Mất ngủ kéo dài có thể khiến sức khỏe bị giảm sút, tinh thần kiệt quệ, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng công việc và cuộc sống. Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài, đa số thường xuất phát ngay từ thói quen ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cùng một số bệnh lý và rối loạn liên quan đến giấc ngủ.
Menu xem nhanh:
1. Mất ngủ kéo dài là hiện tượng gì?
Mất ngủ kéo dài là tình trạng người bệnh thường xuyên rơi vào trạng thái khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ tỉnh giấc và rất khó để ngủ lại. Hiện tượng này xảy ra ít nhất 3 lần mỗi tuần và diễn ra liên tục trong vòng nhiều tháng, đồng thời chất lượng giấc ngủ cũng không có dấu hiệu cải thiện.
Đa phần, người bị mất ngủ kéo dài thường cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, uể oải, mất tập trung… Từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần, công việc cũng như chất lượng cuộc sống.
Người bệnh có thể nhận biết tình trạng mất ngủ kéo dài qua một số biểu hiện sau:
– Mất ngủ đêm kéo dài: Sau một ngày làm việc vất vả, mặc dù cơ thể rất mệt mỏi nhưng người bệnh lại trằn trọc, khó ngủ, thức giấc nửa đêm và khó ngủ lại, ngủ không sâu giấc…
– Mất ngủ vào buổi trưa: Người bị mất ngủ kéo dài luôn trong trạng thái căng thẳng nên việc có một giấc ngủ trưa là điều rất khó khăn.
– Thường xuyên đau đầu: Các triệu chứng đau đầu thường xuất hiện nhiều vào ban đêm và sáng sớm gây khó chịu và khiến người bệnh căng thẳng hơn.
– Mệt mỏi, chán ăn: Ngoài tình trạng mất ngủ, người bệnh còn có cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng, mệt mỏi và uể oải cả ngày.
– Các biểu hiện khác: Mất ngủ thường xuyên dễ làm tinh thần người bệnh căng thẳng, dễ cáu gắt, mệt mỏi sau khi ngủ dậy, thiếu tập trung, cơ thể suy nhược, trầm cảm.
2. Nguyên nhân gây ra mất ngủ kéo dài ở người bệnh
Chứng khó ngủ, mất ngủ kéo dài có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có một số nguyên nhân phổ biến đó là:
2.1 Căng thẳng, áp lực
Đây được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu trong cuộc sống hiện đại gây ra chứng mất ngủ. Những áp lực trong công việc, cuộc sống hàng ngày khiến con người dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng. Khi đó, não cũng sẽ phải suy nghĩ và hoạt động nhiều vào ban đêm, khiến người bệnh bị khó ngủ, mất ngủ kéo dài về đêm.
2.2 Thay đổi múi giờ sinh hoạt
Khi múi giờ sinh hoạt bị thay đổi sẽ khiến chu trình ngủ – thức của người bệnh không cố định, từ đó làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể và dẫn tới tình trạng mất ngủ kéo dài.
2.3 Thói quen ngủ không tốt là nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài
Một số thói quen ngủ không tốt như: ngủ không đúng giờ, ngủ trưa quá nhiều, ngủ ngày cày đêm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ của người bệnh. Ngoài ra, các kích thích trước khi ngủ như: sử dụng điện thoại, máy tính, chơi điện tử, xem tivi, ăn uống, sử dụng giường ngủ để làm việc, môi trường ngủ không thoải mái… cũng khiến người bệnh bị mất ngủ kéo dài.
2.4 Thói quen ăn uống thiếu hợp lý
Thói quen ăn uống hàng ngày có vai trò quan trọng trong việc tạo lập giấc ngủ. Việc thường xuyên sử dụng rượu bia, cà phê, đồ ăn cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ… cũng được xác định là nguyên nhân khiến người bệnh thường xuyên bị mất ngủ.
2.5 Nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài do rối loạn sức khỏe tâm thần
Rối loạn căng thẳng, rối loạn lo âu sau chấn thương hay vấn đề nghiêm trọng nào đó có thể khiến giấc ngủ gặp gián đoạn. Thường xuyên thức dậy nửa đêm và rất khó ngủ lại hay thức dậy quá sớm có thể dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Tình trạng mất ngủ kéo dài cũng thường xảy ra với những bệnh nhân mắc chứng rối loạn sức khỏe tâm thần khác.
2.6 Tác dụng phụ của thuốc
Sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị hen suyễn, thuốc chống dị ứng, thuốc giảm đau, điều hòa huyết áp, thuốc cảm lạnh và các chất kích thích… có thể làm gián đoạn giấc ngủ của người bệnh trong một thời gian dài.
2.7 Một số rối loạn có liên quan tới giấc ngủ
Chứng ngưng thở hay hội chứng chân không yên là những rối loạn gây ra cảm giác bức bối, khó chịu cho người bệnh. Điều này có thể tác động tới giấc ngủ và khiến người bệnh không thể ngủ được.
2.8 Chứng mất ngủ kéo dài ở người lớn tuổi
Theo các nghiên cứu, tuổi càng cao cũng đồng nghĩa với việc các tế bào và cơ quan trong cơ thể sẽ dần trở nên lão hóa. Đặc biệt, các tế bào thần kinh sẽ bị yếu dần đi, suy giảm chức năng và dẫn tới tình trạng mất ngủ kéo dài, ngủ không sâu giấc, thức muộn và dậy từ rất sớm.
3. Cải thiện và phòng ngừa chứng mất ngủ kéo dài
Bên cạnh việc tìm kiếm những phương pháp giúp điều trị mất ngủ kéo dài, người bệnh nên thiết lập một số thói quen tốt cho giấc ngủ để có một giấc ngủ ngon:
– Kiên trì điều trị mất ngủ kéo dài
Thông thường, quá trình điều trị mất ngủ kéo dài sẽ cần thời gian từ 2 – 6 tháng. Chính vì vậy, người bệnh cần kiên trì lựa chọn các phương pháp điều trị mất ngủ phù hợp và luôn đặt tính an toàn lên hàng đầu.
– Thay đổi thói quen sinh hoạt
Không nên phụ thuộc quá nhiều vào thuốc mà hãy thiết lập cho bản thân những thói quen khoa học giúp ngủ ngon như: tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, bỏ thói quen ngủ ngày và ngủ trưa quá lâu…
– Vệ sinh giấc ngủ
Tạo không gian ngủ thoải mái, thoáng đãng, điều chỉnh ánh sáng và nhiệt độ vừa phải, tránh tiếng ồn… có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ đáng kể.
– Thăm khám sớm
Khi thấy tình trạng mất ngủ thường xuyên diễn ra mà không có dấu hiệu cải thiện, nên tới các cơ sở y tế thăm khám để biết chính xác nguyên nhân gây bệnh cũng phương pháp điều trị phù hợp mang lại hiệu quả, đảm bảo an toàn.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp người bệnh hiểu rõ hơn về những nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài. Đồng thời, bài viết cũng chỉ ra một số phương pháp cải thiện và phòng ngừa chứng mất ngủ kéo dài để có giấc ngủ ngon, chất lượng.