻ là lớp răng đầu tiên của trẻ được hình thành khi trẻ được 6 tháng tuổi và kết thúc mọc khi đủ 20 chiếc răng vào thời điểm trẻ từ 2 – 3 tuổi.
Mặc dù khi đến tuổi thay răng thì tất cả các răng sữa đều bị mất đi, song ở những năm đầu đời của trẻ, răng sữa lại có vai trò vô cùng quan trọng:
– Răng sữa giúp trẻ thực hiện chức năng ăn nhai giống như răng vĩnh cửu. Nhờ có chức năng này mà xương hàm của bé cũng được kích thích phát triển tốt hơn.
– Răng sữa cùng với lưỡi giúp trẻ có thể phát triển ngôn ngữ một cách bình thường.
– Răng sữa định hướng vị trí cho mọc cho răng vĩnh cửu sau này.
Chính bởi những vai trò quan trọng trên mà răng sữa của trẻ cần được quan tâm và chăm sóc đúng cách, tránh bị nhiễm bệnh,… cho đến khi những chiếc răng này tự rụng và trẻ bước vào thời kỳ mọc răng vĩnh viễn.
2. Nhổ răng sữa cho bé khi đến tuổi thay răng vĩnh cửu
Vào thời điểm khi trẻ khoảng 5 tuổi, các răng sữa bắt đầu mọc. Tín hiệu để nhận biết chính xác răng sữa chuẩn bị rụng chính là trẻ cảm thấy hơi đau chân răng và nói với ba mẹ rằng hình như chiếc răng của trẻ đã bị lung lay rồi. Đây cũng là lúc mà nhiều cha mẹ băn khoăn có nên chủ động nhổ răng sữa cho con hay không.
Thông thường, các răng sữa sẽ tự rụng và răng cửa sẽ tự mọc. Tuy nhiên không ít trường hợp răng sữa của trẻ vẫn không có dấu hiệu tự rụng mặc dù răng vĩnh viễn đã có dấu hiệu sắp trồi lên. Để đảm bảo cho răng vĩnh viễn có thể mọc bình thường và mọc đúng vị trí, nhiều cha mẹ chủ động giúp trẻ lung lay và nhổ răng ngay từ khi có dấu hiệu thay răng.
Để nhổ răng sữa cho bé được diễn ra một cách dễ dàng và ít đau nhất, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tự lung lay răng đúng cách bằng lưỡi hoặc bằng tay. Song trước khi trẻ dùng tay để lung lay chiếc răng, cần hướng dẫn trẻ vệ sinh tay thật sạch để tránh nguy cơ viêm lợi và nhiễm trùng trong quá trình thay răng. Ba mẹ cũng có thể giúp con lung lay bằng cách làm sạch tay và tiếp xúc răng của trẻ thông qua một miếng vải hoặc bông sạch để lót. Khi chiếc răng lung lay đến độ “muốn rơi ra ngoài”, cha mẹ có thể tự nhổ răng cho trẻ bằng cách dùng miếng vải lót và xoáy nhẹ nhàng giúp lấy toàn bộ chân răng. Tuy nhiên, nếu không biết cách nhổ răng hoặc nhổ răng quá sớm khi răng còn bám rất nhiều ở vùng lợi có thể gây nên tình trạng sót chân răng. Lúc này, hãy đưa trẻ tới bác sĩ nha khoa để được giúp đỡ.
Trong trường hợp cha mẹ không tự tin giúp trẻ nhổ răng tại nhà, hãy chủ động đưa trẻ tới các địa chỉ nha khoa uy tín để tiến hành nhổ răng. Tại đây, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tê để giúp trẻ mất đi cảm giác đau đớn khi nhổ. Quá trình nhổ răng cũng sẽ diễn ra rất nhanh chóng khoảng vài phút và hoàn toàn không gây đau cho trẻ sau khi nhổ xong.
Trong quá trình chờ răng vĩnh cửu mọc, hãy hướng dẫn trẻ cách chăm sóc vị trí mất răng bằng cách: tránh nhai vào khu vực chưa mọc răng, súc miệng nhẹ nhàng và tránh đưa bàn chải chải răng vào vùng vừa nhổ răng.
3. Nhổ răng sữa cho bé khi bé bị sâu răng
Vậy ngoài thay răng sữa, còn trường hợp nào cần can thiệp nhổ răng cho bé? Một trong những tình huống rất thường gặp đó là trẻ bị sâu răng.
Khi đề cập đến vấn đề này, rất nhiều cha mẹ cho rằng sâu răng sữa là điều không đáng ngại vì sau vài năm răng sữa cũng bị loại bỏ. Trên thực tế, việc sâu răng sữa không được điều trị lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng:
– Sâu răng có thể lan rộng tới chân răng và gây viêm nhiễm phần chân răng, viêm vào tận khu vực răng vĩnh cửu khiến cho răng này bị sâu răng ngay từ khi vừa mới mọc răng. Các nghiên cứu về răng sâu ở trẻ em đều thống kê rằng, răng sữa bị sâu thì nguy cơ răng vĩnh cửu tại vị trí tương ứng bị sâu là rất cao nếu không được điều trị.
– Sâu răng có thể lây nhiễm sang các răng bên cạnh và nhanh chóng sâu cả hàm răng gây ảnh hưởng tới chức năng ăn uống, tính thẩm mĩ của cả hàm.
– Sâu răng sữa có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng sâu vào xương hàm, vào máu và đe dọa tính mạng của trẻ.
Chính vì thế, ngay khi trẻ có dấu hiệu sâu răng, hãy đưa trẻ tới nha khoa khám và điều trị trám răng sâu. Trong trường hợp sâu răng quá nặng, sâu cụt chân răng hoặc tình trạng sâu răng làm rỗng tủy răng,…. và không thể hàn, trám lại, bác sĩ sẽ tiến hành nhổ bỏ răng sữa sâu của bé. Quá trình nhổ răng phải được đảm bảo điều kiện về vô trùng và kỹ thuật chính xác để lấy được toàn bộ chân răng sâu bởi hầu hết các răng sữa đều rất giòn và dễ dập vỡ do tủy răng gần như đã mất hoàn toàn.
Ngoài sâu răng thì một số trường hợp răng sữa bị viêm, hư tủy, răng bị viêm cement cấp hay bị tụt nướu,…. đe dọa nhiễm trùng răng vĩnh viễn cũng cần tiến hành nhổ bỏ.
Tóm lại, chăm sóc răng miệng cho trẻ nhỏ là điều quan trọng, giúp trẻ có một hàm răng đẹp sau này. Ba mẹ nên tạo thói quen vệ sinh răng miệng cho trẻ và duy trì đều đặn kiểm tra sức khỏe răng miệng cho bé 6 tháng một lần. Việc chăm sóc tốt sẽ làm giảm nguy cơ sâu răng và các bệnh răng miệng, giúp trẻ hạn chế tối đa việc phải nhổ răng sữa ngoài lý do mọc răng vĩnh cửu. Ngoài ra, để có một hàm răng khỏe mạnh và đều đặn hãy theo dõi thời điểm thay răng của bé và can thiệp nhổ răng sữa cho bé thật đúng cách nhé!