MRI khớp gối là phương pháp chẩn đoán cung cấp hình ảnh chi tiết của các cấu trúc trong khớp gối bao gồm sụn, xương, gân, dây chằng, cơ, mạch máu… Phương pháp này thường được sử dụng để chẩn đoán hoặc đánh giá tình trạng đau, yếu, phù nề hoặc chảy máu trong và quanh khớp do chấn thương hoặc bệnh lý. Vậy kỹ thuật chụp MRI khớp gối được thực hiện như thế nào?
Menu xem nhanh:
1. Chụp MRI khớp gối được chỉ định trong những trường hợp nào?
Chụp MRI khớp gối là kỹ thuật hiện đại để chẩn đoán hoặc đánh giá trong các trường hợp:
– Có triệu chứng đau, yếu gối, sưng hoặc chảy máu các mô trong và xung quanh khớp gối
– Phá hủy sụn hyalin, sụn chêm, gân hoặc dây chằng
– Chẩn đoán các chấn thương gối liên quan đến thể thao như bong gân và rách dây chằng, sụn, gân,…
– Các trường hợp gãy xương không quan sát được trên X-quang và các phương pháp chẩn đoán khác
– Nghi ngờ viêm khớp, tràn dịch khớp gối, nhiễm trùng (như viêm tủy xương)
– Nghi ngờ khối u (gồm cả nguyên phát và di căn) liên quan đến xương và khớp
– Nghi ngờ xương chết
– Bệnh nhân có biểu hiện giảm biên độ gập, duỗi khớp gối
– Các biến chứng sau phẫu thuật cấy ghép
– Các trường hợp đau hoặc chấn thương sau phẫu thuật khớp gối
Chụp MRI có thể được các bác sĩ dùng để xác định xem có cần phải nội soi khớp gối hoặc cần một phẫu thuật khác hay không, góp phần đắc lực theo dõi quá trình sau phẫu thuật khớp gối.
2. Quá trình thực hiện kỹ thuật chụp MRI khớp gối
2.1 Trước khi chụp MRI khớp gối
Trước khi chụp MRI khớp gối, bạn sẽ được kiểm tra tình trạng sức khỏe cơ bản, các chống chỉ định để đánh giá khả năng thực hiện phương pháp này. Hãy nói với bác sĩ nếu:
– Bạn đang mang trong cơ thể các vật liệu kim loại như cấy ốc tai, clip sử dụng cho phình động mạch não, coil kim loại đặt trong các mạch máu, máy khử rung tim, máy tạo nhịp tim…; các mảnh đạn, viên đạn hoặc kim loại khác; các vật thể lạ ở gần hoặc trong mắt. Trám răng, niềng răng và các loại mỹ phẩm thường không bị ảnh hưởng bởi từ trường. Nhưng chúng có thể làm biến dạng hình ảnh thu được của vùng mặt hoặc não dẫn đến kết quả không chính xác.
– Bạn đang mang thai trong ba tháng đầu: để bác sĩ cân nhắc chỉ định chụp MRI hoặc tiêm thuốc chất tương phản từ cho bạn.
– Khi có chỉ định tiêm chất tương phản từ, hãy nói với bác sĩ nếu bạn đã phẫu thuật gần đây, bị hen suyễn hoặc có dị ứng với chất tương phản như iốt, thuốc, thực phẩm hoặc môi trường. Nếu mắc bệnh thận, bạn có thể cần xét nghiệm chức năng thận để xác định xem thận của bạn có hoạt động bình thường không, có bị ảnh hưởng nếu thực hiện chụp chiếu không. Đồng thời, bạn có thể được dùng loại thuốc chất tương phản từ đặc biệt an toàn với các bệnh nhân mắc bệnh thận.
Cần làm gì nếu đủ điều kiện chụp MRI?
– Bạn cần bỏ tất cả các thiết bị điện tử và đồ trang sức có kim loại khác ra trước khi vào phòng chụp vì chúng có thể bị hỏng hoặc gây ảnh hưởng đến hoạt động của máy chụp MRI. Các đồ kim loại và điện tử này bao gồm: vòng tay, dây chuyền, đồng hồ, thẻ tín dụng, máy trợ thính, ghim, kẹp tóc, răng giả có thể tháo lắp, bút, dao bỏ túi, kính mắt, các loại khuyên trên cơ thể, điện thoại di động, đồng hồ điện tử…
– Mặc áo choàng của bệnh viện nếu cần thiết.
– Bạn sẽ được bác sỹ và nhân viên y tế hướng dẫn cụ thể về việc ăn uống trước khi chụp MRI.
– Nếu người chụp là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì thường có chỉ định tiêm thuốc an thần hoặc gây mê để giữ trẻ nằm yên trong suốt quá trình chụp MRI.
2.2 Các thao tác khi thực hiện kỹ thuật chụp MRI khớp gối
– Bạn sẽ được hướng dẫn nằm đúng vị trí và tư thế trên bàn chụp. Trong một số trường hợp, các kỹ thuật viên có thể sử dụng dây đeo và vòng đệm để cố định vị trí của bạn, giúp bạn nằm yên trong suốt quá trình chụp.
– Trong trường hợp cần dùng chất tương phản từ, kỹ thuật viên của phòng chụp sẽ đặt ống thông tĩnh mạch vào tĩnh mạch ở cánh tay của bạn.
– Khớp gối của bạn được di chuyển đến khoang tròn có đặt thiết bị gửi và nhận xung tần số sóng radio để thu nhận tín hiệu tạo ra hình ảnh.
– Trong quá trình chụp (khoảng 30-40 phút), kỹ thuật viên sẽ điều khiển và thao tác với một máy tính bên ngoài phòng MRI.
2.3 Sau khi thực hiện kỹ thuật chụp MRI khớp gối
– Khi quá trình chụp hoàn tất, bạn có thể được yêu cầu đợi để kiểm tra xem các hình ảnh chụp xem có đạt yêu cầu không.
– Kết thúc quá trình chụp, đường truyền tĩnh mạch (trong trường hợp sử dụng thuốc cản quang) sẽ được rút ra.
– Đối với trẻ em có sử dụng thuốc an thần, gây mê có thể cần phải ở lại sau chụp MRI để được theo dõi cho đến khi thuốc an thần hết hiệu lực.
3. Một số lưu ý khi chụp MRI khớp gối
Hầu hết bệnh nhân chụp MRI đều không cảm thấy đau. Tuy nhiên có một vài bệnh nhân khó chịu bởi:
– Cảm thấy ngột ngạt khi ở trong máy quét MRI, đặc biệt là những người mắc hội chứng buồng kín – clautrophobic.
– Tiếng ồn khi máy MRI phát xung. Để khắc phục tình trạng này, bệnh nhân có thể được cung cấp nút tai hoặc tai nghe để giảm cường độ âm thanh do máy MRI tạo ra. Hiện nay, các máy MRI công nghệ cao đã có cơ chế giảm tiếng ồn tối đa, đem lại cảm giác dễ chịu cho người bệnh.
– Nếu có tiêm chất chất tương phản từ ở tĩnh mạch, bạn thường cảm thấy nóng bừng trong một hoặc hai phút sau khi tiêm nhưng hãy cố gắng nằm yên, cảm giác này sẽ nhanh chóng chấm dứt.
– Một số bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ từ chất tương phản từ có thể cảm thấy buồn nôn và đau khu trú. Một số bị dị ứng với chất tương phản từ và bị nổi mề đay, ngứa mắt hoặc các phản ứng dị ứng khác. Nếu bạn gặp các triệu chứng trên, hãy liên hệ với nhân viên y tế để được xử trí ngay lập tức.
Như vậy, kỹ thuật chụp MRI khớp gối rất đơn giản và được thực hiện nhanh chóng nếu bạn tuân thủ các hướng dẫn và phối hợp với các bác sĩ và kỹ thuật viên. Hãy sáng suốt lựa chọn những cơ sở chụp MRI uy tín để được chụp chiếu bằng các loại máy móc hiện đại và đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp nhất.