Lí do tiêm chủng cho bé đầy đủ nhưng vẫn có thể mắc bệnh

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Theo chuyên gia y tế đánh giá, tiêm chủng cho bé sớm và đầy đủ sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh lên tới 95%. Tuy nhiên, số ít còn lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh nhưng ở dạng nhẹ hơn và hạn chế di chứng, tử vong.

1. Trẻ tiêm vacxin có chắc chắn không mắc bệnh?

Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ bị tấn công bởi bệnh truyền nhiễm. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có nguy cơ cao là tử vong.

Do đó, “phòng bệnh còn hơn chữa bệnh” cho bé rất quan trọng. Cha mẹ cần kết hợp 2 biện pháp phòng bệnh cùng lúc, gồm:

– Phòng bệnh thụ động: Trong 6 tháng đầu thì bé cần bú sữa mẹ đầy đủ bởi có một số kháng thể của mẹ truyền sang con. Bên cạnh đó, vệ sinh môi trường sống, khu vui chơi của bé sạch sẽ; bổ sung thực phẩm tươi và đầy đủ dưỡng chất;…

– Phòng bệnh chủ động: Tiêm vacxin là biện pháp phòng bệnh từ bên trong hiệu quả. Nhờ vacxin mà nhiều đại dịch đã gần như được “xóa sổ”, giảm tỷ lệ mắc cũng như tăng cường miễn dịch trong cộng đồng.

Có thể thấy, việc tiêm chủng sẽ nhằm mục đích từ việc giảm tử vong, giảm tỷ lệ mắc bệnh rồi mới đến “thanh toán” bệnh. Để đạt được điều này cần phụ thuộc vào đáp ứng của chính bản thân em bé tạo miễn dịch cá nhân. Đặc biệt, khi đạt đến miễn dịch cộng đồng đủ thì bé mới có thể không mắc bệnh. Nếu cha mẹ thấy con đã được tiêm vacxin đầy đủ nhưng vẫn mắc bệnh là do cơ thể của bé chưa tạo đủ kháng thể để chống đỡ lại vi khuẩn.

lịch tiêm vacxin cho bé

Cha mẹ không chủ quan kể cả khi trẻ tiêm chủng đầy đủ

2. Vì sao tiêm chủng cho bé đủ liều vẫn có nguy cơ mắc bệnh?

2.1. Hiệu quả của tiêm chủng cho bé

Vacxin được đánh giá có hiệu quả bảo vệ cao hơn bất kỳ biện pháp phòng bệnh khác. Ví dụ như tiêm chủng cho bé đầy đủ vacxin sởi – quai bị – rubella thì có tới 99% bé được bảo vệ khỏi 3 căn bệnh truyền nhiễm này. Tuy nhiên, vẫn còn 1% trường hợp không tạo được đáp ứng miễn dịch với một loại vacxin cụ thể. Khi cơ thể không tạo ra được đáp ứng miễn dịch thì sau này bé vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

2.2. Khả năng bảo vệ dài hạn của vacxin khi tiêm chủng cho bé

Vacxin được nghiên cứu và có khả năng bảo vệ tốt trong nhiều năm chứ không phải vĩnh viễn. Mức độ bảo vệ sẽ giảm tùy trường hợp:

– Giảm tự nhiên theo thời gian.

– Giảm do tình trạng sức khỏe của bé thay đổi.

– Giảm do dùng thuốc điều trị bệnh nào đó.

Khi hiệu quả vacxin giảm, không còn đạt khả năng cao như ban đầu thì hoàn toàn dẫn tới khả năng mắc bệnh trong tương lai. Do đó, tùy vào từng loại vacxin mà bé cần được tiêm nhắc lại theo lịch.

tiêm chủng cho bé

Cha mẹ cần nhớ lịch tiêm nhắc lại của từng loại vacxin để duy trì khả năng bảo vệ hiệu quả

2.3. Người có nguy cơ cao

Trẻ em được xếp vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, mục đích của tiêm chủng chính là bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Do đó, bé dưới 1 tuổi rất cần được tiêm phòng đầy đủ các vacxin thiết yếu. Trong quá trình lớn lên, ở mỗi độ tuổi cũng cần chích ngừa thêm một vài loại vacxin phòng bệnh khác được khuyến cáo. Nếu không tiêm chủng đầy đủ liều cơ bản và liều nhắc lại thì bé vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

2.4. Sự thay đổi và tiến hóa bệnh

Để vacxin có tác dụng, chủng vi khuẩn và virus trong vacxin cần phải giống với chủng gây bệnh đang lưu hành. Chẳng hạn như virus cúm A biến đổi và tiến hóa nhanh theo thời gian và tác động đến hiệu quả của vacxin.

Chính vì thế, riêng với bệnh cúm thì cha mẹ không được quên lịch tiêm nhắc lại cho bé. Bởi dù bé đã tiêm đủ liều cơ bản nhưng sau 1 năm thì nồng độ kháng thể giảm dần, hiệu quả bảo vệ lúc này không còn cao. Hơn nữa, mỗi năm vacxin phòng cúm luôn được cập nhật để phù hợp với chủng virus hiện tại. Vì vậy, tiêm chủng hàng năm giúp duy trì khả năng bảo vệ của vacxin. Trong trường hợp cha mẹ quên lịch tiêm chủng cho bé thì có nguy cơ phơi nhiễm rất cao.

2.5. Đạt miễn dịch cộng đồng

Khi cộng đồng có tỷ lệ được tiêm chủng cao (đạt trên 80%) thì rất khó để bệnh truyền nhiễm hoành hành. Vì lúc này ai cũng đều có “lá chắn” vacxin cho mình, không có nhiều người bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nếu chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thì rất nhiều bệnh truyền nhiễm do người bị nhiễm bệnh chưa được tiêm chủng cứ thế truyền cho người khác.

Ví dụ, với bệnh sởi, chủ động tiêm vacxin phòng bệnh ở mũi đầu tiên có thể bảo vệ 9/10 bé. Tiêm mũi thứ 2 bảo vệ được 9/10 bé không tạo được đáp ứng miễn dịch từ mũi đầu tiên. Vì vậy, có tổng cộng 99 trong 100 bé được bảo vệ trước sởi nhờ 2 mũi tiêm, trong số đó vẫn có 1/100 bé không được bảo vệ trước sởi. Nếu có 95/100 trường hợp được bảo vệ nhờ vacxin thì đứa trẻ thuộc trường hợp 1/100 sẽ được bảo vệ nhờ miễn dịch cộng đồng.

bé tiêm xong có sốt không

Nếu không đạt được miễn dịch cộng đồng thì bé vẫn có nguy cơ mắc bệnh

3. Nâng cao hiệu quả phòng bệnh với các biện pháp khác

Ngoài tiêm chủng cho bé đầy đủ, cha mẹ cũng cần kết hợp với các biện pháp phòng ngừa từ bên ngoài khác bao gồm:

– Vệ sinh và giữ gìn môi trường sống, khu vực vui chơi của bé sạch sẽ.

– Lựa chọn và chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh.

– Tắm, lau người cho bé thường xuyên, lau khô sau mỗi lần tắm.

– Tạo cho bé thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi đi chơi về.

– Hạn chế đưa bé đến khu vực đông người, đến nơi có yếu tố dịch bệnh lây nhiễm cao.

Có thể thấy, việc tiêm chủng cho bé nếu thực hiện từ sớm sẽ có hiệu quả phòng bệnh rất cao, tới 95%. Nhưng không hoàn toàn chắc chắn bé không bị nhiễm bệnh kể cả khi đã tiêm vacxin đầy đủ. Do đó, cha mẹ cần có sự kết hợp với các biện pháp phòng bệnh thụ động và chủ động để các bệnh truyền nhiễm không có khả năng tấn công, lây nhiễm ở bé. Nhờ vậy, bé sẽ có điều kiện phát triển và lớn lên một cách toàn diện, khỏe mạnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital