Bị bệnh tim khó thở, nguyên nhân do đâu?

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Khó thở là một trong những triệu chứng thường gặp ở những người mắc bệnh tim mạch. Vậy bệnh tim khó thở có đặc điểm gì và làm thế nào để cải thiện tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu về hiện tượng khó thở do tim qua bài viết sau đây.

1. Khó thở là biểu hiện của những bệnh lý gì?

Khó thở là cảm giác khó khăn hoặc không thoải mái trong khi hít thở vì không lấy được đủ không khí hoặc không khí thiếu oxy. 

Khó thở có thể là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý khác nhau như:

– Viêm phổi

Hen suyễn

– Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Ung thư phổi

– Thuyên tắc phổi

– Thiếu máu

– Bệnh tim mạch

Bệnh lao

Trong đó, các bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân gây khó thở khá phổ biến.

Bệnh tim khó thở là gì?

Khó thở là tình trạng có thể xuất hiện do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có bệnh tim mạch.

2. Đặc điểm của chứng khó thở của người mắc bệnh tim 

Tùy loại bệnh tim và mức độ bệnh, có thể chia ra thành các cấp độ khó thở của người bị bệnh tim:

– Cấp độ 1: Khó thở khi gắng sức như khi leo cầu thang, mang vác vật nặng. Càng gắng sức tình trạng khó thở càng trầm trọng. 

– Cấp độ 2: Khó thở khi không gắng sức, chỉ làm việc nhẹ như bê chậu cây, đi lại bình thường cũng thở hổn hển.

– Cấp độ 3: Khó thở ngay cả khi làm những việc thường ngày như đánh răng, rửa mặt,…

– Cấp độ 4: Khó thở ngay cả khi không làm gì, khi nghỉ ngơi.

Cùng với đó là các đặc điểm:

– Khó thở nhiều hơn khi bệnh nhân gắng sức

– Khó thở khi nằm xuống hoặc khi ngủ

– Khó thở kèm theo đau ngực, đánh trống ngực, tim đập nhanh, vã mồ hôi, sưng phù

Trong nhiều trường hợp, hiện tượng khó thở khá rõ rệt như trong các bệnh lý phù phổi hoặc nhồi máu cơ tim cấp. 

Ở những bệnh nhân thông liên nhĩ hoặc hẹp 2 lá giai đoạn đầu, biểu hiện khó thở có thể sẽ ít rõ ràng hơn. 

Đặc biệt ở những bệnh nhân có nền bệnh đái tháo đường, biểu hiện khó thở do tim thường chỉ biểu hiện bằng những đợt khó thở gián đoạn không kèm theo đau ngực, rất khó phát hiện. 

Trong các bệnh lý tim mạch, suy tim là nguyên nhân hàng đầu gây khó thở. Đối với các trường hợp suy tim mạn tính, tình trạng khó thở thường rất phức tạp kể cả sau khi đã điều trị tương đối. Các bác sĩ thường phải tìm thêm những nguyên nhân khác như thiếu máu hoặc nhồi máu phổi. 

3. Vì sao những người mắc bệnh tim mạch thường bị khó thở?

Trong cơ thể người, trái tim và phổi có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chẳng hạn như khó thở thường là hậu quả của sự tích tụ chất lỏng trong phổi hoặc tim phải. Lúc này tim phải đập nhanh hơn để chống lại áp lực. Khi tim đập nhanh hơn so với bình thường, phổi cũng phải làm việc tích cực hơn để đảm bảo dòng máu đi lên phổi được nhận đủ oxy trước khi về tim và bơm đi khắp cơ thể.

3.1 Bệnh tim khó thở do suy tim

Suy tim do giảm chức năng tâm thất trái khiến cung lượng tim giảm, áp lực tĩnh mạch phổi tăng. Điều này khiến dịch từ các mao mạch chuyển vào khoảng kẽ và phế nang, làm khả năng giãn nở của phổi giảm và tăng công hô hấp. 

Sự tích lũy đáng kể lượng dịch trong các phế nang gây ảnh hưởng đến hoạt động thông khí – tưới máu của tim và phổi. Cụ thể, máu động mạch phổi đã khử oxy đi qua các phế nang thông khí kém, giảm sự oxy hoá động mạch hệ thống và gây khó thở. 

Nhiều trường hợp, khó thở cũng có thể xuất hiện do áp lực tĩnh mạch phổi tăng lên, gây tăng công hô hấp. 

Bệnh tim khó thở có đặc điểm gì?

Hiện tượng khó thở do bệnh tim thường xảy ra khi ngủ.

3.2 Bệnh tim khó thở do hẹp van tim

Các van tim mở ra có chức năng đưa máu qua các buồng tim và từ tim đến các động mạch phổi, động mạch chủ. Khi van tim bị hẹp, không thể mở được hoàn toàn thì lượng máu bơm lên phổi để trao đổi oxy cũng giảm. Vì vậy, máu đi nuôi cơ thể cũng giảm chất lượng. Bên cạnh khó thở, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, đau tức ngực. 

3.3 Khó thở do bệnh mạch vành

Mạch vành bị tắc nghẽn làm giảm lượng máu tới cơ tim, khiến khả năng co bóp và bơm máu của tim giảm. Điều này làm máu dễ bị ứ lại tại phổi. Do vậy, người bệnh gặp khó khăn trong việc thở, thường thở gấp, thở không ra hơi. Tình trạng khó thở xảy ra hoặc tăng lên khi hoạt động gắng sức hoặc căng thẳng stress.

4. Khó thở do bệnh tim có nguy hiểm không?

Tim và phổi không chỉ liên quan mật thiết với nhau mà còn quyết định sự sống của cơ thể và sự hoạt động bình thường của hầu hết các cơ quan. 

Khó thở khi ngủ gây ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, làm gia tăng các vấn đề về thần kinh. Điều này khiến hiệu quả công việc, học tập giảm sút cùng nhiều phiền toái khác trong cuộc sống.

Bệnh tim khó thở, đặc biệt là khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi có thể là dấu hiệu suy tim nặng cùng những biến cố có thể ập tới như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử, suy tim cấp. Vì vậy bạn cần hết sức cảnh giác khi gặp dấu hiệu này.

5. Làm thế nào để cải thiện tình trạng khó thở do tim mạch 

Như vậy, có thể nói rằng, khó thở là triệu chứng điển hình của các bệnh lý về tim, phổi. Chính vì thế, nếu thấy cơ thể có triệu chứng khó thở bất thường, bạn cần phải đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời. 

5.1 Điều trị tạm thời

– Thở sâu: Bằng cách nằm xuống, đặt hai tay lên bụng. Sau đó hít sâu qua mũi cho đến khi cảm thấy không khí đầy trong phổi. Nín thở sâu trong vài giây rồi thở chậm qua miệng cho đến khi phổi hết không khí. Lặp lại trong 5 đến 10 phút.

– Thở mím môi: Kỹ thuật này giúp bạn hít vào, thở ra dễ dàng và sâu hơn, hạn chế tình trạng không khí ứ cặn mắc kẹt trong phổi. Khi cảm thấy khó thở, bạn hãy thả lỏng cơ vai và cổ. Hít sâu vào bằng mũi 2 nhịp, miệng vẫn đóng. Thở mím môi để hơi thở từ từ thoát ra kẽ môi.

– Ngồi thả lỏng: Ngồi trên ghế, ngực hơi nhô về phía trước một chút. Đặt cùi chỏ lên đầu gối hoặc 2 tay giữ lấy cằm. Điều này giúp thần trí thư giãn, giúp điều hòa nhịp thở.

– Hít hơi nước: Phương pháp làm thông mũi, làm tan các chất nhầy trong phổi, giúp việc thở dễ dàng hơn.

– Chọn tư thế thoải mái: Chứng khó thở thường xảy ra trong lúc ngủ khiến bạn phải thức giấc nhiều lần, làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Vì vậy, bạn nên thử nhiều tư thế ngủ khác nhau và lựa chọn tư thế thoải mái nhất. Ngồi cúi ra trước, dựa lưng vào tường, nằm nghiêng, nằm ngửa gối cao đầu,…là một số tư thế giúp cải thiện tình trạng khó thở.

Lưu ý, các biện pháp này chỉ mang tính chất tham khảo và có tác dụng dễ thở tạm thời chứ không thể giải quyết triệt để triệu chứng khó thở. 

Khi cảm thấy khó thở, bạn nên đi khám sớm tại chuyên khoa tim mạch.

Khi cảm thấy khó thở, bạn nên đi khám sớm tại chuyên khoa tim mạch.

5.2 Điều trị nguyên nhân

Tìm ra và loại bỏ nguyên nhân gây khó thở là biện pháp quan trọng để cải thiện hoặc chấm dứt tình trạng khó thở một cách bền vững. 

Đối với tình trạng khó thở do bệnh tim gây ra, bạn nên sớm đi khám và điều trị hiệu quả các bệnh lý tim mạch để ngăn ngừa bệnh tăng nặng hoặc biến chứng, tránh để tình trạng khó thở ngày càng nghiêm trọng. Tùy từng trường hợp bệnh nhân mà các biện pháp khác nhau sẽ được áp dụng, nhưng chủ yếu vẫn là điều trị nội khoa và thay đổi lối sống. 

Để hạn bệnh tim khó thở, các chuyên gia khuyên bạn:

– Nên bỏ thuốc lá.

– Tránh tiếp xúc với môi trường nhiều chất độc hại, bụi bẩn, có nguy cơ gây dị ứng. 

– Thường xuyên tập luyện để tăng cường sức khỏe, giữ cân nặng ổn định. Bởi thừa cân, béo phì chính là những yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh lý tim mạch. 

– Chế độ ăn lành mạnh, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày, tăng cường rau xanh, trái cây,…

Hi vọng những thông tin trên đây về bệnh tim khó thở đã giúp bạn hiểu hơn, biết cách xử trí tạm thời và điều trị lâu dài nhằm cải thiện tình trạng này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital