Rất nhiều mẹ sau sinh gặp vấn đề hay bị tắc tia sữa khiến cho mẹ luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý của mẹ cũng như chất lượng sữa cho bé. Chính vì vậy, việc làm sao để giải quyết tình trạng này là mối bận tâm của rất nhiều “mẹ sữa”
Menu xem nhanh:
1.Tổng quan tắc tia sữa
1.1. Khái niệm hiện tượng tắc tia sữa
Phía sau quầng vú là những xoang chứa sữa, sau khi sữa mẹ được sản xuất ra sẽ theo các ống dẫn sữa chạy dọc bầu ngực để đổ ra xoang này. Sau đó, nhờ lực bú của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài cho trẻ bú. Tắc sữa là hiện tượng các ống dẫn sữa bị bít tắc lại vì một lý do nào đó, khiến cho sữa bị dừng dòng chảy, ngưng tại một điểm. Tại điểm đó, sữa sẽ có hiện tượng đông kết và làm thành một cục tắc. Trong khi tại một điểm bị tắc thì lượng sữa ở các nang vẫn tiếp tục sinh ra khiến cho cục tắc to dần lên, làm cho các ống dẫn sữa bị dãn ra khiến cho mẹ cảm thấy đau nhức. Chỗ tắc đó to dần lên nếu để lâu có thể khiến cho tình trạng tắc trở nên nghiêm trọng hơn và có thể hình thành viêm.
Tắc tia sữa là hiện tượng mà bà mẹ sau sinh và trong thời kỳ đang cho con bú hay gặp phải. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến mẹ mà còn ảnh hưởng đến nguồn thức ăn đầu đời của con. Con bị thiếu sữa cộng thêm việc có thể chất lượng sữa bị biến đổi do viêm tắc sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Nếu mẹ không tìm cách để thông tắc sữa, điều trị kịp thời sẽ vừa làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ vừa dẫn đến những hệ lụy sau này. Không điều trị tắc sữa có thể dẫn đến viêm tuyến vú, áp xe vú, u xơ vú lâu dần thành ung thư vú. Thêm vào đó, việc tắc sữa nhiều cũng làm giảm khả năng tạo sữa của bầu ngực khiến mẹ ít sữa dần đi, thậm chí mất sữa.
1.2. Nguyên nhân mẹ hay bị tắc tia sữa
Tình trạng tắc tia sữa ở các bà mẹ sau sinh hoặc đang cho con bú xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cụ thể như:
– Tắc sữa sinh lý (hay còn gọi là cương sữa sinh lý) sau sinh: Hầu hết các mẹ sau sinh sẽ gặp phải hiện tượng này. Biểu hiện của tình trạng này cả bầu ngực cương cứng lên, to nặng nề nhưng sữa không thể chảy ra ngoài dù đã dùng máy hút sữa.
– Dư thừa sữa mẹ: Phần lớn, nguyên nhân chính của tắc sữa là do lượng sữa mẹ bị dư đọng lại trong bầu ngực mà không được giải phóng ra bên ngoài. Sữa bị dư do em bé bú không hết hoặc bé đã bú no mà mẹ không hút nốt phần thừa ra.
– Tạo áp lực lên bầu ngực: Nếu mẹ mặc áo ngực quá chật hoặc mẹ nằm sấp quá lâu chính là đang tạo áp lực lên bầu ngực của mẹ. Việc chèn ép ngực khiến cho các ống dẫn sữa bị chèn lại, làm hẹp dòng chảy của sữa khiến cho những chỗ tắc nhanh chóng hình thành.
– Mẹ không thường xuyên hút hết sữa ra ngoài: Có thể mẹ vẫn hút sữa nhưng lực hút của máy không phù hợp hoặc mẹ không cố định giờ hút, để rất lâu mới hút sữa cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng tắc tia sữa của mẹ đang cho con bú.
– Mẹ đang cho con bú sai tư thế, sai khớp ngậm: Điều này là nguyên nhân khiến cho con không thể bú mạnh, bú hết lượng sữa con cần hoặc lượng sữa trong bầu ngực của mẹ. Điều này làm cho lượng sữa tồn đọng không thể chảy ra ngoài khiến cho mẹ bị tắc sữa.
– Bé không bú mẹ thường xuyên theo giờ giấc: Mẹ có thể chọn cho bé ăn sữa công thức nhưng lại không hút sữa ra, cũng có thể bé biếng ăn nên thời gian mỗi cữ ăn quá xa nhau, trong khi đó ngực mẹ lại sản xuất nhiều sữa khiến cho lượng sữa dồn ứ quá nhiều.
– Mẹ bị căng thẳng tâm lý: Điều này khiến giảm lượng hormone tiết sữa, làm cho lượng sữa không được tiết ra nhiều mà bị ứ đọng dẫn đến tắc sữa.
1.3. Tắc tia sữa có những triệu chứng gì?
Tình trạng tắc sữa có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong toàn bộ quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Những dấu hiệu của việc mẹ đang bị hoặc chuẩn bị tắc tia sữa là:
– Lượng sữa giảm dần mặc dù mẹ vẫn đang hút đều đặn, hoặc cho con bú đều.
– Ngực có cảm giác căng tức hơn mọi khi, bầu ngực to hơn và có cảm giác đau nhức.
– Khi tắc tia đến mức tạo thành cục thì ấn vào bầu ngực có thể cảm nhận được các cục cứng.
– Nhìn bằng mắt có thể thấy ngực nóng đỏ từng mảng. Chạm vào có cảm giác nóng.
– Có hiện tượng sốt nhẹ.
Nếu tình trạng tắc tia sữa kéo dài mà không được điều trị dứt điểm thì có thể dẫn đến những hậu quả như:
– Sữa ra ít dần dẫn đến thiếu sữa, mất sữa cho con bú.
– Gây ra viêm tuyến vú, áp xe vú, những cục tắc lâu dần ko được nặn ra ngoài sẽ tạo ra những cục u xơ, nguyên nhân gây ung thư vú.
– Mẹ có cảm giác đau đớn liên tục dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng tâm lý, trầm cảm.
2. Phải làm sao khi mẹ bị tắc sữa quá nhiều?
2.1. Mẹ tự chẩn đoán bệnh tắc tia sữa
Để chẩn đoán tắc sữa, trước tiên mẹ cần phải tự cảm nhận cơ thể mình, so sánh với những dấu hiệu của tắc tia sữa kể trên để tự chẩn đoán cho mình liệu có bị tắc tia sữa không để có thể điều trị kịp thời.
Khi bầu ngực có dấu hiệu sưng to hơn bình thường, mẹ cần quan sát xem có vùng đỏ ở ngực hay không, ấn vào có cảm giác đau ngực, cục cứng nổi lên hay không. Người có gai sốt hay không.
Cách chẩn đoán tắc tia sữa thứ hai là nhờ siêu âm khi tình trạng nặng hơn, đã dẫn đến viêm tuyến vú. Lúc này việc siêu âm sẽ giúp bác sĩ xác định được ổ viêm hoặc ổ áp xe để tiến hành điều trị cho mẹ.
2.2. Cách phòng ngừa cho mẹ hay bị tắc tia sữa
Mẹ nuôi con sữa mẹ cần ghi nhớ những cách sau để phòng ngừa bị tắc tia sữa nhiều lần:
– Sau khi sinh mẹ cần cho em bé bú mẹ sớm
– Cả hai bên ngực đều cần được cho bú. Bú kiệt một bên rồi mới chuyển sang bên kia, nếu bú không hết thì cần hút sữa ra bằng máy hoặc vắt bằng tay cho kiệt.
– Trước khi cho con bú nên massage nhẹ nhàng ngực để các ống sữa mềm ra và dãn rộng hơn, sữa dễ dàng chảy ra hơn.
– Vệ sinh bầu ngực sạch sẽ bằng đun sôi để nguội ấm sau mỗi lần cho con bú.
– Chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể và răng miệng để không có ổ vi khuẩn nào trên người, tránh xâm nhập vào tuyến vú, dễ gây tắc và viêm.
– Mặc các trang phục thoải mái, nhất là không nên mặc những loại áo ngực quá chật.
– Thiết lập chế độ ăn uống, luyện tập thể thao đều đặn, khoa học để nâng cao sức khỏe và tinh thần của mẹ.
Những mẹ đã từng hoặc hay bị tắc tia sữa hẳn sẽ thấy rất lo lắng và mệt mỏi với tình trạng của mình. Hy vọng với những kiến thức ở bài viết dưới đây, mẹ có thể gạt bỏ lo lắng và an tâm giải quyết những vấn đề liên quan đến tắc sữa của mình.