Mất ngủ kinh niên hay mạn tính có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như các bệnh lý, các thói quen xấu, môi trường… Tình trạng này có thể gây nhiều khó chịu và bất tiện, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí có nguy cơ dẫn tới đột quỵ. Hãy cùng tìm hiểu về chứng mất ngủ này qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Mất ngủ kinh niên là bệnh gì?
Mất ngủ kinh niên hay mất ngủ mạn tính là tình trạng người bệnh gặp những bất thường về giấc ngủ như khó đi vào giấc ngủ hay khó duy trì giấc ngủ ngon vào ban đêm trong thời gian dài, tối thiểu là 1 tháng. Mất ngủ ít hơn 1 tháng gọi là mất ngủ cấp tính hay mất ngủ ngắn hạn.
Mất ngủ trong một thời gian dài cũng gây thoái hóa, ngộ độc tế bào. Nhiều trường hợp gây ra các bệnh tim mạch, cao huyết áp, tình trạng thừa cân, béo phì, dẫn đến tiểu đường…. Nếu người gầy bị mất ngủ kéo dài thì lại khiến cholesterol tăng cao và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
2. Triệu chứng thường gặp khi bị mất ngủ kéo dài
Người bị bệnh mất ngủ kinh niên thường có những triệu chứng sau:
– Khó đi vào giấc ngủ: Người bệnh trằn trọc mãi không ngủ được
– Ngủ không sâu giấc: Hay bị giật mình tỉnh giấc và khó ngủ trở lại
– Thức dậy sớm và cảm thấy mệt mỏi: Người bị mất ngủ kéo dài thường xuyên thức giấc sớm và cảm thấy mệt mỏi, không thoải mái khi thức dậy, thậm chí không có cảm giác được nghỉ ngơi, phục hồi.
– Uể oải vào ban ngày: Do thiếu ngủ vào ban đêm nên người bệnh thường cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, lờ đờ, uể oải, không tỉnh táo… Thậm chí có thể gặp ảo giác. Họ cũng cảm thấy khó tập trung, giảm sự chú ý và ghi nhớ.
– Trầm cảm: Thường xuyên khó chịu, lo âu, thậm chí trầm cảm là tình trạng phổ biến của những người bị mất ngủ kinh niên.
– Căng thẳng, dễ cáu giận: Mất ngủ thường xuyên có thể khiến người bệnh cảm thấy căng thẳng, đau nhức đầu, tâm trạng hay bồn chồn, dễ cáu giận…
– Cảm thấy khó đưa ra quyết định sáng suốt và dễ bị ảnh hưởng bởi người khác.
Tùy vào nguyên nhân, mức độ và tình trạng của bệnh mà người bệnh sẽ có những triệu chứng nặng hoặc nhẹ khác nhau.
3. Nguyên nhân gây ra mất ngủ mạn tính
Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ kéo dài:
3.1 Các bệnh lý gây mất ngủ kinh niên
Sự tồn tại của các bệnh lý trong cơ thể có thể gây ra tình trạng đau nhức hoặc các triệu chứng khó chịu khác, khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc.
Các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây ra tình trạng mất ngủ kinh niên gồm:
– Các bệnh về xương khớp
Tình trạng đau nhức xương khớp, thoái hoá đốt sống, thoái hóa khớp, loãng xương,… có thể gây đau nhức về đêm, làm cản trở giấc ngủ.
– Các bệnh về tim mạch
Các bệnh lý như cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, suy tim… có thể gây đau tức ở ngực, khó thở, lâu ngày dẫn đến bị mất ngủ mạn tính.
– Các bệnh về hô hấp
Tiêu biểu là giãn phế quản, hen phế quản. Các bệnh này gây ho nhiều, khó thở vào ban đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
– Các bệnh về tiêu hoá
Các vấn đề thường gặp của hệ tiêu hóa như đau dạ dày, viêm đại tràng mạn, rối loạn tiêu hoá, gây ợ hơi, ợ nóng, khó tiêu, trào ngược dạ dày… đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ.
– Các bệnh về tiết niệu
Tình trạng sỏi thận, sỏi bàng quang, u xơ tuyến tiền liệt, đái tháo đường, khiến người bệnh đi tiểu nhiều lần vào ban đêm, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
– Các bệnh lý tâm thần
Người mắc bệnh liên quan đến tâm thần thường mắc chứng mất ngủ mạn nhiều hơn và cũng khó ngủ lại hơn so với người bình thường.
3.2 Rối loạn tâm sinh lý
Bệnh trầm cảm, những cảm xúc tức giận, buồn rầu, lo lắng về cuộc sống, công việc, tài chính, sức khỏe, trong thời gian dài, bệnh tâm thần phân liệt… có thể tác động xấu đến giấc ngủ, gây mất ngủ kinh niên.
3.3 Thay đổi hormone
Sự tăng, giảm các hormone trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc tiền mãn kinh – mãn kinh cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ mãn tính.
3.4 Môi trường
Môi trường sống có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giấc ngủ. Nếu không gian ngủ chật hẹp, đông đúc, có ánh sáng mạnh, nhiều tiếng ồn, không sạch sẽ, kém thông thoáng…thì bạn sẽ dễ bị mất ngủ hơn.
3.5 Chế độ ăn uống bất hợp lý là nguyên nhân gây mất ngủ kinh niên
Ăn uống không điều độ, thời gian ăn uống, loại thức ăn không phù hợp có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Cụ thể:
– Ăn quá no, uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ
– Uống rượu, bia
– Sử dụng các chất gây kích thích, trong đó có cà phê, trà, thuốc lá…
4. Điều trị và phòng tránh mất ngủ kinh niên
4.1 Điều trị bệnh mất ngủ kéo dài
Nhiều người khi gặp hiện tượng mất ngủ thường tìm đến các loại thuốc an thần để ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia Nội thần kinh cho biết khi bị phụ thuộc vào thuốc, mất ngủ cấp tính có thể chuyển thành mất ngủ mạn tính, khiến người bệnh gặp nhiều phiến toái và làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, các loại thuốc ngủ thường có tác dụng phụ là chóng mặt, đau đầu, dễ bị kích động, ảnh hưởng đến gan, thận… Vì thế, bạn cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này.
Khi bị mất ngủ người bệnh cần tìm đến bác sĩ sớm để xác định đúng mức độ bệnh và cách xử trí phù hợp thay vì tự điều trị. Nếu muốn sử dụng bất cứ loại thuốc nào để trị mất ngủ, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để đem đến hiệu quả cao nhất, hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc.
4.2 Phòng tránh mất ngủ mạn tính
Để hạn chế nguy cơ mắc bị mất ngủ kéo dài, các chuyên gia khuyên người bệnh nên chú ý những điều sau:
– Không hoạt động nhiều, ăn uống quá no trước khi đi ngủ
– Có các biện pháp thư giãn, tránh để áp lực, muộn phiền, lo âu quá mức
– Giữ cho phòng ngủ luôn thông thoáng, sạch sẽ và yên tĩnh
– Tránh sử dụng các chất kích thích vào ban đêm, trước giờ đi ngủ như cà phê, rượu, bia
– Duy trì, cân bằng hợp lý giữa chế độ dinh dưỡng, tập luyện, làm việc và nghỉ ngơi
Những thông tin trên đây hi vọng đã giúp bạn hiểu hơn về về tình trạng mất ngủ kinh niên, cách điều trị và phòng ngừa. Khi thấy biểu hiện bất thường về giấc ngủ, hãy thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.