Tim mạch là nhóm bệnh lý có tỉ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới, là nỗi ám ảnh của nhân loại. Vậy người bị bệnh tim không nên làm gì để tránh bệnh tim mạch tiến triển trầm trọng và gây nguy hiểm tới tính mạng, câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh tim và những yếu tố nguy cơ
1.2 Bệnh tim là gì?
Bệnh tim là thuật ngữ chỉ tất cả những vấn đề bất thường liên quan đến cấu trúc, hoạt động và chức năng của trái tim.
Các bệnh tim mạch phổ biến hiện nay gồm:
– Bệnh cơ tim
– Bệnh van tim
– Bệnh tim bẩm sinh
– Bệnh mạch máu
1.2 Các yếu tố nguy cơ khiến bệnh tim tăng nặng
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch, bao gồm yếu tố có thể thay đổi và không thể thay đổi được.
– Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
+ Giới tính: Nam giới thường bị đau tim nhiều hơn phụ nữ. Tuy nhiên từ thời kỳ mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ sẽ tăng cao hơn. Đặc biệt, sau tuổi 65, nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở 2 giới là như nhau.
+ Tuổi tác: Càng lớn tuổi, tim càng hoạt động kém hiệu quả. Quá trình lão hóa khiến thành tim dày lên, các động mạch trở nên xơ cứng làm cho quá trình bơm máu gặp nhiều khó khăn.
+ Di truyền: Nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh tim mạch hoặc các bệnh huyết áp, tiểu đường, mỡ máu,… thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn người bình thường. Tính chất di truyền cũng mở rộng ra cấp độ dân tộc.
– Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
+ Chế độ ăn: ăn nhiều chất béo, ăn mặn có thể làm gia tăng các vấn đề tim mạch như sự phát triển của các mảng xơ vữa, tăng tích nước gây sưng phù.
+ Vận động: Những người có lối sống thụ động thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những người tập luyện, vận động thường xuyên.
+ Thừa cân, béo phì: Thừa cân, béo phì thường liên quan đến các rối loạn chuyển hóa.
+ Hút thuốc lá: Thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh tim.
+ Uống rượu bia: Những người nghiện rượu hoặc lạm dụng các chất kích thích khác rất dễ mắc các vấn đề tim mạch.
+ Các bệnh lý: Những người mắc bệnh tiểu đường, mỡ máu, cao huyết áp,.. phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim rất cao.
2. Những việc người mắc bệnh tim không nên làm
Kết quả của quá trình điều trị các bệnh tim mạch phụ thuộc rất nhiều vào việc thay đổi những yếu tố nguy cơ.
Theo các chuyên gia tim mạch, những người mắc bệnh tim không nên làm gì còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe thực tế, tuy nhiên có những điều cơ bản sau:
2.1 Ăn mặn
Khi ăn các thực phẩm chứa nhiều muối, hàm lượng natri trong máu tăng cao. Lúc này thận phải làm việc nhiều để lọc máu, dẫn tới sự gia tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch. Hậu quả là nước sẽ di chuyển vào trong lòng mạch, làm thể tích máu gia tăng, gây tăng huyết áp và tích nước trong cơ thể. Từ đó sinh ra bệnh về thận, nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não và đột quỵ.
Vì thế, việc áp dụng chế độ ăn uống ít muối sẽ giúp giảm nhẹ các biểu hiện phù và giảm gánh nặng cho trái tim.
Tùy từng tình trạng bệnh mà bạn nên áp dụng các mức độ ăn nhạt khác nhau. Lượng muối trong khẩu phần ăn đối với những người mắc bệnh tim nên từ 200 – 1200mg/ngày. Nên hạn chế ăn các loại đồ đóng hộp, đồ muối chua.
2.2 Ăn chất béo
Chất béo được coi là kẻ thù của bệnh tim mạch vì làm tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa. Vì vậy, việc nạp quá nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa sẽ gây bất lợi cho tim.
Bạn nên hạn chế các loại thực phẩm nhiều chất béo như lòng đỏ trứng gà, sữa, phô mai, nội tạng động vật (gan, lòng…), các món ăn chế biến theo kiểu chiên, xào, rán,…
Thay vào đó, nên bổ sung chất béo không bão hòa có trong các loại hạt, trong các loại cá biển….
2.3 Sử dụng các chất kích thích
Các chất kích thích bao gồm cà phê, rượu bia, thuốc lá,…
Khói thuốc chứa nhiều chất độc, có thể gây tổn thương và làm dày thành mạch. Đồng thời, hút thuốc lá làm tăng nồng độ LDL-cholesterol (cholesterol xấu), giảm nồng độ HDL-cholesterol (cholesterol tốt). Những điều này làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, khiến máu khó di chuyển qua các mạch máu để đi nuôi cơ thể. Khi đó, nguy cơ hình thành cục máu đông cũng tăng lên, gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ, thậm chí tử vong. Vì vậy, nếu bị bệnh tim, bạn nên từ bỏ thuốc lá.
Ngoài ra, các chất kích thích khác như rượu bia, cà phê cũng gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, làm tăng nặng những triệu chứng của bệnh nhân tim mạch.
2.5 Luyện tập quá sức
Luyện tập thể dục là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe nói chung và cải thiện tuần hoàn nói riêng. Tuy nhiên đối với người mắc bệnh tim, việc lựa chọn thời gian và cường độ tập luyện là rất quan trọng. Bởi hoạt động thể lực quá sức có thể gây tăng áp lực cho tim, khiến bệnh tim ngày càng tăng nặng.
Các chuyên gia khuyên bạn nên lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thiền,…hoặc chạy bộ nhẹ, bơi lội vừa sức. Nên tập 4-5 buổi/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút.
3. Phòng ngừa bệnh tim
Đa phần bệnh tim phát hiện muộn do người bệnh chủ quan trong việc thăm khám hoặc không điều trị các bệnh lý như tiểu đường, huyết áp, mỡ máu, khiến bệnh trở nặng và biến chứng.
Vì vậy, người bệnh không nên lờ là đối với sức khỏe của mình. Khi có bất cứ biểu hiện nào của bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Hi vọng qua bài viết trên đây, các bạn đã biết bị bệnh tim không nên làm gì để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Trong điều trị bệnh tim mạch, ý thức và sự chủ động của người bệnh là vô cùng quan trọng.