Răng khôn mọc ngầm, mọc lệch có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe răng miệng nên cần phải nhổ bỏ kịp thời. Vậy làm cách nào để chăm sóc răng sau khi nhổ răng khôn giúp vết thương nhanh hồi phục và không gây ra biến chứng? Hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn qua bài viết hữu ích sau đây!
Menu xem nhanh:
1. Vì sao răng khôn cần phải nhổ bỏ?
Răng khôn, răng số 8 là những chiếc răng hàm mọc cuối cùng ở mỗi bên hàm khi mọi người ở độ tuổi từ 18-25. Do mọc khi cung hàm đã có đủ số răng vĩnh viễn, răng khôn thường gặp phải tình trạng mọc ngầm, mọc lệch. Răng khôn mọc ngầm, mọc lệch có thể dẫn tới tình trạng xiên xẹo các răng khác trên cung hàm. Bên cạnh đó, răng khôn mọc còn khiến mọi người cảm thấy đau nhức khó chịu, thức ăn khó được làm sạch dễ dẫn tới các bệnh lý như sâu răng, hôi miệng.
Vậy khi nào thì cần phải nhổ bỏ răng khôn?
– Răng khôn mọc gây ra tình trạng đau, nhức, sưng tấy nướu.
– Răng khôn mọc lệch khiến thức ăn dễ bị mắc vào, khó làm sạch bằng việc chải răng.
– Răng khôn mọc nghiêng, mọc lệch đâm vào răng số 6 và làm xiên xẹo các răng khác trên cung hàm.
– Răng khôn mắc bệnh lý như sâu răng, viêm nha chu, viêm chân răng…
Việc nhổ bỏ được khuyến khích càng sớm càng tốt để làm giảm các triệu chứng đau nhức, khó chịu cho người bệnh. Không phải trường hợp nào cũng cần phải nhổ bỏ răng khôn. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, xác định tình trạng của răng khôn để tư vấn phương pháp điều trị phù hợp và an toàn nhất.
2. Các phương pháp nhổ răng khôn hiện nay
2.1. Nhổ răng khôn với kìm, bẩy truyền thống
Phương pháp truyền thống sử dụng dao rạch, kìm, bẩy để nhổ bỏ răng khôn. Bác sĩ sẽ tiến hành rạch nướu, phá hủy ổ răng để có thể loại bỏ được răng khôn. Phương pháp truyền thống có chi phí tối ưu, tuy nhiên có thể mang lại nhiều sự phiền toái cho người bệnh như:
– Người bệnh cần há miệng trong thời gian dài cho đến khi răng được nhổ bỏ hoàn toàn. Đối với những người gặp phải tình trạng răng mọc ngầm, mọc lệch phức tạp thì thời gian có thể kéo dài hơn.
– Cảm giác đau đớn, bất tiện trong quá trình nhổ có thể xuất hiện nên các bác sĩ thường tiến hành gây tê, gây mê trước khi nhổ răng.
– Dễ xuất hiện biến chứng như khó cầm máu sau khi nhổ, viêm nướu, nhiễm trùng nướu…
– Thời gian hồi phục lâu, có thể sưng đau vùng má sau khi nhổ răng. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sự hồi phục cũng như sinh hoạt, tâm lý của người bệnh.
2.2. Nhổ răng khôn bằng máy Piezotome sử dụng sóng siêu âm
Phương pháp nhổ răng hiện đại, sử dụng máy siêu âm được rất nhiều người ưa chuộng bởi công nghệ này sở hữu nhiều tính năng ưu việt như:
– Hạn chế các biến chứng khi nhổ răng, không gây tổn thương mô mềm, xương hàm, không gây đau đớn, khó chịu.
– Thời gian nhổ răng nhanh chóng, chỉ mất từ 15-20 phút, bao gồm cả thời gian gây tê.
– Người bệnh cũng không cần phải há miệng trong thời gian dài để thực hiện tiểu phẫu.
– Đóng nướu ngay tức thì, tăng hiệu quả phục hồi sau khi nhổ răng.
– Hạn chế tê bì môi, má, hạn chế sưng tấy vùng nướu răng sau khi nhổ.
Tuy nhiên, nhổ răng bằng máy siêu âm có chí phí cao hơn nhiều so với phương pháp truyền thống. Điều này có thể là khó khăn đối với một số người có điều kiện tài chính hạn hẹp. Người bệnh cần tìm tới các cơ sở nha khoa uy tín khi có nhu cầu nhổ răng khôn để bảo toàn sức khỏe của bản thân.
3. Chăm sóc răng sau khi nhổ răng khôn
Sau khi nhổ răng khôn, người bệnh cần theo dõi hậu phẫu một cách cẩn thận và đừng quên:
– Tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ để giúp vết thương nhanh lành hơn, không có biến chứng hậu phẫu.
– Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hạn chế vận động quá sức trong mấy ngày đầu sau khi nhổ răng.
– Sử dụng thuốc giảm đau, giảm sưng viêm khi có sự chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc theo các hướng dẫn trên mạng.
– Hạn chế chải răng trực tiếp lên vết thương khi chưa lành hoàn toàn. Chải răng nhẹ nhàng, đều khắp các mặt từ trong ra ngoài và chải theo chiều từ trên xuống.
– Súc miệng bằng nước muối loãng 0,9% thời gian đầu để vệ sinh khoang miệng sạch sẽ.
– Ăn thức ăn tươi xanh, lành mạnh, hạn chế thức ăn quá cay nóng, dai cứng.
– Không hút thuốc lá, không sử dụng đồ uống có cồn, có nhiều đường hoặc có tính axit cao.
Khi được chăm sóc một cách khoa học, vết thương có thể hồi phục sau 1-2 tuần. Cần tới ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng xảy ra khi phát hiện các biểu hiện bất thường sau:
– Vết thương không lành, không thuyên giảm tình trạng sưng tấy, đau nhức.
– Cảm thấy sưng đau, nhức, ê buốt kéo dài ở vị trí răng, nướu đã nhổ răng khôn.
– Người mệt mỏi, chán ăn, có biểu hiện sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 38,5 độ C.
– Phát hiện thấy nướu sưng tấy, viêm nhiễm hoặc có dịch mủ bất thường.
– Đau hàm, đau má ở khu vực răng khôn đã được nhổ bỏ…
Chăm sóc sau khi nhổ răng khôn có vai trò quan trọng, giúp vết thương nhanh lành hơn. Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn chăm sóc, vệ sinh răng miệng hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ nha khoa. Đồng thời, tới ngay các cơ sở y tế khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở răng miệng để chủ động phòng và điều trị, ngăn chặn biến chứng xảy ra.