Nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý phổ biến ở hệ tiêu hóa. Nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng đa dạng và không giống nhau ở mỗi người. Nếu bệnh không được phát hiện kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. 

1. Khái niệm cơ bản về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc tá tràng hoặc dạ dày bị tổn thương. Trên bề mặt niêm mạc xuất hiện các vết loét sâu gây ra những cơn đau bụng. Theo thống kê gần đây thì có tới gần 30% dân số mắc các bệnh về viêm loét dạ dày tá tràng. 

Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh phổ biến ở hệ tiêu hóa

Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh phổ biến ở hệ tiêu hóa

2. Một số nguyên nhân chủ yếu gây viêm loét dạ dày tá tràng

Nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng là do sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và phá hủy. Khi yếu tố bảo vệ suy giảm là thời điểm thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh tấn công. 

2.1 Nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP 

Vi khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về tiêu hóa. Vi khuẩn HP sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ sinh sống tại lớp nhầy của tế bào niêm mạc. Chúng tiết ra loại men ăn mòn hàng rào bảo vệ của dạ dày. Do đó dạ dày và tá tràng của người bệnh bị tổn thương, viêm loét. 

2.2  Do sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm

Nguyên nhân phổ biến không kém đó chính là do người bệnh sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm thường xuyên. Thuốc kháng viêm nhóm NSAID là thuốc giảm đau khá thông dụng vì vậy mọi người có thể dễ dàng mua mà không cần đơn thuốc từ bác sĩ. Tuy nhiên các loại thuốc này thường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa đặc biệt là gây viêm loét dạ dày tá tràng. 

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tiêu Hóa Hoa Kỳ thì các loại thuốc này gây gián đoạn khả năng tự bảo vệ của dạ dày khỏi acid dịch vị. Nguy hiểm hơn, thuốc NSAID còn làm cản trở quá trình phục hồi của tế bào. 

Vì vậy bạn cần thận trọng khi sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau. Trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. 

2.3 Chế độ ăn uống chưa cân bằng cũng là nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng

Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp tới hệ tiêu hóa. Vì vậy nếu bạn có thói quen ăn nhiều đồ chua cay, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ uống có chất kích thích thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng cao. Bên cạnh đó các thói quen không tốt như: Ăn uống thất thường, ăn nhanh không nhai kỹ,…cũng một phần là nguyên nhân gây viêm loét. 

2.4 Căng thẳng, chế độ sinh hoạt không điều độ 

Có thể bạn chưa biết, stress kéo dài cũng có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng. Lý do là vì khi thần kinh căng thẳng sẽ kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid gây tổn thương lớp niêm mạc. Thói quen thức quá khuya, ngủ không đủ giấc cũng ảnh hưởng không tốt tới dạ dày.

2.5 Các lý do khác 

– Bệnh lý: Một số bệnh có khả năng gây loét dạ dày tá tràng như tiểu đường, xơ gan,…

– Yếu tố di truyền: Nếu gia đình bạn có người bị viêm loét dạ dày thì bạn cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao có khả năng nhiễm bệnh. 

– Bệnh tự miễn Crohn

– Một số loại nấm, virus cũng có khả năng gây bệnh

Vi khuẩn HP là nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng

Vi khuẩn HP là nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng

3. Triệu chứng dễ nhận biết nhất của viêm loét dạ dày

Khi mắc bệnh triệu chứng ở mỗi người sẽ không giống nhau. Các trường hợp khi bệnh mới nhen nhóm thường không có dấu hiệu rõ rệt và dễ bị nhầm lẫn với đau bụng thông thường. Tuy nhiên phần lớn những người bị viêm loét dạ dày tá tràng sẽ có một trong các triệu chứng đặc trưng như

3.1 Đau bụng vùng thượng vị

Đây là dấu hiệu thường gặp nhất khi bị viêm loét dạ dày tá tràng. Cơn đau có thể xuất hiện trong và sau khi ăn vài giờ. Người bệnh thường đau dữ dội vào ban đêm hoặc thời điểm gần sáng. Khi này dạ dày co bóp và tiết nhiều dịch vị nhưng lượng thức ăn đã được tiêu hóa hết nên sẽ gây kích thích niêm mạc. 

3.2 Ợ hơi, khó tiêu 

Người bệnh thường có cảm giác đầy bụng, khó tiêu do thức ăn chuyển hóa chậm ứ đọng lại trong dạ dày. Thức ăn tích tụ và lên men tạo thành hơi đẩy lên cổ họng gây ra hiện tượng ợ hơi, ợ chua. Khoang miệng cũng tiết nhiều nước bọt hơn bình thường. 

3.3 Buồn nôn 

Khi dạ dày gặp vấn đề sẽ khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác buồn nôn, nôn. Triệu chứng này thường xuất hiện sau khi ăn, bệnh nhân sau khi nôn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. 

3.4 Rối loạn tiêu hóa 

Dạ dày bị viêm loét sẽ ảnh hưởng tới chức năng hoạt động gây rối loạn tiêu hóa. Dấu hiệu nhận biết là bệnh nhân bị táo bón và tiêu chảy xen kẽ. Người bệnh có thể nôn hoặc đi ngoài ra máu nếu bệnh ở giai đoạn nặng. Nếu tình trạng này kéo dài có thể nguy hiểm tới tính mạng. 

Triệu chứng thường gặp là người bệnh bị đau vùng thượng vị

Triệu chứng thường gặp là người bệnh bị đau vùng thượng vị

4. Phương pháp điều trị

Chữa bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thường dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy phác đồ điều trị dành cho mỗi người sẽ khác nhau. Quá trình điều trị chủ yếu sẽ bằng thuốc và kết hợp thêm việc thay đổi ăn uống, thói quen sinh hoạt

4.1 Điều trị nội khoa

Chữa viêm loét dạ dày tá tràng bằng thuốc là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất. Bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào tình trạng bệnh để đưa ra phác đồ phù hợp. Đơn thuốc thường sẽ kết hợp các loại thuốc để mang lại hiệu quả tối ưu. 

Trường hợp bệnh nhân dương tính với vi khuẩn HP sẽ sử dụng thêm thuốc kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn. Các loại thuốc thường dùng là: Thuốc trung hòa và kháng acid, thuốc tạo màng bọc bảo vệ niêm mạc dạ dày. 

4.2 Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe

Song song với việc điều trị bệnh bằng thuốc thì bệnh nhân cần kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt một cách hợp lý. 

– Tăng cường bổ sung thực phẩm phẩm có tác dụng chữa lành viêm loét, bảo vệ niêm mạc dạ dày và giảm tiết acid dịch vị. Các loại thực phẩm nên bổ sung là: Bánh mỳ, các loại rau họ nhà cải, trái cây, súp, sữa chua,…

– Bạn nên uống một số loại đồ uống như: Nước ép táo, nước dừa, trà thảo mộc, hỗn hợp bột nghệ và mật ong để dễ tiêu hóa và chữa lành vết loét

– Hạn chế ăn các thực phẩm gây tổn thương niêm mạc dạ dày và làm tăng tiết acid: Trái cây có vị chua, đồ muối chua, các loại đồ uống kích thích,…

– Kiên trì tập luyện mỗi ngày với các bài tập phù hợp

– Làm việc và nghỉ ngơi điều độ, hạn chế căng thẳng, thức quá khuya

– Ăn uống đúng bữa, không ăn các loại thực phẩm gây kích thích tiêu hóa

Điều trị nội khoa là phương pháp hiệu quả và phổ biến

Điều trị nội khoa là phương pháp hiệu quả và phổ biến

Mong rằng qua bài viết bạn đã hiểu rõ về nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng. Từ các nguyên nhân gây bệnh cũng sẽ phần nào giúp mọi người phòng tránh bệnh hiệu quả.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital