Làm thế nào để giúp lợi khuẩn trong âm đạo phát triển?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Lợi khuẩn âm đạo được biết đến với vai trò bảo vệ âm đạo. Tuy nhiên, nhiều chị em phụ nữ vẫn còn chưa hiểu rõ về hoạt động của chúng. Trong bài viết này, Thu Cúc TCI sẽ giúp chị em hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chúng đối với âm đạo cũng như bảo vệ sự phát triển các vi khuẩn có lợi này như thế nào nhé!

1. Lợi khuẩn đóng vai trò như thế nào trong môi trường âm đạo?

1.1 Lợi khuẩn âm đạo là gì?

Lợi khuẩn âm đạo là những vi khuẩn có lợi sống trong âm đạo của phụ nữ. Chúng bao gồm chủ yếu là lactobacillus, một loại vi khuẩn có khả năng sản xuất acid lactic giúp giữ cho môi trường âm đạo luôn axit, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, lactobacillus cũng giúp cân bằng độ ẩm và pH của âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh sản.

1.2 Tầm quan trọng của vi khuẩn có lợi trong âm đạo

Môi trường âm đạo luôn tồn tại hàng trăm loại vi khuẩn chung sống với nhau, vì là môi trường nhạy cảm nên rất dễ bị tác động bởi các vi khuẩn, nấm… gây ra các bệnh viêm nhiễm. Điều này đòi hỏi thế cân bằng giữa hai phe lợi khuẩn và hại khuẩn, nhằm duy trì độ pH vùng kín luôn ở mức sinh lý, ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn và nấm ngoại lai gây bệnh. Cụ thể, các vi khuẩn có lợi đóng vai trò:

Tầm quan trọng của lợi khuẩn âm đạo

Các vi khuẩn có lợi trong âm đạo đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kiểm soát vi khuẩn gây bệnh

– Giữ cho môi trường âm đạo cân bằng: Chúng giúp giữ cho môi trường trong âm đạo ở mức độ axit pH thích hợp. Nếu sự cân bằng vi sinh trong âm đạo bị phá vỡ, các vi khuẩn có hại có thể phát triển và gây nhiễm trùng. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như vô sinh, tiền mãn kinh và nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm.

– Ngăn ngừa nhiễm trùng âm đạo: Vi khuẩn có lợi giúp ngăn ngừa sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh và nấm trong âm đạo, giảm nguy cơ nhiễm trùng và các vấn đề khác.

– Hỗ trợ hệ miễn dịch: Vi khuẩn có lợi trong âm đạo có khả năng sản sinh ra các tế bào miễn dịch để tăng cường khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung và nhiễm trùng đường tiết niệu.

– Giảm triệu chứng viêm âm đạo: Các bệnh viêm nhiễm phụ khoa còn khiến cho chị em gặp nhiều phiền toái và khó chịu, các triệu chứng đi kèm như: mùi hôi, dịch tiết bất thường, ngứa, khô rát và khí hư làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của chị em. Vi khuẩn có lợi trong âm đạo giúp giảm triệu chứng này rất hiệu quả.

– Giảm nguy cơ nhiễm trùng sau khi sinh: Lợi khuẩn cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng cho phụ nữ sau khi sinh, đặc biệt là trong quá trình hồi phục sau sinh.

Ngoài ra, chúng còn có khả năng cải thiện chất lượng tinh trùng, giúp tăng khả năng thụ thai cho phụ nữ và cải thiện sức khỏe sinh sản.

2. Làm thế nào để giúp lợi khuẩn trong âm đạo phát triển

2.1 Cơ chế hoạt động của lợi khuẩn có trong âm đạo

Các lợi khuẩn có khả năng sinh tồn và phát triển trong môi trường acid (pH thấp), tạo ra các chất kháng khuẩn và chiếm chỗ các vi khuẩn gây hại. Phổ biến với các lợi khuẩn:

Cơ chế hoạt động của lợi khuẩn âm đạo

Các hoạt động của lợi khuẩn nhằm thiết lập lại trạng thái cân bằng cho hệ vi sinh âm đạo.

– Lactobacillus crispatus: Là loại vi khuẩn phổ biến nhất trong âm đạo của phụ nữ khỏe mạnh. Lactobacillus crispatus giúp tạo ra axit lactic, tạo ra môi trường acid trong âm đạo, ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn gây hại.

– Lactobacillus jensenii: Cũng giống như Lactobacillus crispatus, Lactobacillus jensenii có khả năng tạo ra axit lactic, giúp duy trì môi trường acid trong âm đạo.

– Lactobacillus iners: Là loại lợi khuẩn giúp tạo ra axit lactic và có khả năng kháng khuẩn.

Chúng hoạt động theo cơ chế:

– Tạo dựng môi trường acid: Các vi khuẩn có lợi như Lactobacillus crispatus, Lactobacillus jensenii tạo ra axit lactic, giúp tạo môi trường acid bên trong âm đạo, ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại.

– Tạo chất kháng khuẩn: Các lợi khuẩn như Lactobacillus iners có khả năng tạo ra các chất kháng khuẩn để ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn có hại

– Chiếm chỗ: Các lợi khuẩn chiếm chỗ các vi khuẩn gây hại bằng cách tạo ra một môi trường cạnh tranh cho sự tồn tại và phát triển.

2.1 Bảo vệ và phát triển lợi khuẩn âm đạo

Để duy trì và bảo vệ lợi khuẩn trong âm đạo, chị em nên:

– Lựa chọn các sản phẩm vệ sinh vùng kín phù hợp và không gây kích ứng. Điều này sẽ giúp duy trì môi trường âm đạo ở trạng thái cân bằng và không gây bất lợi cho lợi khuẩn. Chị em cần sử dụng các sản phẩm không chứa hóa chất độc hại hoặc cồn, không chứa hương thơm quá mạnh và không gây kích ứng cho da.

– Không thụt rửa âm đạo và sử dụng các sản phẩm làm sạch quá mức: Việc thụt rửa âm đạo sẽ tác động đến sự cân bằng hệ vi khuẩn tự nhiên và tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh tấn công. Sử dụng quá nhiều sản phẩm làm sạch âm đạo có thể gây khô và kích ứng.

Bảo vệ lợi khuẩn âm đạo

Khám phụ khoa định kỳ và tham khảo ý kiến của chuyên gia

– Hạn chế sử dụng kháng sinh khi không cần thiết: Ở nước ta, trung bình cứ 10 chị em phụ nữ ở độ tuổi sinh sản thì có đến 9 chị em bị viêm nhiễm phụ khoa. Quá trình điều trị phụ khoa luôn có sự tồn tại của thuốc kháng sinh, đây được xem là “dao 2 lưỡi” bởi vừa giúp chị em dứt điểm tình trạng viêm nhiễm nhưng cũng đồng thời tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi trong hệ vi sinh âm đạo, có thể dẫn đến nguy cơ bị “loạn khuẩn” khiến nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần. Do đó, chị em nên hạn chế sử dụng kháng sinh nếu không cần thiết và tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ khi sử dụng kháng sinh.

– Duy trì chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng đến vi sinh vật trong cơ thể, bao gồm cả vi khuẩn trong âm đạo, vì vậy chị em nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước và hạn chế ăn đồ ngọt, dầu mỡ, rượu bia.

– Xây dựng đời sống tình dục lành mạnh và ưu tiên sử dụng các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn các tác động xấu cũng như hạn chế sự lây nhiễm. Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tập thể dục thường xuyên, tránh stress và đủ giấc ngủ.

Ngoài ra, hiện nay chị em có thể tăng cường vi khuẩn có lợi bằng việc sử dụng các viên đặt lợi khuẩn, chủ động bổ sung một lượng Lactobacillus acidophilus, điều này giúp chị em bảo vệ vùng kín khỏe mạnh và hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn âm đạo theo cơ chế tự nhiên, an toàn và hiệu quả.

Để chủ động chăm sóc tốt vùng kín, chị em nên định kỳ thăm khám phụ khoa. Chị em sẽ được các bác sĩ sẽ tư vấn về tình trạng sức khỏe cụ thể, hướng dẫn cách chăm sóc cũng như sớm phát hiện các vấn đề bất thường. Hy vọng với những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp cho chị em hiểu hơn về lợi khuẩn âm đạo, từ đó biết cách tạo điều kiện và bảo vệ các lợi khuẩn, chăm sóc tốt vùng kín của mình. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, chị em vui lòng liên hệ cho Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhanh chóng nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital