Mục tiêu quan trọng nhất khi sơ cứu người bệnh đột quỵ là giảm tử vong, hạn chế biến chứng nghiêm trọng. Do đó, việc thực hiện sơ cứu cần đảm bảo đúng cách, đúng quy trình khi chờ được tiếp cận dịch vụ y tế.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu cảnh báo người bị đột quỵ cần sơ cứu ngay lập tức
Đột quỵ xảy ra đột ngột khi bạn đang làm việc, sinh hoạt thậm chí cả lúc ngủ. Lúc đó, các triệu chứng thần kinh khu trú xuất hiện bất ngờ. Các triệu chứng có thể khởi phát và đạt mức độ nặng ngay từ đầu. Có trường hợp khởi phát đột ngột và tiến triển nặng dần lên.
1.1. Một số triệu chứng đột quỵ cần lưu ý
– Liệt hoặc biểu hiện vụng về như khó cầm nắm, phối hợp động tác (thường xảy ra nửa người)
– Nuốt khó
– Chóng mặt, rối loạn thăng bằng
– Rối loạn ngôn ngữ thể hiện nói ngọng, khó khăn khi hiểu và diễn đạt bằng lời nói, …
– Các triệu chứng tiền đình như chóng mặt, đau đầu dữ dội, …
– Các triệu chứng về tư thế hoặc nhận thức gồm khó khăn khi thực hiện các công việc sinh hoạt hàng ngày, hay quên, mất khả năng định hướng không gian, …
– Một số triệu chứng thần kinh gồm rối loạn ý thức, rối loạn cơ vòng, rối loạn thực vật, …
– Đột quỵ có thể ảnh hưởng mỗi người mỗi khác nên không phải ai cũng gặp tất cả các triệu chứng trên.
1.2. Dựa trên quy tắc FAST để nhận biết đột quỵ
Đây là quy tắc dựa trên 4 chữ cái Face – Arm – Speech – Time để nhận biết các triệu chứng đột quỵ.
– F: mặt mất cân xứng, nụ cười méo xệch sang một bên.
– A: tay chân tê yếu, khả năng vận động suy giảm.
– S: nói ngọng, nói khó hiểu.
– T: khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu trên, hãy ngay lập tức gọi cấp cứu.
Với trường hợp các triệu chứng chỉ kéo dài trong vài phút, vài giờ, người bệnh cũng không nên chủ quan. Đó là dấu hiệu của một cơn đột quỵ nhỏ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây có thể là một cảnh báo về một cơn đột quỵ thật sự sắp xảy ra trong tương lai gần.
2. Tìm hiểu cách sơ cứu người bệnh đột quỵ tại nhà
Đột quỵ có thể khiến người bệnh mất thăng bằng, bất tỉnh và té ngã. Nếu thấy người xung quanh bị đột quỵ, hãy thực hiện các bước sau đây:
2.1. Bước 1: Ngay lập tức gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp
– Nếu bạn xuất hiện triệu chứng đột quỵ, hãy bình tĩnh và nhờ người khác hỗ trợ.
– Nếu bạn chăm sóc người bị đột quỵ, hãy đảm bảo người bệnh đang ở vị trí an toàn, quần áo được nới lỏng, không gian thoáng mát.
– Nếu người bệnh là trẻ em, nên đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng một bên, đầu nâng lên và đề phòng trẻ bị nôn/
2.2. Bước 2: Sơ cứu người bệnh đột quỵ trong lúc chờ cấp cứu đến
– Ngay lập tức kiểm tra xem người bệnh còn thở hay không. Nếu không thấy nhịp thở, cần khẩn trương thực hiện hô hấp nhân tạo.
– Nếu người bệnh khó thở, hãy nới lỏng quần áo, phụ kiện bó sát như cà vạt, khăn cổ, trang sức, thắt lưng … đảm bảo người bệnh dễ thở.
– Nếu người bệnh ngừng tim, hãy thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Dùng khăn tay quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng.
– Tháo răng giả (nếu có), tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn, uống.
– Bình tĩnh khuyên nhủ, trấn an tinh thần cho người bệnh.
– Quan sát để nhận biết các thay đổi ở người bệnh.
2.3. Bước 3: Cung cấp thông tin về tình trạng người bệnh
Ghi nhớ nguyên nhân, các biểu hiện, có bị té ngã, đập đầu hay không, … của người bệnh để cung cấp cho nhân viên y tế. Các thông tin này rất có ích trong việc điều trị cũng như phục hồi người bệnh đột quỵ sau này.
2.4. Lưu ý cần tránh những sai lầm khi sơ cứu người bệnh đột quỵ
Theo các chuyên gia, cần tránh các sai lầm không đáng có trong quá trình di chuyển, sơ cứu người bệnh đột quỵ.
– Mỗi người cần biết cách hồi sức tim phổi để sơ cứu người bệnh kịp thời trước khi xe cấp cứu đến.
– Trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cứu cũng như đánh giá tình trạng bệnh để có biện pháp di chuyển an toàn. Tránh làm bệnh nghiêm trọng hơn do vận chuyển bệnh nhân đi cấp cứu sai cách.
Việc vận chuyển người bệnh đột quỵ cần đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
– Đảm bảo đường thở và tim đập
– Cố định bảo vệ được các bộ phận dễ gặp chấn thương như đầu cổ, tứ chi
– Nhanh nhất có thể, đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong cấp cứu người bị đột quỵ
3. Các biện pháp ngăn ngừa đột quỵ dành cho tất cả mọi người
Mặc dù là bệnh lý nguy hiểm nhưng bệnh có thể được phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cũng như việc chăm sóc sức khỏe.
3.1. Tập thể dục nhiều hơn, duy trì vận động đều đặn
Cần kiên trì luyện tập thể dục ít nhất 5 buổi/tuần với bài tập vừa sức, bạn có thể lựa chọn đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi, …
Điều quan trọng là cần duy trì thói quen tập thể dục, vận động đều đặn để tăng cường sức khỏe, cải thiện tinh thần và ngăn ngừa đột quỵ.
3.2. Ổn định huyết áp
Huyết áp cao làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp 4 lần, vì vậy hãy kiểm soát huyết áp bằng cách:
– Hạn chế ăn đồ mặn và chế biến ít muối.
– Tăng cường ăn trái cây, đặc biệt là các loại củ quả giàu kali như: chuối, khoai tây, khoai lang, đậu, cà chua, …
– Tăng cường ăn các sản phẩm từ sữa ít béo, ăn ít đường và giảm mỡ bão hòa.
– Bổ sung thực phẩm giàu omega-3 từ các loại thực phẩm như cá hồi, cá thu, hạt óc chó, …
– Tăng cường hấp thụ chất xơ có trong trái cây, rau xanh, ngũ cốc, …
3.3. Điều trị bệnh lý liên quan
– Rung nhĩ – bệnh lý rối loạn nhịp tim là yếu tố tăng nguy cơ đột quỵ do nhịp tim không ổn định. Nếu đang mắc căn bệnh này, cần điều trị và kiểm soát bệnh tích cực.
– Tiểu đường làm hủy hoại mạch máu và khiến cục máu đông dễ hình thành. Vì thế cần theo dõi, kiểm soát đường huyết để tránh ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
– Người mắc bệnh tim mạch, cholesterol trong máu cao cũng cần thăm khám định kỳ, sử dụng thuốc và sinh hoạt lành mạnh.
3.4. Tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ (đặc biệt người thuộc nhóm nguy cơ cao)
Tầm soát nguy cơ đột quỵ giúp phát hiện các vấn đề sức khỏe, bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ. Từ đó, mỗi người có phương án điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Liên hệ hotline Thu Cúc TCI 0936 388 288 để được tư vấn miễn phí và hỗ trợ đặt lịch khám sớm.