Mất ngủ kinh niên là gì? Đây có phải là bệnh lý nguy hiểm?

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Mất ngủ kinh niên là gì? Câu hỏi được nhiều người quan tâm, đặc biệt là người lớn tuổi. Đây được xem là tình trạng khá phổ biến với các triệu chứng như: trằn trọc, khó đi vào giấc, dễ bị tỉnh giữa đêm,… Việc mất ngủ khi bị kéo dài quá lâu mà không có biện pháp can thiệp thì có thể dẫn đến rất nhiều vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh.

1. Bệnh mất ngủ kinh niên là gì?

Theo các thuật ngữ về y khoa thì mất ngủ kinh niên là tình trạng rối loạn giấc ngủ (mất ngủ) kéo dài trên một tháng. Hay còn gọi là mất ngủ kéo dài hoặc mất ngủ mạn tính.

Còn với trường hợp chỉ mất ngủ khoảng vài ngày hay dưới một tháng thì được gọi là mất ngủ cấp tính.

Mất ngủ kinh niên là gì?

Mất ngủ kéo dài đang có tỷ lệ ngày một tăng cao và trẻ hóa dần.

Trên các báo cáo về y tế gần đây nhất thì tỷ lệ người Mỹ đang đối diện với chứng mất ngủ là khoảng 23%, trong đó thì có tới 50% là mất ngủ kinh niên. Trong khi đó tại Việt Nam tỷ lệ người đang mắc chứng bệnh này là khoảng 10-20%.

Mất ngủ kinh niên chủ yếu xuất hiện ở những đối tượng như:

– Nữ giới: người có các vấn đề xoay quanh chu kỳ kinh nguyệt, sự thay đổi của nội tiết tố. Nhất là với phụ nữ ở độ tiền mãn kinh hay phụ nữ mang thai.

– Người già: theo độ tuổi, khi cơ thể dần lão hóa làm cho sức khỏe hệ thần kinh suy yếu dần. Sự thay đổi này khiến cho người già thường xuyên bị mất ngủ, khó ngủ về đêm. Tình trạng tiếp diễn liên tục hình thành nên mất ngủ kinh niên.

– Người bị mắc các chứng về rối loạn tinh thần và thể chất kém. Khi cả tinh thần và thể chất không ở trạng thái ổn định làm cho giấc ngủ bị gián đoạn. Tình trạng này nếu không được can thiệp sớm dần dẫn tới  chứng mất ngủ kinh niên.

– Người thường xuyên căng thẳng và stress. Đầu óc luôn trong trạng thái căng thẳng gây ra mất ngủ tạm thời. Mất ngủ tạm thời không được xử trí, sẽ có nguy cơ cao gây mất ngủ mãn tính.

– Người làm các công việc thường xuyên bị lệch múi giờ.

2. Nguyên nhân và triệu chứng

Để điều trị bất kỳ bệnh lý nào điều đầu tiên chúng ta cần nắm rõ là nguyên nhân gây bệnh. Khi biết được nguyên nhân và triệu chứng đi kèm, sẽ giúp quá trình điều trị được chính xác và hiệu quả hơn.

2.1. Nguyên nhân gây mất ngủ kinh niên là gì?

Tình trạng mất ngủ, khó ngủ kéo dài không dứt có thể xuất phát từ một vài bệnh lý nền như:

– Bệnh ở hệ thần kinh: các tổn thương ở não, mạch máu não, tủy sống, dây thần kinh có thể dẫn tới tình trạng mất ngủ kéo dài.

– Bệnh tim mạch: những vấn đề liên quan tới tim mạch dễ gây ra tức ngực, khó thở,… khi những triệu chứng này kéo dài thường xuyên chắc chắn gây ra mất ngủ kinh niên. Những bệnh tim mạch đó là: huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim,…

– Các vấn đề về hệ hô hấp: hen phế quản, ho kèm khó thở kéo dài,… sẽ khiến người bệnh khó chịu và thức giấc giữa đêm. Tình trạng khi kéo dài liên tục gây ra mất ngủ mãn tính và khó đi vào giấc ngủ.

– Bệnh lý về tiêu hóa: dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn tiêu hóa,… cũng làm cho giấc ngủ liên tục bị gián đoạn giữa đêm.

– Các vấn đề về tiết niệu: sỏi bàng quang, bàng quang tăng hoạt. Những vấn đề này gây tiểu đêm, tiểu liên tục ảnh hưởng đến giấc ngủ.

– Bệnh về tâm thần như rối loạn tâm lý, trầm cảm, rối loạn lo âu,…

– Vấn đề về hệ xương khớp: thoái hóa, gai đốt sống, thoát vị. Những cơn đau nhức dai dẳng khó chịu về đêm làm người bệnh không thể chợp mắt.

Mất ngủ kinh niên là gì? khiến mọi người đều quan ngại

Các bệnh lý xương khớp là một trong những vấn đề dẫn đến khó ngủ, mất ngủ về đêm bởi những triệu chứng mà bệnh gây ra.

Ngoài những nguyên nhân từ các bệnh nền, thì yếu tố về môi trường sống, chất lượng cuộc sống cũng dẫn đến tình trạng mất ngủ.

– Chất lượng cuộc sống kém và không đảm bảo. Khi này sẽ ảnh hưởng đến cả tâm lý và sức khỏe của người bệnh. Tâm lý bất ổn dẫn đến mất ngủ.

– Tình trạng ăn uống hàng ngày không hợp lý. Nếu bạn nạp vào cơ thể quá nhiều đồ ăn hay uống bia rượu gần giờ ngủ sẽ làm giấc ngủ bị rối loạn, thậm trí không thể ngủ được.

– Thói quen xấu: xem ti vi, điện thoại thường xuyên tới đêm. Điều này khiến não luôn trong trạng thái hoạt động và không được thư giãn. Điều này khiến bạn khó có thể đi vào giấc ngủ nhanh được.

2.2. Triệu chứng của bệnh mất ngủ kinh niên là gì?

Một vài biểu hiện của mất ngủ mãn tính đôi khi lại bị nhầm lẫn với bệnh lý khác. Theo các chuyên gia về y tế, mất ngủ mãn tính là tình trạng mất ngủ diễn ra trong thời gian kéo dài hơn một tháng. Có các biểu hiện cụ thể như sau:

– Nửa đêm trằn trọc, cố gắng nhưng không thể ngủ.

– Thường giật mình, tỉnh giấc bất chợt giữa đêm.

– Tỉnh dậy từ rất sớm: khoảng 4-5 giờ sáng.

– Khi tỉnh dậy, cơ thể luôn trong trạng thái uể oải, mệt mỏi thậm chí đau đầu. Bên cạnh đó là cảm giác lờ đờ không có sức vào ban ngày.

– Dễ nổi nóng, cáu gắt và có thể rơi vào trạng thái trầm cảm.

– Không thể tập trung vào công việc ban ngày, nhớ trước quên sau và giảm sự chú ý.

3. Mất ngủ kinh niên nguy hiểm đến mức nào?

Mất ngủ là điều mà không ai mong muốn xảy ra với bản thân mình. Vì chúng ta đều biết nó sẽ làm cho cơ thể người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, kém tập trung. Khi đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến công việc và sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ dừng ở đó, mất ngủ kinh niên còn có thể gây ra các hệ lụy nguy hiểm khác như:

– Gây ngộ độc và thoái hóa các tế bào. Tình trạng này kéo dài khiến các tế bào dần thay đổi cả về cấu trúc và chức năng. Từ đây làm cơ thể phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề về sức khỏe.

– Nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ. Mất ngủ mãn tính được đánh giá là nguyên nhân cao gây ra các vấn đề về huyết áp, tim mạch. Từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ đặc biệt vào mùa rét. Bên cạnh đó, những người cơ thể bị suy yếu khi bị mất ngủ kéo dài sẽ làm tăng cholesterol trong máu.

– Khiến cho trí nhớ giảm sút và khó tập trung. Nếu mất ngủ diễn ra trong thời gian dài, làm người bệnh không đảm bảo được thời gian nghỉ ngơi. Dần dần khiến bệnh nhân giảm khả năng giao tiếp, tiếp nhận thông tin và tập trung.

Mất ngủ kéo dài dẫn đến suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ gây nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống.

– Nguy cơ cao gây béo phì. Mất ngủ làm bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi, lo âu kéo dài. Từ đó khiến cơ thể bị trì trệ, vận động kém, không tiêu thụ calo dẫn đến béo phì.

– Thúc đẩy trầm cảm tăng cao. Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tâm lý và suy nghĩ của người bệnh. Người mất ngủ kinh niên thường dễ nổi nóng, cáu gắt, lo lắng. Đây được xem là những dấu hiệu ban đầu của bệnh trầm cảm.

Những thông tin trên xoay quanh bệnh mất ngủ kinh niên mà mọi người nên quan tâm. Để từ đó có thể chủ động và tỉnh táo hơn trong việc phát hiện bệnh sớm. Nếu được phát hiện và điều trị theo phác đồ hợp lý từ bác sĩ, bệnh có thể cải thiện một cách đáng kể.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital