Mất ngủ mệt mỏi có thể xảy ra ở mọi đối tượng, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh, hơn nữa có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Cùng tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Mất ngủ mệt mỏi triệu chứng là gì?
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ với các biểu hiện:
– Khó đi vào giấc ngủ
– Thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc (giấc ngủ bình thường của người trưởng thành khoảng 7-8 giờ/đêm)
– Tỉnh dậy nhiều lần giữa đêm
– Khi ngủ gặp nhiều ác mộng
– Thức dậy sớm
Chính những điều này khiến người bệnh luôn cảm thấy không được nghỉ ngơi khi tỉnh dậy, luôn buồn ngủ, mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng vào ngày hôm sau. Sự mệt mỏi thường đi kèm với thiếu tập trung, suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm sinh lý… Đôi khi, chính những mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống cũng là yếu tố gây mất ngủ khi kích thích hệ thần kinh sản sinh ra những chất không có lợi cho giấc ngủ.
Mất ngủ mệt mỏi có thể xảy ra ở bất cứ ai, không phân biệt giới tính và tuổi tác. Theo thống kê, tình trạng này có xu hướng trẻ hóa, khi có tới 25% người trong độ tuổi từ 18-30 gặp phải.
2. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất ngủ kèm theo mệt mỏi
Các nguyên nhân dẫn đến mệt mỏi, mất ngủ gồm:
2.1 Do suy nhược thần kinh gây mất ngủ mệt mỏi
Suy nhược thần kinh là nguyên nhân hành đầu dẫn tới mất ngủ và mệt mỏi. Tình trạng suy nhược thường xảy ra do căng thẳng, mệt mỏi quá mức trong thời gian dài, gây mất cân bằng quá trình hưng phấn và ức chế. Mất ngủ chính là dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất khi một người bị suy nhược thần kinh.
Ngược lại mất ngủ, khó ngủ kéo dài càng khiến quá trình hưng phấn và ức chế bị rối loạn. Lúc này, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng lo âu, kích thích, tạo nên “vòng luẩn quẩn”, từ đó khiến tình trạng mệt mỏi mất ngủ càng kéo dài và trầm trọng hơn. Do vậy, nếu suy nhược thần kinh không được điều trị sớm và kịp thời thì có thể dẫn đến các bệnh lý tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm…
2.2 Thói quen ăn uống – sinh hoạt thiếu lành mạnh
– Ăn quá nhiều, ăn quá no vào buổi tối hoặc gần đến giờ ngủ
– Ăn những đồ ăn khó tiêu trước giờ ngủ
– Dùng quá nhiều đồ uống có chất kích thích, cồn hoặc caffeine trong ngày hoặc trước giờ ngủ
– Ngủ không vào một giờ giấc nề nếp cụ thể nào
– Xáo trộn trong lịch trình ngủ bình thường, hay xảy ra khi bạn đi công tác, lệch múi giờ…
2.3 Môi trường ngủ
Tiếng ồn lớn, ánh sáng quá mạnh, nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh… có thể là những yếu tố có thể gây ra tình trạng mất ngủ và những mệt mỏi kèm theo.
2.4 Các bệnh lý gây đau đớn, mất ngủ mệt mỏi
Những người có bệnh lý trong người (như viêm khớp, hen suyễn, ngưng thở khi ngủ….) hay các vấn đề về tâm thần (như trầm cảm, lo lắng, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực…) rất dễ bị mất ngủ và uể oải, mệt mỏi.
2.5 Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc điều trị bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Tiêu biểu là các loại thuốc trị cảm lạnh, dị ứng, trầm cảm, huyết áp cao, hen suyễn…
3. Làm sao để cải thiện tình trạng mệt mỏi mất ngủ?
3.1 Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học và hợp lý
– Thức dậy sớm
Việc thức dậy sớm, đúng giờ, hít thở không khí trong lành lúc bình minh sẽ giúp cơ thể điều chỉnh được đồng hồ sinh học, giúp cơ thể tỉnh táo. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyên bạn nên thức dậy sớm để khởi đầu ngày mới thoải mái và trọn vẹn.
– Ngủ trưa vừa đủ
Giấc ngủ ngắn vào buổi trưa có thể phần nào giúp bạn xua tan những mệt mỏi, căng thẳng trí óc do thiếu ngủ gây ra, có thêm năng lượng cho buổi chiều. Tuy nhiên, giấc ngủ trưa không nên kéo dài quá lâu vì sẽ gây ảnh hưởng đến thời gian ngủ buổi tối. Thời gian ngủ trưa được khuyến cáo chỉ nên từ 15 – 30 phút.
Nếu hoàn cảnh không cho phép chợp mắt, hãy tập 1 số động tác thể dục cơ bản, nhẹ nhàng, bạn sẽ cảm giác sảng khoái hơn.
– Nghỉ ngơi giữa giờ
Khi xuất hiện cơn buồn ngủ vào giữa giờ, không phải giờ đi ngủ, bạn có thể dành khoảng 10 phút ra ngoài đi dạo, hít thở không khí. Vận động nhẹ có thể giúp tăng thân nhiệt và kích thích tim, não, cơ bắp, từ đó giảm cảm giác chán nản, mệt mỏi và giúp bạn tỉnh táo, minh mẫn hơn.
Tuy nhiên không nên tập sát giờ đi ngủ, đặc biệt là những động tác mạnh bởi nó sẽ làm tăng thêm tình trạng mệt mỏi, khiến bạn khó chìm vào giấc ngủ.
– Ngủ đúng giờ
Điều này sẽ giúp duy trì nhịp thức – ngủ bình thường, tránh việc mệt mỏi gây mất ngủ.
– Sử dụng cà phê đúng cách
Uống 1 tách cà phê nóng khi đang mệt mỏi có thể giúp duy trì sự hưng phấn, giúp cơ thể sảng khoái và minh mẫn. Tuy nhiên bạn không nên uống quá nhiều cà phê trong ngày, đặc biệt là sau 15 giờ vì điều đó có thể khiến bạn khó ngủ hơn.
– Uống nước lạnh
Khi mất ngủ, cơ thể sẽ dễ bị mất nước và bạn sẽ càng trở nên mệt mỏi. Chính vì vậy, uống 1 chút nước mát sẽ khiến bạn đỡ khát và hạn chế được cơn buồn ngủ.
– Tạo không gian ngủ thoải mái
Nên giữ cho phòng ngủ thoải mái, yên tĩnh, nhiệt độ phòng phù hợp để dễ ngủ hơn. Ngủ ngon giúp tinh thần bạn phấn chấn hơn sau khi thức dậy.
– Xây dựng thói quen ngủ tốt
Vệ sinh cá nhân, đọc sách, nghe bản nhạc nhẹ, tránh sử dụng các thiết bị công nghệ, không ngủ nướng… là những thói quen tốt cần duy trì để bạn có giấc ngủ ngon hơn.
3.2 Chế độ ăn uống hợp lý
Các loại thực phẩm nhiều đường sẽ khiến lượng đường trong máu bị rối loạn, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Vì vậy bạn không nên ăn những loại thực phẩm trên vào cuối ngày. Thay vào đó nên uống 1 ly sữa ấm trước khi đi ngủ.
3.3 Điều trị bằng thuốc
Bên cạnh các biện pháp cải thiện giấc ngủ tại nhà như trên, bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc như nhóm benzodiazepin, melatonin, mamelteon, thuốc chống trầm cảm… Tuy nhiên nên cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng các loại thuốc này. Tốt nhất bạn nên đi khám chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và kê đơn thuốc phù hợp để cải thiện chứng mất ngủ mệt mỏi.
3.4 Điều trị bằng các liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý giúp người bệnh tạm thời loại bỏ hết những lo lắng, công việc, lo âu ra khỏi đầu, giúp dễ ngủ và ngủ sâu hơn. Vì vậy, đây cũng là một phương pháp được khuyên sử dụng với rất nhiều trường hợp.