Khám tuyến giáp có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tuyến giáp như suy giáp, cường giáp, bướu cổ, ung thư tuyến giáp… Nhưng trước khi khám nội tiết tuyến giáp có cần nhịn ăn không là thắc mắc của rất nhiều người bệnh. Hãy tìm hiểu quy trình khám tuyến giáp để cùng giải đáp điều này.
Menu xem nhanh:
1. Khi đi khám tuyến giáp có cần nhịn ăn không?
1.1 Khám tuyến giáp gồm những gì?
Cũng như tất cả các quy trình thăm khám khác, khám tuyến giáp bao gồm khám lâm sàng và khám cận lâm sàng.
Khám lâm sàng sẽ giúp các bác sĩ khai thác được triệu chứng, bệnh sử của bệnh nhân. Từ đó đưa ra những chỉ định phù hợp giúp tìm ra bệnh.
Trong khi khám cận lâm sàng, bạn sẽ được làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra hoạt động và chức năng của tuyến giáp bao gồm:
– Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này nhằm xác định nồng độ các hormone liên quan đến tuyến giáp trong máu. Từ đó đưa ra kết luận tuyến giáp của bạn có hoạt động quá mức hay không.
– Siêu âm tuyến giáp: Là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn để tìm ra căn nguyên các bệnh lí về tuyến giáp.
– Sinh thiết tuyến giáp: bằng phương pháp chọc hút tế bào kim nhỏ tuyến giáp, có thể kiểm tra xem có sự tồn tại của tế bào ác tính ở tuyến giáp hay không.
1.2 Trước khi đi khám tuyến giáp có cần nhịn ăn không?
Các hạng mục khám cận lâm sàng được chỉ định sẽ quyết định bạn có cần nhịn ăn hay không.
Cụ thể:
– Đối với các xét nghiệm máu, sinh thiết, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhịn ăn từ 8 – 10 giờ trước khi lấy mẫu máu. Bệnh nhân sẽ được nhắc điều này khi có chỉ định làm xét nghiệm tuyến giáp. Bởi việc ăn uống sẽ khiến nồng độ các chất trong máu hoặc trong tế bào bị thay đổi, có thể khiến kết quả không chính xác.
– Đối với kỹ thuật siêu âm, bệnh nhân không cần nhịn ăn hay chuẩn bị gì trước khi siêu âm vì việc ăn uống không làm ảnh hưởng đến kết quả siêu âm tuyến giáp. Có một lưu ý nhỏ, đó là bệnh nhân nên mặc áo có cổ rộng để các thao tác ở vùng cổ được thực hiện dễ dàng.
Tuy nhiên, nhìn chung, bệnh nhân vẫn nên nhịn ăn nếu có lịch khám tuyến giáp, vì thông thường xét nghiệm máu là một kỹ thuật quan trọng sẽ được chỉ định trong hầu hết các buổi khám tuyến giáp. Bạn nên đặt lịch trước khi đi khám để được hướng dẫn chi tiết đối với trường hợp cụ thể.
2. Các xét nghiệm cần thực hiện khi khám nội tiết tuyến giáp
Tùy thuộc vào các triệu chứng cụ thể trong khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm tuyến giáp nào. Các xét nghiệm tuyến giáp cần làm thường bao gồm:
2.1 Xét nghiệm TSH
TSH là hormone tuyến yên có tác dụng kích thích hormone tuyến giáp. Khi lượng hormone tuyến giáp vượt ngưỡng bình thường thì cơ chế điều hòa làm giảm TSH. Bởi vậy, xét nghiệm TSH là bắt buộc nhằm kiểm tra hoạt động của tuyến giáp.
2.2 Xét nghiệm Thyroxine (T4)
Xét nghiệm T4 toàn phần giúp đo lường toàn bộ lượng thyroxin có trong máu. Đồng thời, xét nghiệm này giúp đánh giá chức năng, hoạt động của tuyến giáp có bình thường hay không. T4 trong máu tồn tại dưới 2 thể: thể liên kết với protein và thể tự do (FT4) .
Việc đo lường T4 toàn phần chịu tác động bởi lượng protein trong máu. Đó là một trong những nguyên nhân bạn phải nhịn ăn khi thực hiện xét nghiệm này.
2.3 Xét nghiệm Triiodothyronine (T3)
Triiodothyronine là một loại hormone giáp tồn tại ở dạng hoạt động. Nó được tạo ra từ T4. Xét nghiệm T3 toàn phần được thực hiện nhằm mục đích đo lường được số lượng Triiodothyronine sản sinh, hoạt động và lưu hành trong máu. Tương tự T4, T3 cũng có cả thể tự do là FT3.
2.4 Xét nghiệm Thyroid peroxidase (TPOAb)
Thyroid peroxidase là một loại kháng thể được các tế bào cơ thể sản sinh ra. Nó có thể tấn công các tế bào khỏe mạnh một cách không thể kiểm soát được. Vì vậy việc xác định xem có loại kháng thể này tồn tại trong máu hay không là một căn cứ quan trọng để phát hiện bệnh. Nếu như phát hiện kháng thể này thì có nghĩa bạn đã mắc phải những chứng bệnh tuyến giáp tự miễn.
2.5 Xét nghiệm Thyroglobulin (TG)
Thyroglobulin là một loại protein do tuyến giáp sản xuất. Nếu như phát hiện có TG thì chứng tỏ là có những dấu hiệu tiền ung thư.
3. Kết quả xét nghiệm tuyến giáp cho thấy điều gì?
3.1 Các chỉ số tuyến giáp bao nhiêu là bình thường
– Chỉ số TSH trong khoảng 0.27 – 4.20 uU/mL;
– Chỉ số T4 ở mức 66 – 181 nmol/L; FT4 ở mức 12 – 22 pmol/L;
– Chỉ số T3 ở mức 1.3 – 3.1 nmol/L; FT3 ở mức 3.1 – 6.8 pmol/L.
3.2 Khi nào tuyến giáp bất thường?
– Chỉ số TSH tăng và FT4 giảm: bạn có nguy cơ bị suy tuyến giáp và có thể dẫn đến viêm tuyến giáp.
– Chỉ số TSH và FT4 thấp hơn mức bình thường: đây là biểu hiện của tình trạng suy tuyến giáp thứ phát.
– Chỉ số TSH thấp nhưng chỉ số T3, FT3 tăng: đây là biểu hiện của bệnh nhân bị cường giáp.
– Chỉ số TSH tăng nhẹ nhưng FT4 vẫn nằm trong giới hạn bình thường thì có thể là dấu hiệu suy giáp cận lâm sàng.
4. Những lưu ý khác khi đi khám nội tiết tuyến giáp
– Hãy cố gắng cung cấp một cách chi tiết nhất liên quan đến các bệnh tình của bạn: các triệu chứng, thói quen sinh hoạt, ăn uống, mức độ sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích khác, đặc biệt là các loại thuốc bạn đang dùng.
– Nếu bạn đã lỡ ăn trước khi làm xét nghiệm, hãy thông báo với bác sĩ hoặc kỹ thuật viên để có hướng xử lý.
– Cố gắng tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ và nhân viên y tế trong qua trình thăm khám.
Đến đây chắc hẳn bạn đã biết khi khám nội tiết tuyến giáp có cần nhịn ăn không và tại sao lại như vậy. Trước khi khám tuyến giáp, bạn nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín và thực hiện đúng hướng dẫn để quá trình thăm khám diễn ra thuận lợi và đạt kết quả tốt nhất.