Nhiệt miệng là một bệnh lý thường gặp, được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng nhiệt miệng có thể ảnh hưởng tới việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Bởi vậy, dù bệnh có thể tự khỏi nhưng nhiều người có xu hướng sử dụng các loại thuốc bôi nhiệt miệng để bệnh nhanh khỏi.
Menu xem nhanh:
1. Cơ chế hoạt động chung của các loại thuốc bôi nhiệt miệng
Nhiệt miệng được xem là một dạng tổn thương trong niêm mạc miệng. Vì môi trường trong khoang miệng khá ẩm ướt nên các vết loét này không đóng vảy như những vết thương ngoài da. Nhiệt miệng có thể gây cảm giác đau, vướng, khó chịu cho người bệnh. Đặc biệt khi ăn đồ cay, mặn, nóng thì cảm giác khó chịu sẽ tăng lên.
Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc bôi trị nhiệt miệng tới từ nhiều nhãn hiệu khác nhau và có nhiều thành phần rất đa dạng. Tuy nhiên, thuốc trị nhiệt miệng chủ yếu đều có 2 công dụng chính:
– Làm dịu vùng tổn thương: Đây là công dụng cơ bản của thuốc trị lở miệng. Sau khi bôi thuốc, người bệnh có thể cảm thấy cảm giác rát, khó chịu giảm xuống rõ rệt. Lý do bởi thuốc bôi có thành phần tạo cảm giác the mát, giúp “đánh lừa” chúng ta về cảm giác khó chịu do nhiệt miệng.
– Kháng viêm: Có nhiều nguyên nhân gây ra nhiệt miệng, trong đó có nguyên nhân vì vi khuẩn, virus. Do đó, các loại thuốc trị nhiệt miệng thường có thêm thành phần kháng viêm, nhằm ức chế sự phát triển của tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm.
Ngoài ra, một số loại thuốc bôi sẽ có thêm tác phục hồi niêm mạc, kích thích quá trình sản sinh tế bào mới để làm liền vết loét.
2. Các dạng điều chế của thuốc trị nhiệt miệng dạng bôi
Thuốc bôi trị nhiệt miệng là loại thuốc phổ biến và cơ bản nhất để điều trị bệnh lở miệng. Lý do bởi cách sử dụng thuốc khá đơn giản, giá thành rẻ và mang lại cảm giác dịu vết loét gần như ngay lập tức.
2.1. Thuốc bôi nhiệt miệng dạng gel
Gel là dạng bào chế thuốc bôi trị nhiệt miệng được sử dụng nhiều nhất. Thuốc dạng gel dễ dàng bám lên vùng niêm mạc bị tổn thương, tạo thành một lớp màng mỏng ngăn vết thương tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Nhờ đó, người bệnh sẽ cảm thấy vết loét nhanh chóng dịu lại.
Kết cấu dạng gel cũng khó bị trung hòa khi ở trong khoang miệng. Do đó, hiệu quả của thuốc cũng sẽ lưu lại lâu hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc, bạn cũng cần lưu ý không uống nước hay các đồ uống khác, khiến thuốc bôi bị trôi xuống thực quản.
2.2. Thuốc trị nhiệt miệng dạng kem
Thuốc bôi dạng kem có kết cấu mềm mịn, không đặc như dạng gel nên độ bám không cao. Lý do bởi thành phần của thuốc dạng kem có chứa chất lỏng. Cảm giác dịu da khi bôi thuốc sẽ không kéo dài như khi bạn bôi thuốc dạng gel.
Tuy độ bám không cao nhưng thuốc bôi dạng kem có thể dễ dàng thấm vào bề mặt của vết loét. Vì thế hiệu quả điều trị của thuốc khá tốt, thuốc dạng kem cũng không gây cản trở sự trao đổi chất giữa khu vực bôi thuốc và môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó, thuốc dạng gel và dạng kem thường được đựng trong dạng tuýp. Chúng ta có thể dễ dàng điều chỉnh lượng thuốc lấy ra và đảm bảo được vấn đề vệ sinh khi dùng thuốc.
Có một lưu ý thêm khi bạn sử dụng thuốc dạng kem, đó là dù có khả năng thấm nhanh như bạn cũng nên không ăn, uống sau khi bôi thuốc. Điều này sẽ đảm bảo được thời gian tối thiểu để thuốc ngấm và phát huy hiệu quả trên bề mặt vết loét.
2.3. Thuốc bôi nhiệt miệng dạng bột
Thuốc dạng bột không phổ biến bằng 2 dạng thuốc bôi nói trên. Thành phần chủ yếu của thuốc bôi dạng bột là bột thảo mộc hoặc bột khoáng chất. Dạng bào chế này có khả năng hút ẩm hiệu quả, từ đó giúp thuốc phát huy hiệu quả điều trị tốt hơn. Do đó, nếu trong trường hợp bạn bị nhiệt miệng và tiết enzyme quá mức thì nên sử dụng thuốc dạng bột.
Nhìn chung, thuốc trị nhiệt miệng đều có mức giá bình dân và thuốc bôi dạng bốt cũng vậy. Tuy nhiên, thuốc dạng bột có nhược điểm lớn trong cách sử dụng. Bạn sẽ phải sử dụng tay để bôi hoặc rắc bột lên vết thương. Việc này có thể phát sinh vấn đề vệ sinh và rất khó điều chỉnh lượng thuốc bột.
3. Lưu ý sử dụng thuốc bôi trị nhiệt miệng
Khi sử dụng thuốc bôi trị lở miệng, người bệnh cần chú ý những điều dưới đây để để đảm bảo việc điều trị đạt hiệu quả tốt.
– Tìm và kiểm tra hạn sử dụng của thuốc.
– Đảm bảo mua thuốc có nguồn gốc rõ ràng
– Kiểm tra thành phần của thuốc để xem bản thân có dị ứng với thành phần nào không.
– Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát. Chú ý thuốc phải tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng vì có thể làm biến chất thành phần và công dụng.
– Không sử dụng thuốc quá liều được chỉ định.
– Không được tự ý kết hợp nhiều loại thuốc với nhau trong 1 lần sử dụng.
Đa số thuốc nhiệt miệng có thể sử dụng mà không cần kê đơn. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan và nên đi khám, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp vết nhiệt miệng lâu ngày không khỏi (kéo dài hơn 2 tuần) thì bạn nên thăm khám chuyên khoa tai mũi họng để loại trừ các bệnh lý ác tính như ung thư lưỡi, ung thư vòm họng…
Cùng với việc sử dụng thuốc, người bệnh cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Những thực phẩm có tính chất cay, nóng cần phải hạn chế tối đa để tránh gây ra tổn thương cho niêm mạc miệng.