Khám sức khỏe trước khi mang thai sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và thuận lợi. Nhưng nhiều người vẫn còn chưa hiểu rõ về dịch vụ này và bài viết dưới đây sẽ cung cấp tới bạn những thông tin khái quát nhất về việc kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu đúng về kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai
Ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 41.000 trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh, chiếm 1,5-2% trẻ mới sinh. Điều này gây ảnh hưởng xấu tới kinh tế và hạnh phúc của mỗi gia đình nói riêng cũng như sự phát triển của xã hội nói chung. Vì vậy, việc tư vấn, kiểm tra sức khỏe cho những cặp vợ chồng có kế hoạch mang thai an toàn nlà rất cần thiết nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
1.1. Lợi ích của khám sức khỏe trước khi mang thai
Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai còn được gọi là khám tiền sản/khám sức khỏe sinh sản với mục tiêu chính là kiểm tra khả năng sinh sản và sức khỏe của các cặp vợ chồng. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ thực hiện tư vấn để tăng cơ hội thụ thai, đảm bảo sức khỏe của hai vợ chồng và em bé trong tương lai.
Là người trực tiếp mang thai, người phụ nữ khi kiểm tra sức khỏe thai sản có thể phát hiện tình trạng bất thường, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé. Nếu gia đình của người mẹ có người mắc bệnh lý đặc biệt thì cần tiến hành kiểm tra để xác định yếu tố di truyền. Đặc biệt, với những người đã từng sảy thai hoặc gặp vấn đề trong thai kỳ như thai lưu, sinh non, em bé dị tật bẩm sinh thì người mẹ nhất định phải kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai.
Bên cạnh vai trò của người phụ nữ, người chồng cũng cần chủ động tiến hành khám sức khỏe sinh sản. Bởi nếu không biết được tình trạng của bản thân, người chồng không thể lường trước các rủi ro như: vô sinh, mắc bệnh truyền nhiễm, con sinh ra bị dị tật… Khi đó, tình cảm vợ chồng có thể bị sứt mẻ và cả hai có thể phải chịu tác động xấu từ phía gia đình. Vì thế, việc nam giới khám sức khỏe sinh sản là hoàn toàn cần thiết đồng thời cũng là cách thể hiện trách nhiệm với bản thân, với bạn đời.
1.2. Thời điểm nên khám sức khỏe trước khi mang thai
Với các cặp vợ chồng đăng dự định mang thai thì việc thăm khám nên được thực hiện trước ít nhất là 6 tháng. Điều này sẽ giúp các cặp vợ chồng có thời gian chuẩn bị và điều trị tốt nhất trong trường hợp phát hiện ra các bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình mang thai và sinh con sau này. Ngoài ra, việc khám sức khoẻ trước khi mang thai cũng sẽ giúp các cặp vợ chồng được tư vấn cách mang thai an toàn và bồi dưỡng sức khoẻ để có 1 thai kỳ khoẻ mạnh nhất.
2. Các danh mục kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai
Với các danh mục khám sức khỏe trước khi mang thai, các cặp vợ chồng sẽ được trải nghiệm các danh mục khám tổng quát, xét nghiệm sàng lọc bệnh lý và tư vấn tiêm phòng trước khi mang thai. Cụ thể những nội dung khám sức khỏe trước khi mang thai bao gồm:
2.1. Khám tổng quát
Danh mục khám tổng quát sẽ cho người khám biết về tình hình thể chất của bản thân. Nhìn chung danh mục khám tổng quát khi kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai không khác biệt so với các hình thức khám sức khỏe thông thường. Tuy nhiên, có một số danh mục bạn cần đặc biệt lưu ý:
- Khám phụ khoa: Đây là một trong những hoạt động thăm khám quan trọng mà bạn không nên bỏ qua khi có kế hoạch mang thai, nhất là người phụ nữ. Khám phụ khoa giúp phát hiện các các vấn đề viêm nhiễm cơ quan sinh dục, phát hiện bệnh lý về cổ tử cung ở người phụ nữ…
- Siêu âm ổ bụng, tuyến giáp: Danh mục này nhằm kiểm tra các bất thường của cơ quan gan, thận, lá lách, tụy, đặc biệt là tử cung và buồng trứng đối với nữ giới.
- Khám nha khoa: Nhiều người cho rằng việc mang thai không liên quan tới sức khỏe răng miệng nên khám nha khoa là không cần thiết. Tuy nhiên với người mẹ, những thay đổi trong thai kỳ sẽ làm bạn dễ sâu răng và mắc các bệnh nha chu. Do đó, phụ nữ nên quan tâm tới vấn đề sức khỏe răng miệng từ trước và trong suốt quá trình mang thai.
- Điện tâm đồ: Danh mục này giúp phát hiện các bệnh lý tim mạch tiềm tàng, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé trong quá trình mang thai.
2.2. Xét nghiệm sàng lọc
Các xét nghiệm chuyên sâu giúp phát hiện các yếu tố di truyền có ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này sẽ cho bạn biết thông tin nhóm máu, những bất thường của tế bào máu, khả năng mắc các bệnh thiếu máu, thiếu hồng cầu, bạch cầu… để có hướng điều trị kịp thời. Ngoài ra, xét nghiệm hóa sinh máu còn giúp đánh giá chức năng gan, thận, tình trạng đường huyết…
- Xét nghiệm phát hiện tình trạng nhiễm một số loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng: Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn thực hiện các xét nghiệm đánh giá tình trạng miễn dịch với một số loại virus, vi khuẩn có khả năng gây dị tật cho thai nhi như ký sinh trùng Toxoplasmosis, virus Rubella, vi khuẩn giang mai…
- Xét nghiệm nước tiểu: Kết quả xét nghiệm cho bạn biết khả năng mắc các bệnh viêm nhiễm, đặc biệt là tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu.
- Xét nghiệm đối với cơ quan sinh sản: Đối với nữ giới, bác sĩ sẽ chỉ định soi tươi dịch âm đạo, kiểm tra hormone sinh dục. Nam giới sẽ thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm dịch niệu đạo, nội tiết tố sinh dục…
2.3. Tiêm phòng trước khi mang thai
Đây là danh mục nữ giới cần hoàn thành trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng để vaccine không ảnh hưởng đến thai nhi và cơ thể người mẹ đã sản sinh ra kháng thể chống lại bệnh. Các mũi tiêm phòng phổ biến cho nữ giới bao gồm tiêm phòng cúm, sởi – rubella, thủy đậu, viêm gan B, uốn ván, HPV…
3. Khám sức khỏe trước khi mang thai cần chuẩn bị những gì?
Việc đi khám tiền sản là việc làm tự nhiên nên bạn không nên quá căng thẳng, hãy giữ tâm lý thoải mái khi khám sức khỏe sinh sản. Dưới đây là một số lưu ý mà bạn cần ghi nhớ để có thể tiến hành thăm khám thuận lợi và nhận kết quả chính xác nhất:
- Mang theo phiếu tiêm chủng ghi rõ các mũi tiêm dự phòng mà bạn đã thực hiện.
- Chuẩn bị giấy chứng nhận kết quả khám sức khỏe gần nhất: Người đã tham gia khám sức khỏe (khám định kỳ tại doanh nghiệp, khám sức khỏe cá nhân, tầm soát ung thư) có thể mang theo kết quả để bác sĩ chẩn đoán nhanh chóng và dễ dàng.
- Ghi lại tiền sử bệnh lý của bản thân: Cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe trong quá khứ như đã từng phẫu thuật bệnh gì, các vấn đề trong những lần mang thai trước đó, tiền sử dị ứng thuốc, đang điều trị bệnh lý nào…
- Cần cung cấp thêm thông tin về các bệnh lý di truyền trong gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột).
- Báo với bác sĩ về môi trường làm việc hay sinh hoạt có tiếp xúc với hóa chất gì độc hại nào.
- Tiền sử chu kỳ kinh nguyệt đối với người phụ nữ.
- Thói quen ăn uống, sinh hoạt, thể thao… đối với người chồng.
Hiện tại các cơ sở y tế có phân khoa Sản phụ khoa đều có thể thực hiện dịch vụ khám sức khỏe tiền sản. Tuy nhiên, các bạn nên cẩn trọng và lựa chọn địa chỉ uy tín để quá trình thăm khám được diễn ra thuận lợi nhất.