Điều trị viêm amidan cấp thường sử dụng các phương pháp nội khoa nhằm giải quyết triệu chứng và phù hợp với nguyên nhân bệnh. Trong trường hợp bệnh nặng, tái phát và biến chứng, việc cắt amidan là phương án cần cân nhắc với người bệnh. Cùng TCI tìm hiểu về bệnh lý này và hiểu hơn về cách điều trị đối với bệnh viêm amidan cấp.
Menu xem nhanh:
1. Viêm amidan cấp là gì?
Viêm amidan là bệnh lý phổ biến, dễ bắt gặp trong đời sống của chúng ta. Đây là bệnh lý tổn thương viêm nhiễm tại vị trí amidan cho các virus hoặc vi khuẩn gây nên. Do vị trí của amidan được ví như cửa ngõ với sức khỏe, là nơi giao thoa giữa đường ăn và đường thở, thường tiếp xúc với tác nhân và mầm mống nguy cơ bệnh, nên amidan rất dễ bị tấn công. Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng ở mọi độ tuổi, nhưng thường gặp nhất là đối với trẻ em.
Viêm amidan cấp tính là tình trạng viêm, sung huyết, xuất tiết của amidan khẩu cái với các triệu chứng không quá 2 tuần, thường thấy ở thời kỳ đầu của nhiều bệnh viêm nhiễm.
1.1. Nhận biết viêm amidan cấp
Viêm amidan cấp có những triệu chứng cơ bản giúp nhận biết bệnh như:
– Cảm giác gai lạnh và sốt
– Hội chứng nhiễm khuẩn, sưng đỏ vùng amidan
– Khô họng, nuốt đau
– Nói giọng mũi
– Lưỡi trắng
– Đau nhói lên tai
– Mệt mỏi
– Đau đầu
– Trẻ em thường bị kèm viêm VA, viêm mũi hoặc thở khò khè, ngủ ngáy
Với trẻ chưa biết nói, hoặc không biết diễn tả triệu chứng, cha mẹ nên chú ý các hành vi, tâm trạng, thói quen của trẻ để sớm điều trị cho bé. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý việc chẩn đoán và điều trị phù hợp. Nhiều trường hợp người bệnh tự chẩn đoán, mua thuốc theo thói quen hoặc các đơn thuốc cũ, không đi khám cụ thể, dẫn đến việc điều trị không đúng nguyên nhân, gây hiệu quả kém, thậm chí là khiến điều trị sau đó khó khăn hơn, đồng thời, chịu những ảnh hưởng và biến chứng nặng từ bệnh. Do đó, việc đến khám bác sĩ sớm và điều trị đúng cách là điều hết sức quan trọng với bệnh viêm amidan cấp nói riêng và các bệnh lý nói chung.
1.2. Biến chứng từ viêm amidan cấp
Viêm amidan cấp tính khi không được điều trị kịp thời và đúng cách thể thể dẫn đến việc viêm mạn tính, tái phát, các bệnh lý khu vực lân cận, thậm chí là những biến chứng nặng nề:
– Amidan phì đại, khiến kích thước đường thở hẹp lại, gây ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ.
– Viêm nhiễm kéo dài, loét khe amidan, sỏi amidan, viêm tấy cục bộ, viêm thành bên họng, bệnh không dứt và hình thành thể mạn tính của viêm amidan
– Biến chứng gần như: viêm họng, viêm hạch cổ, viêm mũi xoang, viêm tai giữa, tình trạng thanh khí phế quản viêm nhiễm,…
– Bệnh bạch cầu đơn nhân cấp tính nếu viêm amidan do tác nhân virus Epstein-Barr hình thành
– Biến chứng xa: viêm khớp cấp, viêm cầu thận, nhiễm khuẩn huyết,
Những biến chứng khi không điều trị chứng viêm amidan cấp, hoặc không điều trị đúng cách gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc và cuộc sống của người bệnh. Đồng thời, những biến chứng này không hề dễ dàng điều trị. Do đó, không thể không đề phòng trước tình trạng viêm amidan cấp.
2. Điều trị bệnh viêm amidan cấp
Tùy theo tình trạng mà việc điều trị bệnh viêm amidan cấp được chỉ định thực hiện phù hợp với người bệnh. Việc thăm khám nhằm xác định nguyên nhân bệnh, nắm bắt các vấn đề tình trạng bệnh lý và thể trạng người bệnh là điều quan trọng trong công tác điều trị. Chính vì thế, người bệnh nên sớm đến các cơ sở tai mũi họng để được khám, chẩn đoán phù hợp và điều trị đúng cách, tránh biến chứng lâu dài mà bệnh gây nên.
2.1. Phương pháp nội khoa điều trị viêm amidan cấp
Việc điều trị khi bị viêm amidan cấp tính chủ yếu thực hiện đẩy lùi triệu chứng, nâng cao thể trạng, sử dụng kháng sinh khi nghi ngờ tình trạng nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng.
Điều trị cụ thể:
– Người bệnh thực hiện nghỉ ngơi thư giãn, uống nhiều nước, ăn nhẹ nhàng
– Các thuốc điều trị: giảm đau, hạ sốt, chống viêm; các thuốc kháng sinh (dùng nhóm beta lactam khi nhiễm khuẩn, dùng nhóm macrolid khi dị ứng,…); thuốc sát trùng nhẹ nhỏ mũi, dung dịch kiềm ấm súc miệng,…
– Nâng đỡ cơ thể với các yếu tố vi lượng, calci, … bằng thực phẩm chức năng kết hợp vấn đề dinh dưỡng hằng ngày và các hoạt động thể chất phù hợp.
Một số loại thuốc có thể có những tác dụng phụ với các đối tượng đặc biệt. Do đó, bác sĩ cần khai thác bệnh tích và bệnh sử phù hợp trước khi kê đơn cho người bệnh. Đồng thời, người bị viêm amidan không nên tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng các đơn thuốc của người khác hay các đơn thuốc cũ với bản thân mình để tránh việc điều trị không hiệu quả, nguy hiểm cho bản thân.
2.2. Phẫu thuật điều trị viêm amidan cấp
Trong trường hợp viêm amidan cấp áp dụng điều trị nội khoa không hiệu quả, bệnh tiến triển nặng hơn, có thể gây những biến chứng khác thì việc điều trị ngoại khoa sẽ được cân nhắc chỉ định. Việc phẫu thuật amidan lúc này cũng là điều cần thiết.
Một số trường hợp sẽ cần cân nhắc hoặc đình chỉ việc cắt amidan như:
– Người có hội chứng liên quan đến máu như: ưa chảy máu, rối loạn đông máu,…
– Các bệnh nội khoa mạn tính như: cao huyết áp, suy tim, suy thận, suy gan,… hoặc các bệnh nội khoa mạn tính chưa ổn định như tiểu đường, AIDS, …
– Trẻ quá nhỏ hoặc người cao tuổi
– Đang có các đợt viêm cấp liên quan
Trước phẫu thuật, người bệnh cần được kiểm tra thật kỹ về vấn đề dị ứng, các chỉ số về máu, nước tiểu, tim, phổi,… nhằm đảm bảo cơ thể đáp ứng vấn đề phẫu thuật. Sau phẫu thuật, người bệnh cần lưu viện theo dõi trong 1 ngày (với các hình thức phẫu thuật cắt amidan như Coblator, dao Plasma,…) và thực hiện chăm sóc hậu phẫu tại nhà đúng cách, phù hợp, tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
Kết luận:
Như vậy, điều trị viêm amidan cấp được xác định theo từng trường hợp bệnh lý sau khi được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán. Do đó, khi có những dấu hiệu cảnh báo bệnh, cần sớm đến các cơ sở y tế để được khám bệnh, kết luận chính xác và điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, cần luôn chủ động phòng tránh bệnh, tránh viêm amidan tái phát bằng cách giữ ấm cơ thể, bảo vệ hầu họng, ăn uống khoa học, giữ vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe và thể trạng bản thân, bảo vệ đường hô hấp.