Khó nuốt là tình trạng khiến nhiều người gặp khó khăn khi đưa thức ăn và nước uống từ miệng xuống dạ dày. Khó nuốt có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai và gây ra nhiều phiền toái, thậm chí nguy hiểm cho sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy khó nuốt là gì, đâu là nguyên nhân, biểu hiện đặc trưng và làm sao để chẩn đoán hiệu quả?
Menu xem nhanh:
1. Khó nuốt là gì?
Khó nuốt, còn gọi là chứng nuốt khó (dysphagia), là tình trạng khi người bệnh gặp khó khăn khi đưa thức ăn hoặc chất lỏng từ miệng vào dạ dày. Cảm giác khó nuốt có thể nhẹ nhàng, chỉ gây cảm giác nuốt khó, nhưng cũng có thể trở nên nghiêm trọng, gây đau đớn và thậm chí là cản trở quá trình ăn uống. Đối với những người có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, khó nuốt không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, mất nước và nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không được điều trị kịp thời.
2. Biểu hiện của khó nuốt
Người gặp khó nuốt thường có các dấu hiệu như sau:
– Cảm giác mắc nghẹn: Nhiều người có cảm giác như có vật gì đó vướng ở cổ hoặc ngực khi nuốt.
– Ho và nghẹn khi ăn uống: Do khó khăn trong việc nuốt, người bệnh có thể bị ho hoặc nghẹn, đặc biệt là khi ăn các thức ăn đặc hoặc uống nước.
– Đau khi nuốt: Một số người có cảm giác đau khi nuốt thức ăn hoặc nước uống.
– Chảy nước dãi không kiểm soát: Do không thể nuốt được, nước bọt có thể tích tụ và chảy ra ngoài.
– Cảm giác nóng rát hoặc đau ở ngực: Có thể do thức ăn mắc kẹt trong thực quản gây ra.
Các biểu hiện này có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc kết hợp và có thể nặng hoặc nhẹ tùy thuộc vào nguyên nhân gây khó nuốt.
3. Nguyên nhân gây khó nuốt
3.1. Nguyên nhân khó nuốt là gì: Các vấn đề rối loạn thần kinh
Các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thần kinh và não bộ là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng khó nuốt. Khi hệ thần kinh trung ương bị tổn thương, các tín hiệu điều khiển cơ vận động có thể bị gián đoạn, dẫn đến khó khăn trong việc nuốt.
– Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS): Đây là bệnh lý làm suy yếu các dây thần kinh điều khiển cơ bắp, khiến cho người bệnh khó kiểm soát các hoạt động cơ thể, bao gồm cả động tác nuốt.
– Khối u não: Các khối u, dù lành tính hay ác tính, có thể gây áp lực lên vùng não điều khiển các cơ vận động, gây ra khó khăn trong việc nuốt.
– Chứng sa sút trí tuệ: Những bệnh lý gây ra suy giảm chức năng não như Alzheimer, không chỉ làm suy yếu khả năng nhận thức mà còn làm giảm khả năng kiểm soát vận động, dẫn đến khó nuốt.
– Bệnh xơ cứng rải rác: Là bệnh tự miễn gây tổn thương các dây thần kinh trong não và tủy sống, làm suy giảm chức năng vận động.
– Bệnh Parkinson: Bệnh này làm thoái hóa các mô trong não bộ, gây ra khó khăn trong việc vận động, bao gồm cả hành động nuốt.
3.2. Nguyên nhân khó nuốt là gì: Các rối loạn về cơ
Các vấn đề về cơ bắp là một nguyên nhân khác dẫn đến chứng khó nuốt. Một số tình trạng rối loạn cơ gây khó nuốt bao gồm:
– Co thắt tâm vị (Achalasia): Đây là tình trạng rối loạn khi cơ tâm vị không co giãn đúng cách, khiến thực quản không đẩy thức ăn xuống dạ dày.
– Co thắt thực quản: Co thắt xảy ra ở các cơ vòng thực quản dưới, làm gián đoạn quá trình vận chuyển thức ăn xuống dạ dày.
Bệnh nhược cơ, viêm cơ, xơ cứng bì làm cho cơ thực quản mất đi tính linh hoạt, gây khó khăn trong việc nuốt.
3.3. Nguyên nhân tắc nghẽn, thay đổi cấu trúc thực quản
Các tình trạng gây tắc nghẽn hoặc làm thay đổi cấu trúc cổ họng và thực quản cũng là nguyên nhân gây khó nuốt, bao gồm:
– Ung thư: Các khối u ở đầu, cổ và đặc biệt là thực quản gây cản trở quá trình nuốt. Ung thư thực quản là một trong những bệnh lý ung thư phổ biến gây khó nuốt.
– Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan: Là tình trạng khi bạch cầu ái toan tích tụ nhiều trong thực quản, gây viêm nhiễm và xơ cứng.
– Túi thừa thực quản: Các túi thừa hình thành trong niêm mạc thực quản tạo điều kiện cho thức ăn tích tụ, khiến người bệnh cảm thấy có thứ gì đó mắc kẹt trong cổ họng.
– Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Axit dạ dày chảy ngược vào thực quản lâu ngày sẽ tạo ra mô sẹo, gây hẹp thực quản hoặc kích ứng thực quản, gây đau khi nuốt.
3.4. Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân trên, khó nuốt còn có thể do:
– Viêm họng do nhiễm khuẩn: Viêm amidan do liên cầu khuẩn gây đau họng, sưng tấy và khó khăn trong việc nuốt.
– Tác động sau phẫu thuật hoặc xạ trị: Sau các can thiệp ở vùng đầu và cổ, các mô liên quan đến hoạt động nuốt có thể bị tổn thương, làm khó khăn trong việc nuốt.
4. Các phương pháp chẩn đoán chứng khó nuốt
Để xác định nguyên nhân chính xác gây ra khó nuốt, các phương pháp chẩn đoán hiện đại và hiệu quả bao gồm:
– Nội soi tiêu hóa trên: Nội soi giúp bác sĩ kiểm tra trực tiếp đường tiêu hóa trên để phát hiện các tổn thương như viêm, sẹo hoặc khối u gây tắc nghẽn.
– Đo áp lực và nhu động thực quản (HRM):Phương pháp đo áp lực thực quản (HRM) được xem là kỹ thuật hiện đại để kiểm tra chức năng hoạt động của các cơ vòng thực quản. Bằng cách đưa một ống nhỏ vào thực quản để đo áp lực và cường độ co bóp của các cơ, HRM cung cấp dữ liệu chi tiết về tình trạng vận động của thực quản, giúp xác định các rối loạn chức năng dẫn đến khó nuốt. Đây được xem như tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến rối loạn vận động thực quản.
– Đo pH thực quản 24h: Đo pH thực quản là phương pháp chẩn đoán được sử dụng để kiểm tra tình trạng trào ngược dạ dày-thực quản (GERD), một trong những nguyên nhân chính gây khó nuốt. Phương pháp này đo mức độ axit trong thực quản suốt 24 giờ để xác định mức độ ảnh hưởng của axit đến niêm mạc thực quản, từ đó đánh giá mức độ trào ngược và các biến chứng có thể gây ra khó nuốt.
Tại Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI là một trong những cơ sở đi đầu trong việc ứng dụng các phương pháp chẩn đoán tiên tiến này.
5. Cách điều trị khó nuốt là gì?
Tùy vào nguyên nhân gây ra chứng khó nuốt, các phương pháp điều trị sẽ khác nhau:
– Điều trị nội khoa: Bao gồm sử dụng thuốc để giảm viêm, giảm co thắt cơ, và điều trị các bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản (GERD) nếu đó là nguyên nhân.
– Can thiệp ngoại khoa: Nếu có khối u hoặc hẹp thực quản nghiêm trọng, phẫu thuật hoặc thủ thuật mở rộng thực quản có thể được chỉ định để cải thiện tình trạng.
– Liệu pháp ngôn ngữ và vận động: Các bài tập nuốt được huấn luyện bởi các chuyên gia có thể giúp bệnh nhân cải thiện kỹ năng nuốt trong những trường hợp khó nuốt do rối loạn thần kinh.
Chứng khó nuốt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác khó nuốt là gì, nguyên nhân gây khó nuốt đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng.