Đau bụng kinh nguyệt là hiện tượng thường gặp ở chị em phụ nữ. Đau bụng kinh không chỉ khiến chị em mệt mỏi, khó chịu mà còn có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nghiêm trọng cần được phát hiện và điều trị sớm. Bài viết dưới đây đề cập đến các nguyên nhân đau bụng kinh nguyệt và tư vấn phương pháp điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về tình trạng đau bụng kinh
Đau bụng kinh là hiện tượng đau bụng dưới khi có hành kinh và có thể lặp đi lặp lại theo chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Đau bụng kinh được chia làm hai loại đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát.
– Đau bụng kinh nguyên phát là đau mà không có bất kỳ nguyên nhân hoặc vấn đề y tế cụ thể nào khác.
– Đau bụng kinh thứ phát là loại đau kinh nguyệt được gây ra bởi một nguyên nhân cụ thể hoặc một vấn đề y tế khác. Đau bụng kinh thứ phát có thể đòi hỏi sự theo dõi và điều trị y tế đặc biệt để giúp thuyên giảm và chữa trị.
Tùy thuộc cơ địa từng người, đau bụng kinh có các triệu chứng và mức độ đau khác nhau. Có những người chỉ bị đau trong 1-2 ngày đầu khi hành kinh nhưng cũng có những người đau trong suốt chu kỳ. Có người chỉ bị đau bụng nhẹ và âm ỉ, có người bị đau bụng dữ dội kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, đau lưng, hạ huyết áp, toát mồ hôi, chân tay lạnh, nôn và buồn nôn… thậm chí là hôn mê.
2. Nguyên nhân đau bụng kinh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau bụng kinh ở phụ nữ. Dưới đây là một số nguyên nhân đau bụng kinh phổ biến:
– Tử cung co thắt quá độ là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng đau bụng kinh.
– Đau bụng kinh có thể do tử cung không bình thường hoặc bị những dị tật bẩm sinh. Tử cung phát triển không tốt kết hợp với sự cung ứng máu thất thường gây nên hiện tượng thiếu máu, thiếu oxy cho tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt, từ đó khiến nhiều chị em phụ nữ bị đau bụng kinh.
– Đau bụng kinh nguyệt do vị trí của tử cung không bình thường (lùi về phía sau quá hoặc quá ngả về phía trước) ảnh hưởng đến máu kinh lưu thông gây đau bụng trong thời gian hành kinh.
– Đau bụng kinh do ống cổ tử cung quá hẹp cản trở máu kinh nguyệt lưu thông và gây nên hiện tượng đau bụng kinh nguyệt.
– Đau bụng kinh có thể là do một số bệnh phụ khoa gây nên. Các bệnh phụ khoa phổ biến có thể kể đến như lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, u xơ tử cung, u nang cơ tử cung…
– Một số nguyên nhân đau bụng kinh khác: Yếu tố tinh thần, do di truyền, yếu tố nội tiết của người phụ nữ, vận động quá mạnh, yếu tố môi trường…
3. Phương pháp điều trị hỗ trợ giảm đau bụng kinh
Dưới đây là một số phương pháp để bạn thực hiện giúp giảm tình trạng đau bụng kinh:
– Chườm ấm bụng dưới:
Trước và trong chu kỳ kinh nguyệt, bạn nên áp dụng phương pháp chườm ấm vùng bụng dưới bằng túi chườm, chai nước nóng hoặc miếng dán được thiết kế đặc biệt. Ngoài ra, bạn nên tắm nước ấm, tránh gió lùa khi gần kỳ kinh nguyệt để điều hòa cơ thể, tăng cường lưu thông máu và giảm đau bụng kinh. Đây là một cách hiệu quả để giảm đau bụng kinh mà nhiều phụ nữ đã áp dụng thành công.
– Massage vùng bụng:
Khi cơn đau bụng kinh xảy ra, việc áp dụng các động tác massage nhẹ nhàng, xoay tròn liên tục trong vùng bụng dưới sẽ giúp giảm đau rõ rệt. Massage đúng cách sẽ làm cơ bụng đang căng cứng do chu kỳ kinh nguyệt được giãn ra, giảm co thắt tử cung đột ngột – đây chính là nguyên nhân chính gây đau bụng kinh.
– Uống trà gừng ấm:
Gừng là một loại dược liệu có tính ấm từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền, đặc biệt có tác dụng làm ấm cơ thể và tăng cường lưu thông máu. Do đó, bạn có thể sử dụng gừng để giảm đau bụng kinh bằng cách pha thành nước trà ấm hoặc áp dụng gừng tươi giã nhuyễn lên vùng bụng dưới.
– Ngủ đủ giấc và đi ngủ sớm:
Trong những ngày có kinh, hormone trong cơ thể phụ nữ thay đổi kèm theo các triệu chứng khó chịu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong thời gian này, bạn nên tạo thói quen đi ngủ sớm hơn và nằm nghỉ theo tư thế bào thai để giúp giãn cơ bụng, điều hòa hormone và lưu thông máu, từ đó giảm đau bụng kinh và các triệu chứng khác trong kỳ kinh.
– Chế độ ăn uống lành mạnh:
Để chủ động tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa đau bụng kinh và các triệu chứng khó chịu, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, bạn nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin B1, B6, vitamin E, kẽm, magie, acid béo… để tăng cường hệ miễn dịch, giảm căng cơ gây đau bụng kinh.
– Sử dụng thuốc giảm đau:
Trường hợp đau bụng kinh kéo dài và nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công việc hoặc cuộc sống hàng ngày, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau như một biện pháp giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên, cần tuân theo chỉ định của bác sĩ và không tự ý sử dụng hoặc lạm dụng thuốc giảm đau, vì điều này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Lưu ý rằng các biện pháp trên chỉ mang tính chất hỗ trợ và giảm nhẹ đau bụng kinh. Nếu bạn gặp các triệu chứng đau bụng kinh nghiêm trọng và không được giảm bớt bằng các biện pháp tự chăm sóc thông thường, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Ngoài ra, cần nhớ rằng mỗi người có thể có trạng thái sức khỏe và cơ địa riêng, do đó hiệu quả của các biện pháp trên có thể khác nhau. Điều quan trọng là lắng nghe cơ thể của bạn và tìm ra những phương pháp phù hợp nhất để giảm đau bụng kinh và cải thiện chất lượng cuộc sống trong giai đoạn kinh nguyệt.
Trên đây là những thông tin hữu ích giúp bạn giải đáp nguyên nhân dẫn đến rong kinh và các cải thiện tình trạng này. Hy vọng rằng bài viết đã giúp bạn hiểu được những vấn đề mà mình đang quan tâm. Để rong kinh không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và đặc biệt là sức khỏe, bạn nên đến bệnh viện hoặc phòng khám uy tín để thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Để biết thêm thông tin cũng như để được tư vấn trực tiếp kiến thức về đau bụng kinh, bạn đọc có thể liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI để được tư vấn và hỗ trợ.