Tăng nhãn áp là bệnh lý không hiếm gặp và thường xảy ra ở người độ tuổi trung niên trở lên. Theo một số nghiên cứu, có tới 9,4% người trên 40 tuổi mắc phải tình trạng này. Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe mắt, thậm chí mù lòa nếu không được chữa trị kịp thời. Vậy đâu là nguyên nhân tăng nhãn áp và bệnh này thường được bác sĩ chỉ định điều trị như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. 5 nguyên nhân tăng nhãn áp thường gặp
Bệnh tăng nhãn áp hay còn được biết đến với tên thiên đầu thống, glocom. Đây là bệnh lý nhãn khoa phổ biến, xảy ra khi người bệnh bị tăng áp lực thủy dịch trong nhãn cầu và dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác, hậu quả nghiêm trọng nhất àm bệnh có thể gây ra là mù loà.
Theo các nghiên cứu đã được thực hiện và từ những ca bệnh lâm sàng, các chuyên gia nhãn khoa đã tổng kết được một số nguyên nhân tăng nhãn áp hàng đầu.
1.1 Nguyên nhân tăng nhãn áp do mắt tiết dịch nước quá mức
Trước hết chúng ta cần biết thêm một chút về dịch nước. Đây là 1 loại dịch trong do cấu trúc có tên mi thể (nằm sau mống mắt) tiết ra ở bên trong mắt. Dịch nước khi được tiết ra sẽ chảy qua đồng tử, tràn vào khoang trước của mắt và làm đầy khoang này (khoảng không giữa mống mắt và giác mạc).
Dịch nước sau đó được dẫn lưu từ mắt qua một cấu trúc khác có tên là vùng bè, nằm ở ngoài khoang trước, nơi giác mạc và mống mắt gặp nhau. Ở người khỏe mạnh bình thường, thể mi sẽ tiết 1 lượng dịch vừa phải, đủ giúp làm ướt giác mạc mọi lúc. Tuy nhiên khi nó tiết quá nhiều dịch nước, áp lực trong nhãn cầu sẽ tăng lên, gây nên hiện tượng tăng nhãn áp.
1.2 Việc dẫn lưu dịch nước không đạt tiêu chuẩn
Bên cạnh nguyên nhân do thể mi tiết quá nhiều dich nước thì cũng có một số trường hợp người bệnh bị tăng nhãn áp dù thể mi làm việc bình thường và ổn định. Lúc này, vấn đề người bệnh gặp phải là ở quá trình tiếp theo – dẫn lưu dịch nước.
Nếu quá trình dịch nước dẫn lưu từ mắt quá chậm, gây hiện tượng ứ đọng dịch nước, phá vỡ sự cân bằng vốn có giữa việc tiết dịch nước và việc dẫn lưu, dẫn đến tăng nhãn áp ở người bệnh.
1.3 Tác dụng phụ của thuốc cũng là nguyên nhân tăng nhãn áp
Một số loại thuốc cụ thể có khả năng gây tăng nhãn áp người bệnh trong quá trình sử dụng, nhưng không phải ai cũng gặp tình trạng này. Ví dụ: các loại thuốc steroid thường được sử dụng trong điều trị hen và một số bệnh lý khác đã được chứng minh là có khả năng làm tăng nguy cơ mắc glocom hơn người không sử dụng.
Nếu bạn có tiền sử tăng nhãn áp hoặc các bệnh về mắt và vì lý do nào đó được bác sĩ kê thuốc steroid, hãy chia sẻ ngay với bác sĩ về tình trạng mắt của bạn để có giải pháp như thay đổi thuốc hoặc yêu cầu theo dõi, kiểm tra IOP thường xuyên như thế nào.
1.4 Chấn thương ở mắt
Bất kỳ tổn thương tại mắt nào cũng đều có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa việc tiết dịch nước, lượng dịch nước và việc dẫn lưu khỏi mắt và khả năng dẫn đến tăng nhãn áp.
Việc mắc bệnh lý tăng nhãn áp sau chấn thương không hề có một mốc cụ thể nào, đôi khi bệnh có thể xảy ra sau tổn thương vài tháng, thậm chí có thể là hàng năm. Nếu bạn đã từng gặp chấn thương mắt và đã lành nhưng đột nhiên có những biểu hiện bất thường thì hãy sắp xếp đi khám trong thời gian sớm nhất để được chẩn đoán và phát hiện bệnh.
Tuy nhiên để kiểm soát sức khỏe mắt thì lý tưởng nhất là bạn nên đi khám mắt định kỳ ngay cả khi không có dấu hiệu bệnh, chủ động trao đổi với bác sĩ về bất kỳ chấn thương mắt nào gần đây hoặc trong quá khứ đã gặp phải để được lưu ý theo dõi.
1.5 Các tình trạng mắt khác
Ngoài các nguyên nhân cụ thể kể trên, bệnh tăng nhãn áp còn có liên quan đến nhiều tình trạng mắt, bao gồm cả hội chứng giả tróc bao và hội chứng phân tán sắc tố và viêm củng giác mạc. Nếu mắt của bạn gặp phải bất kỳ bệnh lý nào trong số này, bác sĩ mắt có thể khuyên bạn khám mắt định kì theo mốc cụ thể và đo nhãn áp thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, chủng tộc, độ tuổi và tiền sử gia đình cũng góp phần làm tăng rủi ro bị tăng nhãn áp. Mặc dù ai cũng có thể gặp tình trạng nhãn áp cao, tuy nhiên ở người Mỹ gốc Phi, người trên 40 tuổi hoặc những người có người thân trong gia đình bị tăng nhãn áp thường có rủi ro mắc bệnh cao hơn.
Ngoài ra theo một số nghiên cứu, những người có phần giác mạc trung tâm mỏng hơn bình thường cũng có nguy cơ bị tăng nhãn áp.
2. Dấu hiệu cho thấy tăng nhãn áp
Dấu hiệu của tình trạng tăng nhãn áp hầu hết thường không quá rõ ràng nên rất khó để người bệnh phát hiện ra từ giai đoạn sớm. Bệnh được chia thành 2 thê chính là tăng nhãn áp góc đóng và tăng nhãn áp góc mở, mỗi thể bệnh lại có những biểu hiện khác nhau.
Đối với tăng nhãn áp góc mở, bệnh thường diễn biến khá từ từ, lan dần từ ngoài thị trường vào đến trung tâm mắt. Do đó nên ở giai đoạn sớm đa phần thị lực người bệnh không bị ảnh hưởng, đến khi người bệnh cảm thấy tầm nhìn kém, đi khám lúc này bệnh đã ở giai đoạn nặng rồi.
Đa phần người bệnh gặp phải thể trạng tăng nhãn áp góc mở thường không có triệu chứng, bệnh chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đi khám mắt định kỳ hoặc khi đã ở giai đoạn nặng, thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tăng nhãn áp đa phần chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đi thăm khám định kỳ
Có một dạng hiếm gặp hơn là tăng nhãn áp góc đóng thuộc loại cấp tính nên thường có những cơn đau mắt dữ dội đi kèm nhiều triệu chứng dễ nhận dạng như: Đau đầu dữ dội, mắt đỏ, thị lực suy giảm, thấy quầng sáng như cầu vồng, buồn nôn, nôn, đau bụng…
3. Các biện pháp điều trị Glocom
Sau khi khám và chẩn đoán, tuỳ từng trường hợp, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp, bao gồm: điều trị bằng thuốc nhỏ mắt, điều trị bằng laser hay phẫu thuật.
Dùng thuốc nhỏ mắt: thường đươc chỉ định cho trường hợp Tăng nhãn áp góc mở hoặc đóng. Thuốc sẽ làm giảm sự hình thành thuỷ dịch, từ đó sẽ giảm nhãn áp. Nếu dùng thuốc không hiệu quả hoặc trường hợp tăng nhãn áp nặng, bác sĩ sẽđiều trị bằng laser hoặc phẫu thuật
Điều trị bằng laser: tia laser giúp tăng sự lưu thông thuỷ dịch trong tăng nhãn áp góc mở cũng như hạn chế sự tắc nghẽn dịch trong tăng nhãn áp góc đóng
Phẫu thuật: được chỉ định trong trường hợp tăng nhãn áp bẩm sinh, tăng nhãn áp thứ phát hoặc những trường hợp tăng nhãn áp nặng không đáp ứng với thuốc nhỏ mắt. Phẫu thuật cắt bè củng mạc (trabeculectomy) sẽ tạo một đường thoát dịch mới giúp làm giảm áp lực ở mắt.
Những phương pháp điều trị kể trên chỉ có tác dụng làm giảm áp lực nhằm ngăn chặn sa sút thị lực chứ không thể điều trị dứt điểm bệnh tăng nhãn áp. Chính vì vậy, bệnh này cần được bác sĩ theo dõi đồng thời phải điều trị, kiểm soát bệnh nền kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường…