Ngủ là khoảng thời gian cơ thể được nghỉ ngơi, đây cũng là lúc các cơ quan nội tạng phục hồi năng lượng. Do đó, giấc ngủ đóng một vai trò vô cùng quan trọng với con người. Vậy những người bị mất ngủ phải làm sao để có thể cải thiện giấc ngủ của mình. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có một giấc ngủ chất lượng hơn.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ
Giấc ngủ vào ban đêm thường kéo dài trung bình từ 7 đến 8 tiếng. Một giấc ngủ được coi đạt chất lượng khi giấc ngủ đủ giờ, đủ sâu, khi thức dậy cơ thể tỉnh táo, khỏe mạnh.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ, nếu mất ngủ chỉ mới kéo dài dưới 1 tháng thì được gọi là mất ngủ cấp tính. Nguyên nhân có thể là:
– Do bị stress, căng thẳng dẫn đến khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu.
– Do phải làm việc khuya trong thời gian dài.
– Do chênh lệch múi giờ do thay đổi vị trí địa lý.
– Do một số chất kích thích thần kinh như trà, cà phê, thuốc lá …
– Do thói quen ăn no trước khi ngủ.
– Do không gian ngủ không thoải mái, quá sáng, quá lạnh hoặc quá nóng, ồn ào.
Nếu mất ngủ xảy ra ít nhất 3 lần/tuần và kéo dài hơn 1 tháng thì đó được gọi là mất ngủ mạn tính. Nguyên nhân của nhóm mất ngủ mãn tính có thể do một số bệnh lý như bị dị ứng, bệnh viêm khớp, bệnh tim mạch, các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, bị trào ngược dạ dày thực quản. Với phụ nữ ngoài 50 tuổi thì có thể mất ngủ do tình trạng tiền mãn kinh làm thay đổi nội tiết tố.
2. Khi bị mất ngủ phải làm sao để ngủ ngon trở lại?
2.1. Sử dụng liệu pháp tâm lý
Điều trị bằng liệu pháp tâm lý mà một trong những phương pháp cải thiện giấc ngủ cho người mất ngủ không cần dùng đến thuốc. Người bệnh có thể đến gặp chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm lý để tìm ra nguyên nhân gây mất ngủ và đưa ra các liệu pháp điều trị phù hợp.
2.2. Người bị mất ngủ phải làm sao? – Tập yoga là liệu pháp được đánh giá cao
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng yoga là liệu pháp chữa mất ngủ hiệu quả. Việc tập luyện đều đặn mỗi ngày không chỉ cải thiện giấc ngủ mà còn nâng cao sức khỏe, đẩy lùi nguy cơ mắc các bệnh lý khác.
2.3. Người bị mất ngủ phải làm sao? – Châm cứu là phương pháp hữu ích
Châm cứu là một cách chữa mất ngủ không dùng thuốc khá phổ biến. Phương pháp châm cứu không chỉ cải thiện tình trạng đau mỏi cơ thể mà còn giúp giải tỏa căng thẳng để có giấc ngủ ngon hơn.
2.4. Massage
Massage cũng là cách chữa mất ngủ tại nhà hiệu quả. Các động tác massage tại khu vực đầu, mặt sẽ giúp máu dễ lưu thông lên não. Từ đó giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
2.5. Ngâm chân bằng nước ấm
Trước khi ngủ, bạn có thể chuẩn bị một chậu nước ấm và ngâm chân trong vòng 10-15 phút. Việc ngâm nước ấm giúp tăng cường máu lưu thông, tạo cảm giác thoải mái nên giúp dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn.
2.6. Thay đổi chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ. Do đó, việc ăn uống khoa học và lành mạnh hơn cũng sẽ giúp cải thiện được tình trạng mất ngủ. Một số thực phẩm hỗ trợ tốt cho giấc ngủ là:
– Sữa chua: có chứa axit tryptophan được chuyển hóa thành chất dẫn truyền thần kinh serotonin và melatonin để duy trì giấc ngủ vào ban đêm.
– Chuối: chuối chứa tryptophan, magie, kali, đây đều là các chất tốt cho não, giúp não thư giãn và đẩy lùi stress.
– Cá: cá có hàm lượng protein vô cùng dồi dào, tốt cho não nên người bị mất ngủ nên tăng cường bổ sung thêm vào thực đơn ăn uống hàng ngày của mình.
– Hạt sen: hạt sen từ lâu đã được biết đến là loại hạt giúp an thần và ngủ ngon hơn.
– Cải bó xôi: cải bó xôi có hàm lượng kali cao, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
– Trứng: hàm lượng protein trong trứng cũng có tác động tích cực đến giấc ngủ và giúp ngủ sâu hơn.
2.7. Bổ sung vitamin và khoáng chất
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất tốt cho não bộ cũng là cách giúp cải thiện giấc ngủ. Một số loại vitamin và khoáng chất cần thiết là vitamin D, vitamin A, vitamin B12, vitamin E, vitamin C, magie, sắt và kali.
3. Những lưu ý cho người đang bị mất ngủ
– Hạn chế ăn hoặc uống socola trước khi ngủ: socola cũng chứa một lượng caffeine nên sẽ tác động ít nhiều đến giấc ngủ của chúng ta. Socola còn có chứa theobromine, là chất kích thích làm tăng nhịp tim, gây khó ngủ.
– Không uống rượu bia: uống rượu bia trước khi ngủ có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ. Uống rượu bia khiến giấc ngủ chập chờn, tỉnh dậy trong trạng thái uể oải mệt mỏi.
– Hạn chế uống cà phê vào chiều tối: tác dụng của cà phê có thể kéo dài đến 12 tiếng. Uống cà phê vào buổi chiều tối có thể gây trằn trọc, khó ngủ vào ban đêm.
– Hạn chế ăn đồ quá béo hoặc quá cay: các loại thực phẩm này khiến dạ dày hoạt động nhiều hơn, dẫn đến trào ngược axit gây khó chịu và không thể ngủ ngon.
– Không nên uống quá nhiều nước vào chiều muộn và buổi tối: uống nhiều nước sẽ phải đi tiểu giữa đêm, gây gián đoạn giấc ngủ.
– Hạn chế vận động cường độ cao: vận động quá mức sẽ làm tăng nhịp tim, khiến cơ thể bị kích thích, không thể thư giãn và ngủ ngon.
– Ngủ theo lịch trình cố định: việc ngủ đúng giờ cũng tạo nên thói quen nghỉ ngơi tốt cho não bộ, hạn chế tình trạng mất ngủ.
Nhiều người luôn băn khoăn mất ngủ phải làm sao, mất ngủ có chữa khỏi được không. Điều này tùy thuộc vào nguyên nhân gây mất ngủ và tình trạng bệnh cụ thể. Người bệnh không nên chủ quan khi thấy tình trạng mất ngủ kéo dài hoặc không cải thiện dù đã thay đổi lối sống. Nên đến các cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe sớm.