95% tình trạng hóc xương ở trẻ em là hóc xương cá. Trong khi đó, cách trị hóc xương cá ở trẻ em hiện nay rất ít khi được tự thực hiện đúng cách. Bài viết sau đây sẽ giúp ba mẹ có cách nhận biết nhanh tình huống hóc xương cá ở con và hướng dẫn xử trí phù hợp trước tai nạn dị vật này.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết con bị hóc xương cá
Không chỉ với trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng rất dễ bị hóc xương cá. Thế nhưng, nếu người lớn có thể nhanh chóng nhận ra tình trạng bị hóc xương của mình, thì ở trẻ nhỏ, điều này lại khó khăn hơn. Trong đó, rất nhiều trường hợp cha mẹ phát hiện muộn tình trạng hóc xương của con, khiến việc điều trị cho trẻ phức tạp và nguy cơ biến chứng nhiều hơn. Đây cũng là khuyến cáo mà các bác sĩ luôn nhắc nhở cha mẹ về vấn đề hóc dị vật/xương của con.
1.1. Trẻ bị hóc xương cá có nhiều dấu hiệu đặc trưng
Thông thường, tình trạng hóc sẽ biểu hiện ngay khi xương cá chắn ngang lối thức ăn đi xuống qua cổ họng. Trong bữa cơm của con có thức ăn là cá, cha mẹ cần nghi ngờ con bị hóc xương cá khi trẻ có những vấn đề như:
– Đang ăn nhưng trẻ đột nhiên không chịu nuốt hay ăn tiếp, việc nuốt có vẻ khó khăn và thậm chí là trẻ khóc khi cha mẹ ép ăn.
– Trẻ có dấu hiệu nghẹn ứ hoặc muốn nôn vì nghẹn.
– Tình trạng nước bọt bất thường. Điều này thường do khi bị hóc, trẻ sẽ nuốt đau, khó nuốt. Do đó, nước bọt của trẻ không được nuốt xuống mà thường chảy ra ngoài.
– Trẻ có hiện tượng ho, ho nhiều, ho khó chịu, thậm chí là kèm theo mặt đỏ.
– Màu hồng nhạt của máu lẫn trong miếng. Đó là do xương cá đâm vào trong niêm mạc, làm chảy máu niêm mạc và theo đường nước miếng đi ra ngoài.
– Trẻ lớn có thể nói tình trạng đau họng của mình cho cha mẹ biết. Trong khi đó, trẻ bé thường thể hiện sự khó chịu, muốn móc họng hoặc cào cấu cổ của mình.
– Đặc biệt, cần chú ý khi trẻ có hiện tượng khó thở, thở khò khè. Khi này, cần đưa trẻ đến ngay bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
1.2. Những tình huống cần đưa trẻ đến viện chữa hóc xương cá sớm
Cha mẹ cần xác định đưa trẻ đến các bác sĩ tai mũi họng sớm trong các trường hợp như:
– Trẻ bị hóc kèm theo tình trạng khó thở, thở rít
– Trẻ liên tục kêu đau họng, cơn đau không có dấu hiệu suy giảm.
– Trẻ cho biết có tình trạng đau ngực, tức ngực khi bị hóc xương.
– Cổ họng trẻ sưng, phù nề
– Mặt mày trẻ tím tái
– Trẻ không chịu ăn uống
– Cha mẹ không thể chữa hóc xương cá cho con.
Hóc xương cá tùy từng trường hợp có thể được xử lý nhanh chóng và dễ dàng, cũng có những trường hợp cần sự can thiệp của kỹ thuật phức tạp, nhất là những tình huống xương cá lâu ngày hoặc xương cá gây ra các biến chứng. Biến chứng từ tình trạng hóc xương cá có thể khiến trẻ bị chảy máu, nhiễm trùng, không thể ăn uống. Hóc xương cá cũng có thể gây những tình trạng nguy hiểm như đâm vào các cơ quan quan trọng trong cơ thể chúng ta: đâm vào thanh quản, đâm vào phổi, làm xẹp phổi, đâm thủng thực quản, đâm thủng mạch máu,… Trong một số tình huống, xương cá rơi vào đường thở, có thể làm tắc nghẽn tại vị trí lỗ thở, khiến trẻ có tình trạng khó thở, nghẹt thở hoặc thậm chí là ngừng thở nguy hiểm.
Chính vì thế, việc được hỗ trợ kịp thời, xử lý xương cá đúng cách là điều rất cần thiết cho trẻ mà bố mẹ cần ghi nhớ.
2. Xử lý lấy xương cá khỏi cổ họng cho trẻ
– Trước tiên, cần giúp trẻ bình tĩnh để tránh tình trạng trẻ bị đau hơn do cố nuốt, hoặc khiến xương cá bị trôi, đâm sâu hơn vào cổ họng.
– Cha mẹ cho bé há miệng lớn để kiểm tra bằng đèn pin để xem vị trí xương cá mắc hóc. Khi phát hiện ra vị trí xương, cần yêu cầu trẻ hợp tác và gắp xương cá ra ngoài. Cha mẹ chú ý luôn trấn an trẻ, để trẻ ngồi yên, không cựa quậy để khi gắp xương cá không ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
Trong tình huống trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để có các thiết bị hỗ trợ phù hợp, vì trẻ quá nhỏ sẽ không hợp tác để cha mẹ gắp xương hóc ra được. Đôi khi, hình thức cưỡng chế cũng có thể phản tác dụng, khiến trẻ khóc nhiều hơn. Khi đó, xương cá có thể làm tổn thương bé hơn.
– Sau khi gắp xương cá khỏi cổ họng bé, hãy cho bé thử uống nước. Nếu bé có thể uống thông thường mà không có cảm giác đau, hoặc trẻ nói với bố mẹ là không còn đau, thì thông thường, xương cá đã được xử lý là không còn xương hóc.
– Trong tình huống cha mẹ soi họng không nhìn thấy xương cá, hoặc đã gắp xương cá nhưng trẻ vẫn đau, nên đưa con đến bệnh viện tai mũi họng để được bác sĩ kiểm tra và lấy xương cá ra theo cách phù hợp, tránh xương gây hóc còn sót lại, gây biến chứng cho bé.
3. Tránh những sai lầm khi giúp bé xử lý hóc xương cá
Cha mẹ không nên chữa hóc cho con bằng những cách sai lầm sau:
– Dùng tay dò tìm xương cá trong miệng và họng của bé. Điều này có thể khiến xương cá vốn dễ gắp ra lại bị đẩy sâu vào bên trong, khiến việc xử lý khó khăn hơn, mà cũng khiến họng hầu có thể bị xương cá đâm và gây nhiễm trùng nhiều hơn.
– Dạy con cách nuốt các miếng thức ăn lớn và có tính dẻo nhằm đẩy xương cá xuống. Điều này có thể khiến xương cá đâm vào thực quản, mạch máu,… hoặc đến các bị trí phức tạp trong điều trị.
– Dùng các mẹo dân gian chữa hóc cho con, ví dụ như nhét tỏi vào mũi, ngậm C, chanh,… Những cách này không có căn cứ khoa học, đồng thời làm chậm trễ việc điều trị chuẩn y khoa cho trẻ. Một số cách cũng có thể khiến trẻ mắc các vấn đề dị vật khác nghiêm trọng hơn.
– Chậm trễ đưa con đến bác sĩ. Nhiều người cho rằng, có thể giãn thời gian gắp xương cá cho con. Thế nhưng, xương cá gây hóc có nhiều nguy cơ biến chứng, và trẻ bị hóc có thể đối mặt với những vấn đề này mọi thời điểm.
Nhìn chung, khi con bị hóc xương cá, cha mẹ nên kiểm tra, xử lý nhanh cho con khi có thể. Nếu không thể gắp xương cá cho bé hoặc không phát hiện vị trí xương, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và có cách trị hóc xương cá ở đối tượng trẻ em phù hợp, đúng cách.