Tắc sữa hiện tượng thường gặp ở nhiều mẹ, vậy tắc tia sữa uống gì cho nhanh khỏi là thắc mắc của không ít người.
Nhiều mẹ sau sinh cảm thấy rất lo lắng khi bị tắc tia sữa, bởi một phần làm ảnh hưởng đến nguồn thức ăn cho con, phần còn lại tắc sữa ẩn chứa những khả năng biến chứng thành tình trạng nguy hiểm hơn như áp xe, u xơ thậm chí là ung thư vú. Vậy khi đã bị tắc sữa rồi nên uống gì, có nên dùng thuốc tây không là câu hỏi nhiều mẹ sau sinh đặt ra.
Menu xem nhanh:
1. Nên hay không việc tự uống thuốc để chữa tắc tia sữa?
1.1. Tắc tia sữa uống gì? Uống thuốc tây có nên không?
Hầu hết các mẹ đang cho con bú đều không muốn sử dụng thuốc tây để điều trị vì sợ ảnh hưởng đến sữa cho cho con bú. Thuốc giống như con dao hai lưỡi có thể giúp mẹ nhanh chóng cải thiện tình trạng tắc nhưng cũng sẽ có tác dụng phụ làm cho chất lượng sữa mẹ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, vẫn nên cân nhắc có thể uống thuốc trong trường hợp cần thiết, bắt buộc theo chỉ định của các bác sĩ. Nếu mẹ bị sốt cao không hạ được, sốt kéo dài mà bác sĩ chỉ định dùng thuốc hạ sốt thì nên dùng để giảm sốt, mẹ tránh được mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ.
Những trường hợp sau nên đi khám khi bị tắc sữa và dùng thuốc theo chỉ định:
– Mẹ đã dùng mọi cách để thông tắc tia sữa nhưng không hiệu quả.
– Mẹ bị tắc sữa trên 1 tuần và dấu hiệu tắc không thuyên giảm, thậm chí còn nặng hơn kèm theo sốt cao. Khi đó mẹ nên đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán xem liệu có tiến triển đến mức áp xe chưa. Tránh để lâu sẽ càng khó chữa, thời gian bình phục lâu hơn.
– Với những mẹ không chịu được cơn đau do tắc sữa hoặc bị căng thẳng quá độ với những cơn đau thì cũng nên xin ý kiến của bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau hạ sốt.
Nên nhớ việc dùng thuốc để trị tắc sữa là biện pháp cuối cùng và phải đi kèm với chỉ định của bác sĩ. Không nên tự dùng thuốc hoặc hỏi ý kiến của những người không có chuyên môn sâu như các cô tắm bé, hộ lý đỡ đẻ…Tránh làm cho tình trạng của mẹ bị uống sai thuốc mà nặng lên hoặc gặp các biến chứng khác.
1.2. Những loại thuốc tây nào có thể uống khi tắc sữa kèm sốt?
Các loại thuốc tây y sử dụng nhằm mục đích cải thiện những triệu chứng và giảm biến chứng do tắc tia sữa là chủ yếu. Những biểu hiện điển hình của tắc tia sữa là đau rát vùng bầu ngực, sốt nhẹ hoặc sốt cao, ngực nổi nhiều cục nhỏ và cứng, ấn vào thấy đau, có người còn nổi hạch ở vùng nách.
Lúc này mẹ có thể dùng các loại thuốc hạ sốt tại nhà sau khi đã tham khảo ý kiến của bác sĩ như:
– Paracetamol:
Đây là loại thuốc được các bác sĩ chuyên khoa đánh giá là an toàn cho bà mẹ đang cho con bú, tác dụng chính của thuốc là giảm đau và hạ sốt cho mẹ.
Tuy được đánh giá là an toàn nhưng khi sử dụng mẹ vẫn cần thận trọng bởi vẫn có một lượng nhỏ thuốc đi vào sữa mẹ và có khả năng gây tác dụng phụ lên bé như phát ban, nổi nốt trên da của trẻ. Những tác dụng phụ này có thể không xuất hiện ngay mà sau khi mẹ dùng thuốc từ 2 ngày mới thấy và sẽ giảm sau khi mẹ dừng uống thuốc.
Với những mẹ có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc hoặc đang dùng một loại thuốc khác đã có thành phần là paracetamol rồi thì không nên dùng nữa. Ngoài ra, những mẹ bị suy gan thận hoặc thiếu cân quá cũng không nên dùng hạ sốt loại này.
– Ibuprofen:
Ngoài paracetamol thì ibuprofen cũng là một dòng hạ sốt được nhiều bác sĩ chỉ định dùng vì hiện nay chưa có ghi nhận y khoa nào chỉ ra rằng hạ sốt bằng ibuprofen có ảnh hưởng đến em bé sau khi bú sữa mẹ. Như vậy, có thể đánh giá đây là loại thuốc giảm đau hạ sốt khá an toàn cho mẹ sau sinh nếu dùng với liều lượng vừa đủ.
Tuy nhiên vẫn có một lưu ý quan trọng đối với chị em đang mang thai mà đã bị tắc sữa kèm sốt là không nên dùng ibuprofen có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và em bé sau này có khả năng cao bị hen suyễn.
Thuốc này cũng chống chỉ định cho những mẹ bị viêm loét dạ dày và hen suyễn vì loại thuốc này có tác dụng phụ ảnh hưởng đến dạ dày và co thắt vùng khí quản.
1.3. Tắc tia sữa uống gì để điều trị nhiễm khuẩn
Nếu bị tắc sữa lâu ngày có thể dẫn đến viêm tuyến vú, lâu hơn nữa có thể dẫn đến áp xe vú. Nếu để bầu vú bị nhiễm khuẩn như vậy rất nguy hiểm bởi có thể gây ra: mệt mỏi, cơ thể suy kiệt, sốt cao ớn lạnh, đau nhức mình mẩy, nổi hạch cánh tay, bả vai…thậm chí có trường hợp còn bị nhiễm trùng máu và tử vong.
Trong một số trường hợp cần thiết, các bác sĩ sau khi chẩn đoán, xét nghiệm, siêu âm sẽ có thể quyết định dùng thuốc kháng sinh như:
– Dicloxacillin hoặc Flucloxacillin: Hai loại kháng sinh này đều dung được cho phụ nữ đang cho con bú, hầu như không ảnh hưởng gì đến em bé.
– Vancomycin: Loại kháng sinh này điều trị cho mẹ bị viêm tuyến vú mà cũng không có tác dụng phụ nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa của mẹ. Tác dụng phụ hiếm gặp là tình trạng mẫn cảm trên da.
Ngoài một số loại kháng sinh, các bác sĩ có thể kê thêm các loại thuốc hormone tác động đến quá trình tạo sữa của mẹ. Làm mẹ giảm lượng sữa lại, giảm bớt sự ùn ứ của sữa mẹ, giúp việc thông tắc sữa được dễ dàng hơn.
2. Điều trị tắc sữa tại bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc TCI
Mẹ sau sinh bị tắc sữa lâu ngày mà không thể tự thông tắc được nên đến các cơ sở chuyên khoa phụ sản để được thăm khám và đánh giá tình trạng. Tại bệnh viện TCI, khi bệnh nhân tắc tia sữa đến khám sẽ được khám theo trình tự như sau:
– Được bác sĩ thăm khám và đánh giá tình trạng tắc của vú. Sau đó siêu âm tình trạng, mức độ viêm tắc của tia sữa. Dựa vào kết quả siêu âm bác sĩ sẽ chỉ định dịch vụ.
– Sau khi được chỉ định, bệnh nhân sẽ được tiếp nhận và đo các chỉ số như cân nặng, huyết áp và được giải thích về quy trình làm thủ thuật để người bệnh yên tâm hơn.
– Nếu bác sĩ chỉ định chiếu đèn hồng ngoại thì bệnh nhân được đưa đi chiếu.
– Sau đó kỹ thuật viên sẽ massage vú cho người bệnh và dùng máy hút sữa để hút hết sữa tồn đọng trong bầu ngực đi.
– Nếu bác sĩ chỉ định thì dùng máy sóng ngắn để điều trị.
– Tư vấn hướng dẫn người bệnh cách vệ sinh núm vú, cho con bú đúng cách để giảm khả năng tái tắc sữa.
Trên đây là những thông tin về tắc tia sữa uống gì dành cho những mẹ sau sinh, hy vọng bài viết sẽ hữu ích để mẹ có thể nhanh chóng xử lý tình trạng tắc sữa của mình.