Đột quỵ không còn là căn bệnh phổ biến ở người lớn tuổi mà ngày càng trẻ hóa và trở thành mối đe dọa cho thế hệ trẻ. Theo báo cáo của Tổ chức Đột quỵ Mỹ, tỷ lệ người trẻ đột quỵ chiếm khoảng 15% – bệnh nhân nằm trong độ tuổi từ 18-45.
Menu xem nhanh:
1. Tình trạng người trẻ đột quỵ tại Việt Nam
Đột quỵ não ở người trẻ là trường hợp các đối tượng dưới 45 tuổi bị đột quỵ, nguyên nhân do xuất huyết não hoặc tắc nghẽn mạch máu não. Nếu trước đây, đột quỵ chỉ phổ biến ở người trung niên và người cao tuổi thì thời gian gần đây, đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ người trẻ và trung niên bị đột quỵ tại Việt Nam chiếm ⅓ tổng số trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ đang tăng ở ngưỡng 2%/năm và số người bệnh nam giới cao gấp 4 lần với nữ giới.
Số liệu thống kê từ Hội đột quỵ Thế giới năm 2022 cho biết mỗi năm có đến hơn 16% đối tượng bị đột quỵ trong độ tuổi từ 15-49 (trong tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ mới). Cụ thể, trong 6,5 triệu trường hợp tử vong do đột quỵ mỗi năm có đến 6% là bệnh nhân trẻ tuổi.
Có thể thấy rằng, người già có nguy cơ cao bị đột quỵ nhưng không đồng nghĩa với việc người trẻ không có nguy cơ bị đột quỵ tấn công. Bất kỳ ai, ở độ tuổi nào cũng có nguy cơ bị đột quỵ.
2. Xác định nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ
Có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ đột quỵ, cụ thể như sau:
2.1. Bệnh lý dị dạng mạch máu não khiến người trẻ đột quỵ
Dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ xuất huyết não ở người trẻ. Sự phát triển bất thường của mạch máu não gây ra túi phình, dị dạng động mạch não, rò động tĩnh mạch. Bên cạnh đó, mạch máu bị bóc tách gây hẹp hoặc tắc mạch.
2.2. Thuốc lá
Nguyên nhân gây nên tình trạng đột quỵ ở người trẻ là do hút thuốc lá. Khoảng 50% số bệnh nhân đột quỵ có thói quen hút thuốc lá thường xuyên.
Thuốc lá có chứa khoảng 7000 chất độc hại bao gồm:
– Carbon monoxide
– Formaldehyde
– Arsenic
– Cyanide
Những chất độc này được vận chuyển vào máu sau khi hấp thu vào phổi và làm thay đổi, phá hủy các tế bào trong cơ thể. Những thay đổi của các chất hóa học này làm các mảng xơ vữa hình thành và làm tổn thương mạch máu não.
2.3. Rối loạn chuyển hóa mỡ máu làm người trẻ đột quỵ
Rối loạn chuyển hóa mỡ máu làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, gây tắc nghẽn mạch máu và tạo điều kiện cho đột quỵ não xảy ra.
Có khoảng 50-60% bệnh nhân trẻ tuổi bị nhồi máu não có rối loạn chuyển hóa mỡ máu trong đó bệnh nhân nam nhiều hơn.
2.4. Nguyên nhân do thừa cân, béo phì và lười vận động
Thừa cân, béo phì cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến người trẻ bị đột quỵ. Những thói quen sinh hoạt, ăn uống thiếu lành mạnh sau đây làm tăng nguy cơ đột quỵ, cụ thể:
– Ăn đồ ăn nhanh
– Ăn các món chiên rán, nhiều dầu mỡ
– Lười vận động, ít tham gia tập luyện thể dục, thể thao
– Ít bổ sung rau xanh, hoa quả giàu chất xơ
2.5. Uống nhiều rượu bia
Uống nhiều rượu bia đặc biệt là rượu nặng độ cũng làm tăng nguy cơ chảy máu não. Theo báo cáo của WHO, mức tiêu thụ rượu bia của người Việt Nam ở mức cao so với các quốc gia trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên nhân trong vòng 1 năm.
3. Dấu hiệu đột quỵ tấn công người trẻ cần lưu ý
Các dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ cũng tương tự như các trường hợp khác, bao gồm:
– Tê yếu ở mặt, cánh tay, chân, thường xảy ra ở một bên cơ thể.
– Khó nói, không hiểu ý người khác nói.
– Chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng, dễ té ngã.
– Đau đầu dữ dội, đột ngột, không thuyên giảm dù đã uống thuốc giảm đau
– Rối loạn thị giác, nhìn mờ, nhìn đôi, khả năng quan sát hạn chế.
– Khó nuốt, cảm giác mắc nghẹn.
– Co giật.
– Buồn nôn, nôn mửa.
– Rối loạn ý thức, hôn mê, mất nhận thức ngắn hạn.
Nếu bệnh nhân xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào sau đây, cần nhanh chóng đứa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
4. Cảnh báo biến chứng xảy ra khi bị đột quỵ
Một số biến chứng phổ biến khi người trẻ đột quỵ bao gồm:
– Sưng, phù nề não, khó di chuyển hoặc cử động tay chân do yếu liệt.
– Viêm phổi: người bệnh gặp khó khăn trong việc nhai nuốt, làm cho thức ăn hoặc đồ uống dễ dàng vào phổi, gây viêm phổi.
– Đau tim: nhiều trường hợp bị đột quỵ liên quan đến tình trạng xơ vữa động mạch. Khi động mạch trở nên xơ cứng làm gia tăng nguy cơ đau tim.
– Suy giảm nhận thức: người bệnh gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, nhận xét và đưa ra quyết định.
– Trầm cảm lâm sàng: người bệnh có cảm giác bản thân vô dụng khi luôn phải nhờ vào sự chăm sóc của người khác. Sức khỏe suy yếu cùng nhiều biến chứng khác tạo tâm lý bức xúc, lo âu lâu dần gây trầm cảm.
– Giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn ở một hoặc hai mắt.
– Các chi co cứng, đau nhức xương khớp: cơ bắp bị co cứng khiến khả năng vận động của người bệnh hạn chế. Nếu nặng người bệnh không thể di chuyển, nằm một chỗ và có nguy cơ viêm loét da.
– Mất khả năng ngôn ngữ: người bệnh gặp khó khăn khi biểu đạt suy nghĩ như nói khó, nói không tròn câu hoặc dùng những từ vô nghĩa.
5. Gợi ý phương pháp ngăn ngừa đột quỵ ở người trẻ hiệu quả
Để giảm thiểu nguy cơ và di chứng do đột quỵ gây ra, người bệnh nên thực hiện các biện pháp dự phòng từ sớm, cụ thể:
– Xây dựng các thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh: ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc.
– Thực hiện chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ nhóm chất, ưu tiên các thực phẩm tốt cho sức khỏe.
– Duy trì việc vận động, tập luyện thể thao với các bài tập vừa sức.
– Dành thời gian nghỉ ngơi, cân bằng cảm xúc; tránh căng thẳng trong công việc, học tập.
– Uống đủ nước, hạn chế rượu bia, thuốc lá và chất kích thích.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát nguy cơ đột quỵ để có hướng xử lý và chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Người bệnh vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn và đặt lịch thăm khám hoặc tầm soát nguy cơ đột quỵ.