Nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ nhồi máu não

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Đột quỵ nhồi máu não chiếm hơn 70% các ca đột quỵ não, bệnh có thể gặp ở cả người lớn tuổi hoặc người trẻ. Nhận biết sớm các dấu hiệu của đột quỵ nhồi máu não là việc làm vô cùng cần thiết để đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời, giúp người bệnh thoát khỏi cánh cửa tử thần hoặc hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

1. Các dấu hiệu của đột quỵ nhồi máu não

Dấu hiệu của đột quỵ nhồi máu não được phân thành hai nhóm:

1.1 Dấu hiệu của đột quỵ nhồi máu não qua các triệu chứng thần kinh khu trú thần kinh

Các triệu chứng thần kinh khu trú phụ thuộc vào khu vực và động mạch bị tổn thương, bao gồm:

Đau đầu, buồn nôn và nôn

Rối loạn ý thức

Rối loạn cơ tròn: bí tiểu, đái dầm, táo bón

Rối loạn thần kinh thực vật

Rối loạn tâm thần

Co giật

Hội chứng màng não: đau đầu, táo bón, nôn, cứng gáy,…

Đau đầu - dấu hiệu của đột quỵ

Đau đầu là một trong những dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ có thể xảy ra.

1.2 Dấu hiệu của đột quỵ nhồi máu não theo vị trí của động mạch bị tổn thương

Tổn thương ở động mạch cảnh trong

Gây hội chứng mắt tháp với các biểu hiện cụ thể như: mất thị lực một bên (bên động mạch bị tổn thương); liệt nửa người trung ương; giảm áp lực võng mạc trung tâm; có thể nghe thấy tiếng thổi tâm thu trên chỗ tắc. Nếu như động mạch bị tổn thương chưa bị tắc hoàn toàn thì các triệu chứng này có thể được hồi phục hoàn toàn hoặc một phần.

Tổn thương ở động mạch não trước

Khi động mạch não trước bị tổn thương sẽ gây ra các triệu chứng như: liệt nửa người bên đối diện tổn thương, mất sử dụng động tác ở nửa người, rối loạn cơ vòng,…

Tổn thương động mạch não giữa

Nếu gốc động mạch não giữa bị tổn thương, các triệu chứng thường có diễn biến rất nặng như liệt, mất cảm giác nửa người, mất sử dụng động tác, bán manh đồng danh, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn ý thức, đầu và mắt quay về bên tổn thương.

Nếu tổn thương nhánh nông của động mạch não giữa, sẽ gây liệt không đồng đều ở nửa người, rối loạn cảm giác bên đối diện.

Nếu tổn thương ở nhánh sau của động mạch não giữa, sẽ gây liệt không đồng đều, có thể rối loạn ngôn ngữ và không có rối loạn cảm giác nửa người bên đối diện.

Nếu tổn thương ở động mạch não giữa bán cầu trội, các biểu hiện thường có như rối loạn ngôn ngữ giác quan, mất khả năng tính toán, mất nhận thức, mất khả năng viết, mất phân biệt nửa người, rối loạn định hướng trái phải.

Tổn thương động mạch màng mạch trước

Các biểu hiện khi bị tổn thương động mạch màng mạch trước như liệt đồng đều toàn bộ nửa người, bán manh, tăng trương cơ lực, rối loạn thần kinh thực vật, mất cảm giác nửa người, không có rối loạn ngôn ngữ.

Tổn thương động mạch đốt sống thân nền

Nếu tổn thương hoàn toàn thì các biểu hiện lâm sàng sẽ rất nặng như: hôn mê, rối loạn trương cơ lực, liệt các dây thần kinh sọ não, rối loạn tâm thần kinh thực vật, duỗi cứng mất não,… Các biểu hiện này thường rất nặng, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

Nếu tổn thương động mạch não sau gây ra các triệu chứng như rối loạn ngôn ngữ, bán manh, hội chứng ngoại tháp, rối loạn tâm thần, rối loạn cảm giác, mất khả năng đọc, mất khả năng sử dụng động tác.

Nếu tổn thương động mạch thân nền thì các triệu chứng bao gồm: liệt tứ chi, hội chứng Webr, hội chứng tiểu não,…

Ngất xỉu là một dấu hiệu của đột quỵ

Ngất xỉu đột ngột là một trong những dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ có thể xảy ra.

2. Nguyên nhân gây đột quỵ nhồi máu não

Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đột quỵ nhồi máu não đó là:

2.1 Huyết khối động mạch não

Khi thành mạch não bị tổn thương tại chỗ, quá trình này sẽ diễn ra liên tục và tổn thương đó sẽ lớn dần, sau đó làm hẹp hoặc tắc động mạch não.

Trên thực tế các yếu tố sau có thể làm tổn thương thành mạch não tại chỗ, bao gồm: huyết áp tăng, xơ vỡ động mạch, viêm động mạch, bệnh động máu rải rác, bệnh hồng cầu hình liềm,…

2.2 Tắc mạch

Có thể xảy ra do cục máu đông được hình thành bắt nguồn từ hệ thống tim mạch hoặc ngoài hệ thống tim mạch (từ các phần dập nát của cơ thể, bóng khí). Cục máu đông này sẽ theo hệ thống tuần hoàn trôi lên não, đến nơi động mạch hẹp hơn và sẽ bị giữ lại (tắc), gây tắc mạch.

dấu hiệu của đột quỵ

Xơ vữa động mạch làm cản trở máu lưu thông lên não, dễ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu dẫn tới đột quỵ.

3. Các thể đột quỵ nhồi máu não

Đột quỵ nhồi máu não có 3 thể huyết khối, tắc mạch não, nhồi máu não ổ khuyết.

3.1 Huyết khối

Huyết khối diễn ra từ từ và kéo dài trải qua các giai đoạn gồm:

– Giai đoạn mạch máu và huyết học: bệnh lý mạch máu làm hẹp dần lòng mạch và gây giảm dòng máu não. Khi rối loạn đông máu xảy ra dẫn tới huyết khối và tắc động mạch, làm gián đoạn quá trình cung cấp máu vận chuyển lên để nuôi các nhu mô não.

– Giai đoạn thay đổi của tế bào do thiếu máu: làm hoại tử các neuron, các tế bào thần kinh đệm, các mô nội sọ.

3.2 Tắc mạch não

Tắc mạch não được hình thành ở tim hoặc lòng quai động mạch chủ, động mạch cảnh, động mạch cột sống. Quá trình này thường diễn ra đột ngột do cục tắc bị bung ra và di chuyển đột ngột lên các động mạch nhỏ hơn trong não, gây tắc động mạch, làm gián đoạn sự tưới máu đột ngột lên một vùng não.

3.3 Nhồi máu não ổ khuyết

Đây là quá trình tổn thương não do tắc động mạch xiên nhỏ, khối tổn thương có đường kính rất nhỉ chỉ khoảng 1,5cm nhưng có thể gây đột quỵ thể nhồi máu não.

4. Chẩn đoán nhồi máu não bằng cách nào?

Hiện nay, có hai phương pháp chẩn đoán nhồi máu não thường được áp dụng đó là chụp cắt lớp vi tính CT và chụp cộng hưởng từ MRI.

Đối với chụp cắt lớp vi tính CT ưu điểm là áp dụng trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp người bệnh bị nhồi máu não. Tuy nhiên, xét về độ nhạy, khả năng quan sát các tổn thương bị khó nhìn và thời gian phát hiện tổn thương còn hạn chế so với phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI.

Cụ thể những hạn chế khi chụp cắt lớp vi tính (CT) so với chụp cộng hưởng từ (MRI):

– Độ nhạy thấp (chụp CLVT có độ nhạy trong chẩn đoán nhồi máu ổ khuyết là khoảng 30-44%, trong khi đó độ nhạy của chụp MRI là 85%).

– Khó khăn trong việc xác định nhồi máu cấp tính hố sau và nhồi máu vùng vỏ não nên thường chỉ quan sát thấy tổn thương ổ khuyết sọ não ở giai đoạn mạn tính ( Chụp MRI giúp xác định chính xác vị trí nhồi máu ổ khuyết, kể cả ở giai đoạn cấp tính).

– Chỉ thấy tổn thương trong vòng 6 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng (trong khi đó chụp MRI có thể thấy được tổn thương trong vòng 8 giờ).

Vì vậy, phương pháp chẩn ưu việt khi nghi ngờ các dấu hiệu của đột quỵ nhồi máu não được các chuyên gia khuyến cáo và áp dụng rộng rãi hiện nay là chụp cộng hưởng từ.

Bên cạnh những phương pháp trên, hiện nay có các gói khám tầm soát nguy cơ đột quỵ giúp sàng lọc sớm khả năng đột quỵ xuất hiện thông qua đánh giá sức khỏe tổng quan và bệnh lý nền. Từ đó xây dựng phương pháp ngăn chặn và phòng ngừa đột quỵ kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital