Thiếu máu não là một trong 3 căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới, bên cạnh các bệnh tim mạch và ung thư. Vậy khi bị thiếu máu não, người bệnh nên làm gì để cải thiện tình trạng sức khỏe? Hãy cùng tìm hiểu cùng người viết trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Thiếu máu não là gì?
Thiếu máu não là tình trạng lượng máu lên não bị giảm sút khiến não không có đủ oxy và chất dinh dưỡng để hoạt động bình thường.
Não bộ của con người chỉ chiếm 1/50 trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, nó tiêu tốn đến 1/4 lượng oxy và máu cung cấp cho toàn cơ thể. Vì vậy, thiếu máu não do bất cứ nguyên nhân gì cũng có thể gây ảnh hưởng một phần và hoàn toàn đến chức năng của não bộ.
2. Nguyên nhân gây thiếu máu não
Bệnh lý thiếu máu não có thể hình thành do tác động của các bệnh lý liên quan như:
– Thoái hóa cột sống, đặc biệt là ở các đốt sống cổ
– Chấn thương cột sống
– Tăng huyết áp
– Đái tháo đường
– Béo phì
– Rối loạn mỡ máu
– Bệnh tim mạch
– Dị tật bẩm sinh
– Huyết khối gây cản trở tuần hoàn
3. Người bị thiếu máu não nên làm gì?
Tùy vào tình trạng và nguyên nhân gây thiếu máu não mà người bệnh sẽ có cách xử lý phù hợp.
3.1. Điều trị các bệnh lý có liên quan
Trước hết, bệnh nhân thiếu máu não cần được chẩn đoán và tìm ra các nguyên nhân cũng như bệnh lý liên quan đến tình trạng này. Sau đó, các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và tư vấn các biện pháp cần thiết để làm giảm triệu chứng bệnh. Ngoài ra bệnh nhân có thể được điều trị các bệnh lý tiềm tàng liên quan và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt, người bệnh cần chú ý đến các bệnh lý nguy hiểm như thừa cân, bệnh tim và xơ vữa động mạch.
3.2. Điều chỉnh lối sống – Giải pháp hữu hiệu cho người bị thiếu máu não
Bên cạnh việc điều trị nội khoa và can thiệp khi cần thiết, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp hỗ trợ điều trị khác như:
– Bấm huyệt
– Châm cứu
– Xông hơi
– Xoa bóp
Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ mang tính tham khảo và có thể tiềm ẩn những nguy cơ nếu thực hiện sai cách. Trước khi áp dụng các phương pháp trên, bạn cần đi khám để biết chính xác tình trạng sức khỏe của mình, tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa và lựa chọn cơ sở điều trị uy tín, tránh “tiền mất tật mang”.
Quan trọng nhất, bệnh nhân nên thay đổi và duy trì lối sống khoa học:
– Hạn chế các thói quen xấu như kê gối quá cao khi ngủ, sử dụng điện thoại, máy tính, TV trước khi đi ngủ, ngồi nhiều, lười vận động…
– Bỏ thuốc lá, rượu bia, hạn chế uống cà phê
– Cố gắng duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý
– Thường xuyên tập thể dục rèn luyện sức khỏe
3.3. Chế độ ăn phù hợp cho người bị thiếu máu não
Thiếu máu não nên ăn gì?
Sắt là một thành phần của hồng cầu và vitamin B12 có khả năng kích thích hồng cầu trưởng thành.
Có nhiều loại thực phẩm chứa lượng lớn sắt và vitamin B12 như thịt bò hay lòng đỏ trứng nhưng chúng chứa nhiều cholesterol là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch. Vì vậy người bệnh nên hạn chế tiêu thụ những thực phẩm này.
Thay vào đó, người bệnh có thể bổ sung hải sản với hàm lượng sắt, protein và vitamin B12 cao. Một số loại rau có hàm lượng sắt cao cũng rất tốt cho người mắc bệnh thiếu máu não như rau chân vịt, cần tây hoặc bông cải xanh.
Bệnh nhân thiếu máu não còn có thể tiêu thụ các thực phẩm giàu polyphenol như đậu nành, trà, cacao để giảm hình thành huyết khối, ngăn ngừa các cơn nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Người thiếu máu não không nên ăn gì?
– Các loại thịt đỏ
Tiêu thụ lượng lớn thịt bò hay cừu thường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chức năng hệ tuần hoàn suy giảm cũng ảnh hưởng rất lớn đến chức năng và tuần hoàn não.
– Các món chiên, rán, đồ ăn nhanh
Các món chiên, rán, đồ ăn nhanh chứa một lượng lớn cholesterol, là nguyên nhân chính gây nên các mảng xơ vữa cản trở máu lên nuôi não bộ. Các món thức ăn nhanh cũng thường chứa nhiều muối, không tốt cho việc kiểm soát huyết áp của người bệnh.
– Rượu bia
Rượu bia thường gây rối loạn huyết áp ở những người có tiền sử tăng huyết áp. Đồng thời, tỉ lệ tử vong do xuất huyết não và đột quỵ ở người nghiện rượu bia cao hơn những người bình thường, do lượng lớn ethanol trong rượu gây cản trở tuần hoàn máu.
– Đồ ăn mặn
Đồ ăn mặn làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp, một bệnh lý nền thường gặp ở các bệnh nhân thiếu máu não.
4. Làm thế nào để biết mình bị thiếu máu não?
4.1 Nhận biết qua các triệu chứng
Người mắc bệnh thiếu máu não thường có các triệu chứng như:
– Đau đầu
Người bệnh có thể bị đau nhói ở một vùng đầu nhất định. Sau đó cảm giác đau lan ra khắp đầu. Cảm giác đau tăng nặng khi gặp căng thẳng, vận động hoặc khi mới ngủ dậy.
– Hoa mắt chóng mặt
Người bệnh thường đột ngột bị hoa mắt chóng mặt. Nếu không cẩn thận, tình trạng này có thể dẫn đến ngã, chấn thương và ảnh hưởng đến công việc và khả năng vận hành máy móc của bệnh nhân, dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng.
– Ù tai
Bệnh nhân luôn cảm thấy ù tai, dù đang ở trong phòng kín, yên tĩnh.
– Tê mỏi chân tay
Người bị thiếu máu não đôi khi cảm thấy tê bì đầu các ngón tay chân và có cảm giác kiến bò. Nếu mắc chứng thiếu máu não cục bộ, người bệnh có thể gặp khó khăn khi nói chuyện, cứng hàm và các cơ mặt bị tê liệt.
– Suy giảm thị lực
Não thiếu oxy gây ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. Họ thường bị mờ một bên mắt hoặc mờ cả 2 bên.
– Mất ngủ, suy giảm trí nhớ
Thiếu máu não làm bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh lý rối loạn giấc ngủ như ngủ không sâu giấc, ngủ chập chờn, chất lượng giấc ngủ giảm sút. Ngoài ra, bệnh nhân thường hay quên, trí nhớ giảm sút. Điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, dễ dẫn đến căng thẳng và các vấn đề khác về tâm lý.
– Đau dọc sống lưng
Người mắc bệnh thiếu máu não hay có cảm giác đau dọc sống lưng hoặc đau mỏi vai gáy.
4.2 Thăm khám để chẩn đoán chính xác
Các triệu chứng này tuy có tác dụng “nhận diện” sơm bệnh thiếu máu não nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý khác. Vì vậy, khi thấy các dấu hiệu trên, bạn nên đi khám ngay tại các chuyên khoa để được khám với các bác sĩ chuyên khoa và thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng như đo lưu huyết não, điện não, điện tim, chụp CT, MRI mạch não… Việc này sẽ giúp bạn kiểm soát và bảo vệ sức khỏe của bạn.
Như vậy, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến tính trạng thiếu máu não của bệnh nhân. Đó là chế độ ăn uống, sinh hoạt và các bệnh lý nền liên quan. Kiểm soát và cải thiện 3 yếu tố này một cách hiệu quả sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ bị thiếu máu não và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tốt nhất, bạn nên thường xuyên thăm khám tại chuyên khoa nội thần kinh để được chăm sóc bởi các bác sĩ chuyên khoa và đội ngũ nhân viên y tế có chuyên môn chuẩn.