Viêm não Nhật Bản là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng nặng nề ở hệ thần kinh trung ương đối với cả trẻ em và người lớn. Cho đến hiện nay, Việt Nam đã triển khai sử dụng vắc xin viêm não Nhật Bản tiêm chủng mở rộng để chủ động phòng bệnh cho trẻ em, giảm thiểu các trường hợp tử vong cũng như khả năng đối mặt với các biến chứng, di chứng nguy hiểm.
Menu xem nhanh:
1. Viêm não Nhật Bản và những di chứng nghiêm trọng
1.1. Thông tin về bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng nặng nề ở hệ thần kinh trung ương đối với cả trẻ em và người lớn. Đây là một trong những bệnh lý để lại di chứng vĩnh viễn và nặng nề, để lại nhiều gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Một số đặc điểm của virus viêm não Nhật Bản gồm:
– Virus viêm não Nhật Bản chủ yếu đến từ các loài chim hoang dã và gia súc.
– Virus có thể được bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong 30 phút hoặc 100 độ C trong 2 phút.
– Ở trạng thái đông lạnh virus có thể tồn tại đến vài năm.
Nói cách khác, bệnh có ổ dịch thiên nhiên ở khắp mọi nơi.
Con đường lây truyền chính và phổ biến của virus viêm não Nhật Bản là đường máu, thông qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Ở Việt Nam, muỗi thường sản sinh mạnh mẽ khi hè đến và đây cũng là thời điểm dịch viêm não Nhật Bản đạt đỉnh hàng năm. Trẻ dưới 10 tuổi là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, người lớn có nguy cơ thấp hơn bởi cơ thể có lượng kháng thể cao hơn. Những người đã mắc bệnh sẽ có miễn dịch chắc chắn hơn người chưa bị.
Thời gian ủ bệnh của viêm não Nhật Bản rơi vào 5-14 ngày, trung bình là 1 tuần. Ở thời điểm khởi phát, người bệnh sẽ có các triệu chứng:
– Sốt cao.
– Đau đầu, đau bụng.
– Nôn mửa.
– Cứng gáy.
– Tăng trương lực cơ.
– Rối loạn vận động nhãn cầu.
– Lú lẫn, mất ý thức.
– Xung huyết giãn mạch.
– Đi ngoài lỏng.
Ở thời điểm bệnh toàn phát tức ngày 3 đến ngày 7 của bệnh, người bệnh sẽ có các triệu chứng:
– Tổn thương não.
– Tổn thương thần kinh khu trú.
– Các triệu chứng ở những ngày đầu trở nặng như ảo giác, co giật, mê sảng, hôn mê sâu.
– Rối loạn thần kinh thực vật gồm vã mồ hôi, da lúc đỏ lúc tái, rối loạn nhịp thở, tăng huyết áp.
1.2. Biến chứng và di chứng
Viêm não Nhật Bản có tỉ lệ tử vong cao (khoảng 25-30%) và thường để lại di chứng cho bệnh nhi. Ở 24 nước Châu Á, ước tính có khoảng 3 tỉ người có nguy cơ mắc bệnh, trong đó bao gồm 700 triệu trẻ dưới 15 tuổi.
Tại Việt Nam, bệnh lưu hành cả nước. Miền Nam có các ca bệnh rải rác quanh năm trong khi miền Bắc lưu hành theo mùa từ tháng 4 đến tháng 10, đỉnh điểm là tháng 6.7. Các ổ dịch lớn thường tập trung ở đồng bằng trung du miền Bắc.
Tình trạng tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong 1 tuần đầu tiên khi bệnh nhân có dấu hiệu hôn mê sâu, co giật và xuất hiện triệu chứng tổn thương não. Ở trường hợp này, dù bệnh nhân có hồi phục vẫn sẽ để lại những di chứng nặng nề, phổ biến nhất là rối loạn tâm thần, suy giảm khả năng giao tiếp và rối loạn vận động.
Sau khi mắc viêm não Nhật Bản, những biến chứng sớm có thể bao gồm suy hô hấp, viêm phổi – phế quản. Trong quá trình điều trị bệnh có thể biến chứng viêm bể thận – bàng quang do thông tiểu hoặc đặt ống dẫn lưu. Bên cạnh đó người bệnh có thể bị loét, viêm tắc tĩnh mạch và rối loạn dinh dưỡng do nằm lâu.
Những di chứng sớm của viêm não Nhật Bản có thể kể đến bại liệt hoặc liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm khả năng vận động, co giật, giảm trí nhớ và rối loạn tâm thần. Những di chứng muộn là khả năng nghe kém hoặc điếc, rối loạn thần kinh,… Người bệnh cũng có nguy cơ đối nặng với các di chứng muộn sau vài năm như động kinh hoặc Parkinson.
2. Vắc xin viêm não Nhật Bản tiêm chủng mở rộng và lịch tiêm khuyến cáo
2.1. Tầm quan trọng của vắc xin viêm não Nhật Bản tiêm chủng mở rộng
Cho đến hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên chúng ta có thể chủ động phòng bệnh cho trẻ em bằng vắc xin. Trước khi Việt Nam triển khai sử dụng vắc xin viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì có đến 25 – 30% ca viêm não nhập viện là do virus viêm não Nhật Bản với rất nhiều trường hợp tử vong.
Sau nhiều năm triển khai tiêm ngừa thì hiện nay, tỉ lệ trên đã giảm xuống dưới 10% và tỉ lệ trẻ đủ tuổi được tiêm chủng luôn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, cần lưu ý nguy cơ mắc bệnh luôn có thể tăng trở lại nếu trẻ không được tiêm đầy đủ và đúng lịch.
2.2. Lịch tiêm khuyến cáo của vắc xin viêm não Nhật Bản tiêm chủng mở rộng
Vắc xin viêm não Nhật Bản được chỉ định tiêm dưới da và không tiêm đường tĩnh mạch. Cụ thể vị trí tiêm dưới da có thể là tiêm bắp tay ở cơ delta hoặc vị trí mặt trước bên đùi ở chân. Việc tiêm vắc xin vào tay hay chân đều đem lại hiệu quả phòng bệnh tương đương nhau và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của đối tượng tiêm phòng. Tuy nhiên vị trí tiêm này còn tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ và sự thuận tiện của người tiêm.
Tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh hiệu quả tối ưu. Hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam, vắc xin viêm não Nhật Bản được sử dụng là vắc xin Jevax – một loại vắc xin bất hoạt được sản xuất tại Việt Nam với phác đồ tiêm 3 mũi cơ bản:
– Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên: Tiêm mũi đầu tiên.
– Sau 1 – 2 tuần kế tiếp: Tiêm mũi thứ 2.
– Sau khoảng 1 năm: Tiêm mũi thứ 3.
– Mỗi 3 năm tiêm 1 lần mũi nhắc lại cho đến khi trẻ được 15 tuổi.
Lưu ý nếu chỉ thực hiện tiêm 1 mũi vắc xin thì không đủ hiệu lực phòng bệnh cho trẻ. Khi trẻ tiêm đủ 2 mũi thì hiệu lực bảo vệ có thể lên đến 80% và con số này đạt 90 – 95% trong vòng 3 năm nếu trẻ được tiêm đủ 3 mũi.
Ngoài vắc xin Jevax trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bạn cũng có thể lựa chọn vắc xin Imojev (Sanofi Pasteur – Pháp) trong chương trình tiêm chủng dịch vụ. Đây là vắc xin sống giảm độc lực, được tái tổ hợp với virus sốt vàng. Sau khi đã hoàn thành 3 mũi cơ bản với vắc xin Jevax, trẻ có thể hoàn tất phác đồ tiêm phòng viêm não Nhật Bản với một liều vắc xin Imojev duy nhất. Vắc xin Imojev có thể được chỉ định tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên với phác đồ theo khuyến cáo từ Bộ Y tế. Tiêm 2 mũi cách nhau khoảng thời gian là 1 năm.
Trên đây là những thông tin về vắc xin viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Cho đến hiện nay, tiêm phòng là phương pháp tối ưu nhất để ngừa bệnh hiệu quả, bạn và gia đình không nên vì những nguồn thông tin thiếu chính xác về vắc xin mà bỏ qua biện pháp phòng bệnh tối ưu này.