Nhân giảm âm tuyến vú là thuật ngữ không mới nhưng vẫn khá lạ lẫm với nhiều bệnh nhân lần đầu tiếp cận. Vậy nhân giảm âm tuyến vú là tình trạng như thế nào, có gây nguy hiểm? Hãy cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về nhân giảm âm tuyến vú
Nhân giảm âm tuyến vú là tổn thương dạng khối, thường ở thể đặc, tồn tại trong tuyến vú. Hầu hết người bệnh mắc nhân giảm âm đều được phát hiện tình cờ qua kiểm tra sức khỏe định kỳ có thực hiện chẩn đoán hình ảnh vú như x-quang hay siêu âm…
2. Nhân giảm âm ở vú có gây nguy hiểm?
Nhân giảm âm tuyến vú thường được phát hiện qua chẩn đoán hình ảnh và được xếp loại theo hệ thống phân loại BIRADS. Hệ thống này sử dụng 7 thang điểm từ 0-6 để đánh giá những khối bất thường tại vú theo nguy cơ ung thư hoá.
Như vậy, nhân giảm âm tuyến vú có nguy hiểm không phụ thuộc vào việc tổn thương này được đánh giá ở mức độ nào theo hệ thống phân loại này.
BIRADS 0: Không đủ dữ liệu để kết luận tổn thương, cần thực hiện thêm các kỹ thuật chẩn đoán khác.
BIRADS 1: Kết quả âm tính, không phát hiện bất thường ở vú.
BIRADS 2: Kết quả lành tính, có thay đổi tại vú nhưng không có dấu hiệu ung thư.
BIRADS 3: Kết quả có thể lành tính, cần theo dõi thêm từ 6 tháng đến 2 năm.
BIRADS 4: Kết quả đáng nghi ngờ ác tính, cần xem xét kết hợp sinh thiết xác định.
BIRADS 4A: Nghi ngờ ác tính ít (2-10%)
BIRADS 4B: Nghi ngờ ác tính mức độ vừa phải (10-50%)
BIRADS 4C: Nghi ngờ ác tính mức độ trung bình đến cao (50-95%) nhưng thấp hơn BIRADS 5
BI-RADS 5: Kết quả gợi ý bệnh ác tính, cần thực hiện sinh thiết nhân vú.
BI-RADS 6: Kết quả ác tính được xác định qua sinh thiết.
3. Cần làm gì khi phát hiện nhân giảm âm tuyến vú?
Đối với nhân giảm âm tuyến vú thuộc phân loại BIRADS từ 0-3, khi phát hiện cần lưu lại kết quả và hình ảnh để có cơ sở so sánh, đánh giá ở lần tái khám sau đó. Người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám bác sĩ đưa ra (thường là 6 tháng/ lần) để đảm bảo mọi biến đổi ở vú đều được theo dõi, kiểm soát.
Trong trường hợp nhân giảm âm vú được đánh giá BIRADS 4-6, bác sĩ có thể nghi ngờ nguy cơ ung thư hóa và chỉ định người bệnh thực hiện thêm sinh thiết mô bệnh để chẩn đoán xác định.
Điều quan trọng nhất sau khi phát hiện nhân giảm âm ở vú là người bệnh cần trao đổi chi tiết với bác sĩ để được giải thích về tình trạng hiện tại, nguy cơ ác tính cũng như có hướng can thiệp phù hợp, hiệu quả cao. Bệnh nhân cũng tuyệt đối không nên chủ quan mà cần có kế hoạch kiểm tra vú định kỳ để sớm phát hiện các bất thường (có thể là ung thư vú…), nhằm tăng hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian phục hồi.
4. Điều trị nhân giảm âm tuyến vú
Tùy thuộc vào phân loại BIRADS và các triệu chứng mà nhân vú gây ra trong từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định người bệnh điều trị nhân vú hoặc chỉ cần theo dõi định kỳ. Trong trường hợp cần can thiệp điều trị, dưới đây là một số phương pháp được ứng dụng phổ biến.
4.1 Điều trị nhân giảm âm tuyến vú bằng kỹ thuật VABB
Sinh thiết u vú dưới hướng dẫn siêu âm và lực hút chân không (VABB) là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, giúp người bệnh đạt được mục tiêu loại bỏ nhân vú mà không cần phẫu thuật mổ mở. Cụ thể, bác sĩ sẽ đưa một mũi kim nhỏ (kích thước từ 3-5mm) qua da tiếp cận vào vị trí có nhân giảm âm. Máy sinh thiết dao cắt quay sẽ cắt khối u thành các mảnh nhỏ và hút bỏ chúng ra ngoài thông qua lõi kim.
Điều trị nhân giảm âm tuyến vú bằng VABB, người bệnh không phải gây mê, chỉ gây tê tại chỗ. Sau điều trị, người bệnh chỉ cần theo dõi tại viện 30 phút và ra viện ngay trong ngày.
VABB được các bác sĩ đánh giá là phương pháp đột phá trong điều trị u vú nhờ khả năng xử lý cùng lúc nhiều khối u, không đau, không để lại sẹo, an toàn với các mô xung quanh và tiết kiệm thời gian…
Việc thực hiện kỹ thuật VABB điều trị nhân giảm âm cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và phụ thuộc vào tình trạng của từng người bệnh.
4.2 Điều trị nhân giảm âm tuyến vú bằng phẫu thuật
Nhân giảm âm ở vú có kích thước lớn, nhân được xác định là khối ác tính có thể được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn. Tương tự các cuộc phẫu thuật khác, phẫu thuật lấy nhân vú cũng có những yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình thực hiện và kỹ năng của bác sĩ chuyên khoa. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ tiếp tục được theo dõi hậu phẫu và kiểm tra định kỳ để đánh giá hiệu quả điều trị.
5. Phát hiện sớm nhân giảm âm ở vú bằng cách nào?
Rất nhiều trường hợp đến thăm khám, điều trị nhân vú đều là khi các nhân này đã ra tăng kích thước, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tinh thần và thẩm mỹ của người bệnh.
Tuy nhiên người bệnh hoàn toàn có thể phát hiện sớm các tổn thương này ở giai đoạn đầu, khi khối u chưa phát triển. Lúc này việc kiểm soát, điều trị các nhân giảm âm có thể được thực hiện hiệu quả, tránh những biến chứng có thể xảy ra về sau.
Dưới đây là một số lưu ý người bệnh có thể áp dụng:
– Học cách tự kiểm tra vú tại nhà để phát hiện sớm những thay đổi bất thường. Bạn nên kiểm tra vú vào cùng một thời điểm trong ngày, ghi lại những khác biệt mà bạn cảm nhận được theo tuần hoặc tháng.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong đó có siêu âm tuyến vú giúp phát hiện kịp thời các tổn thương, tăng tỷ lệ điều trị thành công nếu phát hiện nhân giảm âm tuyến vú là ung thư. Hoặc có kế hoạch theo dõi định kỳ nếu nhân là lành tính.
Tóm lại, nhân giảm âm tuyến vú có nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào phân loại BIRADS và kết quả sinh thiết. Tuy nhiên người bệnh không nên lo lắng mà cần lắng nghe tư vấn từ bác sĩ để có phương án điều trị hợp lý và hiệu quả.