Cho đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan B, vì vậy tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng ngừa nguy cơ lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con cho trẻ sơ sinh. Tiêm phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh là thời gian vàng để phòng bệnh. Vậy tại sao việc tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh lại quan trọng? Hãy cùng theo dõi bài viết để biết những lý do mà cha mẹ nên tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh nhé!
Menu xem nhanh:
1. Viêm gan B là gì? Viêm gan B ảnh hưởng như thế nào đến trẻ sơ sinh?
Viêm gan B là bệnh lý gây ra tổn thương tế bào gan và dẫn đến nhiều hậu quả là viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan. Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm virus viêm gan B, trong đó trẻ sơ sinh là đối tượng đặc biệt nguy hiểm do hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt. Nếu để bệnh tiến triển trong thời gian dài sẽ gây biến chứng nặng.
Trẻ sơ sinh mắc viêm gan B có nguy cơ cao tiến triển thành viêm gan B mạn tính khi lớn lên, tỉ lệ lên tới 30 đến 50%. Viêm gan B sẽ gây các đợt viêm gan cấp tính khi hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, trẻ bị nhiễm trùng hoặc tổn thương gan khác,… Dần dần sẽ khiến chức năng gan của trẻ bị suy giảm, từ đó gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Vì vậy, trẻ mắc viêm gan B sớm khiến gan bị tổn thương kéo dài, nguy cơ ung thư gan cao hơn nhiều so với trẻ khỏe mạnh.
Khi trẻ sơ sinh mắc viêm gan B cần đi khám bệnh định kỳ để kiểm tra sự tiến triển của bệnh và điều trị kịp thời nếu viêm gan B biến chứng. Nhiều trẻ mắc bệnh không được phát hiện và điều trị tích cực sẽ nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến gan, đặc biệt là viêm gan mạn tính không thể chữa khỏi và có thể dẫn đến nhiều biến chứng.
2. Những lý do mà cha mẹ nên tiêm vắc xin phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu
2.1. Bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị lây truyền từ mẹ sang con
Tiêm vắc xin ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh có hiệu quả bảo vệ phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80 đến 95%. Đây cũng là cách tốt nhất để phòng virus viêm gan B từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng bệnh sẽ giảm nếu tiêm muộn.
Nếu tiêm vắc xin viêm gan B vào thời điểm 7 ngày sau sinh thì khả năng phòng lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ đạt 50% đến 57%.
Điều này đặc biệt quan trọng bởi vì hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sẽ có 90% nguy cơ trở thành bệnh mãn tính và khoảng 25% trong số đó sẽ chết vì ung thư gan và xơ gan.
2.2. Bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị lây nhiễm từ môi trường bên ngoài
Tiêm phòng vắc xin viêm gan B sớm không chỉ có hiệu quả tốt giúp ngăn ngừa lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con trong khi sinh. Điều này còn giúp trẻ sơ sinh sớm được bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm viêm gan B từ môi trường bên ngoài và các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ những trẻ khác thông qua tiếp xúc trực tiếp với vết xước chảy máu.
3. Những lưu ý quan trọng khi tiêm vắc xin viêm gan B đối với trẻ sơ sinh
3.1. Điều kiện để tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể được tiêm vắc xin phòng viêm gan B sau 24 giờ đầu tiên. Cha mẹ chỉ nên tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu khi trẻ khi đạt đủ những điều kiện dưới đây:
– Nhịp thở của trẻ ổn định.
– Da khỏe mạnh, hồng hào và không có những dấu hiệu bất thường.
– Trẻ bú tốt.
Cha mẹ cần chú ý, không nên tiêm phòng viêm gan B cho trẻ khi:
– Trẻ bị dị tật bẩm sinh.
– Trẻ có biểu hiện sốt và một số bất thường.
Đối với những trường hợp sinh non, nhẹ cân hay quá trình sinh nở của mẹ có bất thường khiến trẻ bị ngạt nước ối,… cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn trước khi quyết định tiêm phòng cho trẻ.
3.2. Các phản ứng phụ có thể xảy ra khi tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh
Sau khi tiêm vắc xin viêm gan B, cha mẹ cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để theo dõi tình trạng của trẻ sau tiêm.
24 giờ sau sinh là khoảng thời gian bé vẫn đang được chăm sóc tại bệnh viện, vì vậy cha mẹ nên theo dõi và báo ngay cho các bác sĩ nếu xảy ra bất cứ triệu chứng bất thường để có thể nhanh chóng phát hiện và xử trí kịp thời.
Trẻ có thể xảy ra một số phản ứng phụ sau tiêm, chính vì thế cần lưu ý theo dõi và chăm sóc cho trẻ. Tùy theo cơ địa mà trẻ có thể xảy ra một số phản ứng sau tiêm như sau:
– Vết tiêm tấy đỏ, gây đau và có thể khiến trẻ quấy khóc.
– Sốt nhẹ.
Nếu phản ứng phụ kéo dài hơn một ngày hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng hơn như trẻ sốt cao hoặc có những biểu hiện khác thường như quấy khóc kéo dài, da tím tái, khó thở, bú ít, bỏ bú… cần báo ngay cho bác sĩ để được điều trị và xử lý kịp thời.
Tuy cũng có trường hợp sốc phản vệ sau tiêm nhưng rất hiếm, chỉ với tỉ lệ 1/1,000,000 ca. Do đó, cha mẹ cũng không cần quá lo lắng khi cho trẻ tiêm phòng viêm gan B ngay từ rất sớm. Hơn nữa, khi trẻ ở bệnh viện các bác sĩ sẽ theo dõi thường xuyên để đảm bảo sức khỏe của trẻ. Vì vậy cha mẹ không nên quá lo lắng về vấn đề này.
Trên đây là những lý do mà cha mẹ nên tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Nếu còn những thắc mắc liên quan đến vấn đề tiêm chủng, cha mẹ có thể liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất!