Có nhiều nguyên nhân gây giãn phế quản. Tuy nhiên, do không có kiến thức về căn bệnh này nên nhiều người đã điều trị bệnh mà không khỏi. Để chữa giãn phế quản hiệu quả cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh và phác đồ điều trị phù hợp của bác sĩ chuyên khoa Hô hấp.
Nguyên nhân gây giãn phế quản
Bệnh giãn phế quản do nhiều nguyên nhân gây ra:
Giãn phế quản do mắc phải các bệnh khác nhau: Loại này chiếm tới 90% số bệnh nhân giãn phế quản, thường xảy ra sau khi mắc phải các bệnh sau:
– Viêm đường hô hấp kéo dài: giãn phế quản là hậu quả của các bệnh như viêm xoang, viêm tai, viêm mũi, viêm vùng răng miệng, nhiễm khuẩn đường hô hấp. Các bệnh này gây nhiễm trùng ở các phế quản kéo dài và tái phát nhiều lần. Đồng thời gây ra phản xạ ho làm tăng áp lực trong lòng phế quản kéo dài và dẫn tới giãn phế quản.
– Lao phổi: Trong bệnh lao phổi sau khi điều trị lành sẽ gây ra các xơ sẹo, sau đó chúng phát triển sẽ gây biến dạng và chít hẹp phế quản. Tùy từng thể lao mà khả năng gây giãn phế quản khác nhau.
– Các bệnh viêm nhiễm virut ở phổi và phế quản: Các bệnh này gây ho và tăng áp lực trong lòng phế quản kéo dài. Lúc đầu, giãn phế quản chỉ là tạm thời nhưng nếu điều trị không tốt thì tổn thương sẽ trở thành không hồi phục và dẫn tới bệnh giãn phế quản.
– Các tổn thương gây hẹp phế quản: Các bệnh lý gây hẹp phế quản như polyp phế quản, dị vật phế quản, các bệnh lý hạch ở rốn phổi như lao hạch… Khi các phế quản bị hẹp sẽ gây ứ đọng trong lòng phế quản và làm cho phế quản bị viêm nhiễm, xuất tiết kéo dài từ đó làm tổn thương cấu trúc thành phế quản. Đồng thời sự chít hẹp này cũng gây tăng áp trong lòng phế quản dẫn tới giãn phế quản.
– Giãn phế quản do hóa chất: Thường gặp ở những người làm việc lâu ngày với các hóa chất bay hơi. Các hóa chất này khi hít phải vào đường hô hấp chúng sẽ gây kích thích, tăng tiết và tổn thương cấu trúc thành phế quản đồng thời gây phản xạ ho và tăng áp trong lòng phế quản. Nếu hít phải hóa chất trong thời gian dài sẽ dẫn tới giãn phế quản.
Giãn phế quản bẩm sinh: Đa số gặp ở người trẻ và có kết hợp với bệnh phổi đa nang.
Bệnh giãn phế quản thường có các biểu hiện lâm sàng khác nhau vì nó tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh, mức độ nặng – nhẹ. Tuy nhiên giãn phế quản thường có các dấu hiệu như:
– Sốt: Người bệnh chỉ sốt ở giai đoạn ứ đọng mủ và đờm trong phế quản do không khạc ra được, thông thường chỉ sốt nhẹ khoảng 38 độ C, có khi đến 39 – 40 độ C.
– Người bệnh thường gầy yếu, mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn.
– Ho khạc đờm: Người bị giãn phế quản thường bị ho về sáng, khạc ra nhiều đờm mủ với số lượng khoảng 100 – 300ml. Đờm thường có màu vàng của sữa, có khi màu trắng đôi khi có màu xanh và có mùi hôi.
– Ho ra máu: Khoảng 20 – 50% số người mắc bệnh giãn phế quản có ho ra máu. Số lượng máu ho ra thường ít nhưng cá biệt có trường hợp ho ra máu lượng nhiều. Một số ít trường hợp ho ra máu lẫn đờm.
– Đau tức ngực, khó thở: Khoảng 50 – 70% số trường hợp có triệu chứng đau tức ngực và 20% có triệu chứng khó thở. Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường xuất hiện trong những đợt bội nhiễm nặng.
Khi thấy các dấu hiệu giãn phế quản, người bệnh không nên chủ quan. Cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Hô hấp để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh.
Để điều trị giãn phế quản hiệu quả cần dựa vào các nguyên nhân gây bệnh. Người bệnh cần điều trị kết hợp cả bệnh giãn phế quản với bệnh lý hô hấp đang mắc phải.
Việc điều trị như thế nào cần có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Chính vì thế người bệnh nên tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị, theo dõi tình trạng sức khỏe và tái khám thường xuyên.