Hội chứng ruột kích thích ở trẻ em (hay còn gọi tắt là IBS – Irritable Bowel Syndrome). Đây là một rối loạn chức năng đường tiêu hóa, chiếm tỷ lệ cao trong nhóm bệnh lý đại tràng và hậu môn. Trẻ em có thể bị hội chứng ruột kích thích nhưng tỷ lệ thường ít hơn ở người lớn.
Menu xem nhanh:
1. Định nghĩa hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích là rối loạn chức năng của ống tiêu hóa, biểu hiện chủ yếu là triệu chứng của đại tràng, tái đi tái lại nhiều lần, không tìm thấy tổn thương về giải phẫu, tổ chức học, sinh hóa ở ruột.
Theo một số nhận định từ các chuyên gia tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích có thể “bắt nguồn” do sự phối hợp các hoạt động chưa nhịp nhàng giữa hệ thống thần kinh trung ương, hệ thống thần kinh ruột và hệ thống mạng lưới thần kinh, gây ra một số rối loạn chức năng đường tiêu hóa và biểu hiện chủ yếu bằng các triệu chứng ở đại tràng.
2. Một số rối loạn xảy ra do hội chứng ruột kích thích
– Tăng tính nhạy cảm, hệ thống ruột dễ bị kích thích.
– Giảm khả năng chịu áp lực ở một số đoạn ruột.
– Tăng nhu động ruột gây tiêu chảy, giảm nhu động ruột gây táo bón.
3. Biểu hiện hội chứng ruột kích thích ở trẻ em
Các biểu hiện giống như trẻ bị rối loạn tiêu hóa: trào ngược dạ dày thực quản, chướng bụng khó tiêu, đầy tức bụng. Biểu hiện ở đại tràng như: táo bón, tiêu chảy.
Đặc biệt, là sự thay đổi đại tiện:
– Thay đổi hình dạng khuôn phân, thay đổi số lần đi đại tiện (số lần đi đại tiện không bình thường có thể >3 lần/ngày hoặc <3 lần/tuần).
– Phân lỏng, cứng, nhão.
– Phân nhầy, không có máu.
– Cảm giác đau, nặng tức bụng, đi không hết phân.
– Triệu chứng thường xuất hiện ngay sau khi trẻ ăn hoặc uống các đồ ăn/uống không thích hợp.
Ngoài các vấn đề về hệ tiêu hóa, trẻ mắc hội chứng ruột kích thích thường có các biểu hiện sau:
– Chán ăn, sụt cân
– Thiếu máu
– Rối loạn tâm lý (đau đầu, mất ngủ, lo lắng)
– Sốt (có thể hoặc không)
– Bạch cầu tăng
4. Chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý tiêu hóa khác
Hội chứng ruột kích thích thường không có các biểu hiện cụ thể. Các triệu chứng thường chung chung dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác như:
4.1. Triệu chứng tiêu chảy cũng thường gặp ở các bệnh lý khác như:
– Nhiễm trùng đường ruột;
– Dị ứng thức ăn;
– Thiếu men lactase;
– Hội chứng Crohn;
– Viêm loét đại trực tràng;
– U lympho ruột;
– Ung thư đại-trực tràng;
– Suy giảm miễn dịch.
4.2 Triệu chứng táo bón cũng thường hay gặp ở các bệnh lý khác như:
– Thoát vị;
– U đại tràng;
– Bệnh to giãn đại tràng;
– U tụy;
– Sỏi mật, viêm túi mật.
5. Điều trị hội chứng ruột kích thích ở trẻ em
Tùy thuộc vào mức độ nặng, nhẹ ở trẻ mà bác sĩ sẽ tư vấn hướng chăm sóc và điều trị cho con.
Có 3 mức độ như sau:
5.1. Nhẹ
– Các triệu chứng diễn ra không thường xuyên.
– Rối loạn tâm lý ít.
Điều trị: chưa cần sử dụng thuốc, chú ý thay đổi lối sống, tạo cho bé tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu, ăn kiêng, chọn loại thức ăn thích hợp.
5.2. Trung bình
– Triệu chứng diễn ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt của trẻ.
– Rối loạn tâm lý ở trẻ.
Điều trị: kết hợp dùng thuốc kiểm soát triệu chứng và thay đổi lối sống, sinh hoạt, chế độ ăn uống và tập thể dục, tạo tinh thần thoải mái cho con.
5.3. Nặng
– Đau bụng thường xuyên;
– Rối loạn tâm lý.
Điều trị: kết hợp dùng thuốc, các biện pháp như tình trạng trung bình và sử dụng thêm thuốc an thần hoặc thuốc tâm thần.
6. Phác đồ điều trị với hội chứng ruột kích thích
6.1. Xây dựng chế độ ăn phù hợp (đây là yếu tố rất quan trọng)
– Hạn chế ăn/uống các đồ khó tiêu, dễ sinh hơi, đồ ngọt, chất có gas, chất kích thích, …
– Không nên ăn những thức ăn để lâu ngày, bảo quản không tốt.
– Nên tăng cường ăn các thức ăn có nhiều chất xơ và vitamin như các loại rau xanh, trái cây,…
6.2. Chế độ tập luyện là rất cần thiết
– Cho trẻ đi bộ để tập thể dục, vận động hàng ngày.
– Xoa bụng con vào buổi sáng khi ngủ dậy để tạo cảm giác muốn đi đại tiện.
– Cho trẻ vui chơi để thoải mái tinh thần, tránh để bé lo lắng, căng thẳng, lo âu.
6.3. Sử dụng thuốc điều trị triệu chứng
Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị triệu chứng như:
– Thuốc chống đau, giảm co thắt
– Thuốc chống táo bón, tiêu chảy
– Thuốc chống sinh hơi
– Thuốc hỗ trợ thần kinh
Lưu ý: Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định và kê đơn từ bác sĩ, cha mẹ không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc.
7. Hội chứng ruột kích thích có gây ung thư không?
Hội chứng ruột kích thích ở trẻ hay người lớn thường lành tính không gây nguy hiểm đến tính mạng. Không làm thay đổi mô ruột hoặc tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Trẻ bị hội chứng này thường hay đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, gây nhiều phiền phức, cảm giác khó chịu, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của trẻ. Đây là một tình trạng mạn tính, phụ huynh cần kiên trì làm theo lời dặn của bác sĩ để kiểm soát dài hạn cho con.
8. Các yếu tố khiến hội chứng ruột kích thích dễ xảy ra
– Thực phẩm gây dị ứng, thực phẩm nhiều dầu mỡ, khó tiêu.
– Căng thẳng.
– Rối loạn nội tiết tố
– Các bệnh lý nhiễm trùng đường ruột, trào ngược dạ dày – thực quản.
– Trong gia đình có người mắc hội chứng ruột kích thích (yếu tố di truyền),…
– Hội chứng ruột kích thích còn có các tên gọi khác như viêm đại tràng co thắt, bệnh đại tràng thần kinh, co thắt đại tràng.
Khi có các biểu hiện bất thường về hệ tiêu hóa, phụ huynh nên cho trẻ đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa nhi tại các cơ sở y tế uy tín để con được chẩn đoán đúng, tư vấn cách điều trị và sử dụng thuốc phù hợp.