Viêm xoang là một bệnh lý tai mũi họng vô cùng phổ biến, cũng vô cùng phiền toái. Mặc dù thường là bệnh lý mạn tính, triệu chứng của viêm xoang vẫn có thể được kiểm soát, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Vậy, khi bị viêm xoang, chúng ta nên điều trị như thế nào? Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ thông tin này, đọc ngay bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Viêm xoang là bệnh lý gì?
Xoang là những hốc xương rỗng, nằm trong khối xương sọ mặt, cụ thể là nằm xung quanh hốc mũi và thông với hốc mũi. Tương tự hốc mũi, các hốc xương rỗng này được bao phủ bởi một lớp niêm mạc, gọi là niêm mạc đường hô hấp. Người trưởng thành nào cũng có 5 đôi xoang, được chia thành 2 nhóm:
– Nhóm xoang trước: Nhóm xoang trước bao gồm xoang sàng trước, xoang trán, xoang hàm. Khe giữa của hốc mũi là đường dẫn lưu của nhóm xoang này.
– Nhóm xoang sau: Nhóm xoang sau bao gồm xoang sàng sau, xoang bướm. Đường dẫn lưu của nhóm xoang này là khe trên của hốc mũi.
Viêm xoang là tình trạng niêm mạc đường hô hấp bao phủ các xoang bị viêm. Tình trạng viêm xuất hiện lần đầu thì viêm xoang được gọi là cấp tính. Khi tình trạng viêm kéo dài từ 12 tuần, viêm xoang trở thành mạn tính.
2. Bị viêm xoang do đâu?
Viêm xoang có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân đó có thể được phân loại thành một số nhóm chính như sau:
– Do nhiễm trùng: Nhiễm trùng vùng mũi họng là nguyên nhân gây viêm xoang phổ biến nhất. Nhiễm trùng vùng mũi họng có thể là viêm họng, viêm Amidan, viêm VA, viêm mũi…
– Do các bệnh lý răng miệng: Các bệnh lý răng miệng như viêm lợi, sâu răng… đều có thể dẫn đến viêm xoang. Trong đó, các vấn đề khởi phát ở các răng hàm trên, số 4 đến số 6, là dễ gây viêm xoang nhất.
– Do siêu vi khuẩn
– Do dị ứng: Cơ địa dị ứng cũng có thể là nguyên nhân gây viêm xoang mạn tính.
– Do chấn thương: Viêm xoang có thể phát sinh do các chấn thương cơ học, như vỡ xoang, tụ máu xoang… Bên cạnh đó, bệnh lý tai mũi họng này cũng có thể phát sinh do các chấn thương áp lực.
– Do vẹo vách ngăn, các khối u ở xoang và hốc mũi…
– Do hội chứng trào ngược dạ dày thực quản
– Do các vấn đề toàn thân khác như rối loạn nội tiết, rối loạn vận mạch, rối loạn nước và điện giải…
3. Bị viêm xoang có biến chứng không?
Viêm xoang có nhiều biến chứng, phổ biến nhất là:
– Nhóm biến chứng đường hô hấp: Nhóm biến chứng đường hô hấp của viêm xoang có viêm tai giữa, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi. Đặc biệt, viêm xoang mạn tính có thể gây ra hội chứng xoang – phế quản. Hội chứng này gây giãn phế nang không hồi phục.
– Nhóm biến chứng tại mắt: Nhóm biến chứng tại mắt của viêm xoang có viêm mô tế bào trước vách (còn gọi là áp xe mí mắt, khi áp xe vỡ, dễ để lại sẹo mí mắt, rất khó xóa), viêm tấy ổ mắt, viêm túi lệ, áp xe ổ mắt (người bệnh áp xe ổ mắt dù điều trị kịp thời, nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn vẫn rất cao), viêm thần kinh thị giác hậu nhãn cầu (cũng có thể khiến thị lực suy giảm vĩnh viễn dù điều trị kịp thời).
4. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Bị viêm xoang điều trị như thế nào?
Nguyên tắc chung trong điều trị viêm xoang, cả viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính, đều là đảm bảo dẫn lưu và thông khí xoang tốt.
4.1. Hướng dẫn điều trị chung khi bị viêm xoang cấp tính
Điều trị viêm xoang cấp tính chủ yếu là điều trị nội khoa, bao gồm điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân.
4.1.1. Điều trị tại chỗ bệnh lý viêm xoang cấp tính
Điều trị tại chỗ viêm xoang cấp tính bao gồm một số nội dung chính như sau:
– Vệ sinh hốc mũi
– Nhỏ thuốc: Phối hợp nhỏ các thuốc co mạch, sát khuẩn, chống phù nề…
– Xông hơi nước nóng: Sử dụng các loại thuốc có tinh dầu.
– Khí dung mũi xoang: Sử dụng thuốc kháng sinh phối hợp thuốc chống viêm corticosteroid.
4.1.2. Điều trị toàn thân bệnh lý viêm xoang cấp tính
Các thuốc điều trị toàn thân viêm xoang cấp tính người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định là thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm và giảm phù nề, thuốc giảm đau và hạ sốt, thuốc tăng cường sức đề kháng.
4.2. Hướng dẫn điều trị chung khi bị viêm xoang mạn tính
Viêm xoang mạn tính ngoài điều trị nội khoa, còn cần điều trị ngoại khoa.
4.2.1. Điều trị nội khoa bệnh lý viêm xoang mạn tính
Điều trị nội khoa viêm xoang mạn tính được tiến hành trước và sau điều trị ngoại khoa. Điều trị nội khoa viêm xoang mạn tính tương tự với nội dung điều trị nội khoa viêm xoang cấp tính. Tuy nhiên, ngoài điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân, trong điều trị nội khoa viêm xoang mạn tính còn có điều trị cơ địa. Người bệnh có thể sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc có iod, canxi, photpho, Vitamin A, Vitamin D, thuốc kháng histamin…
4.2.2. Điều trị ngoại khoa bệnh lý viêm xoang mạn tính
Chúng ta có một số phương pháp điều trị ngoại khoa viêm xoang mạn tính như sau:
– Chọc rửa xoang: Phương pháp chọc rửa xoang thường được bác sĩ chỉ định khi người bệnh viêm xoang hàm mạn tính và viêm xoang trán mạn tính. Hiện tại, chọc rửa xoang ít được sử dụng.
– Phương pháp đổi chế Proetz: Viêm xoang sau mạn tính thường được điều trị bằng phương pháp đổi chế Proetz.
– Phẫu thuật xoang: Phẫu thuật xoang là phương pháp được áp dụng khi điều trị nội khoa thất bại hoặc khi đường dẫn lưu tự nhiên của xoang bị bít tắc, do polyp, dị vật… Có hai phương pháp phẫu thuật xoang là phẫu thuật tiệt căn và nội soi chức năng. Trong đó, nội soi chức năng là phương pháp cho hiệu quả điều trị cao hơn, được áp dụng rộng rãi hơn tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Phía trên là hướng dẫn điều trị khi bị viêm xoang. Theo đó, bị viêm xoang cấp tính chỉ cần điều trị nội khoa còn bị viêm xoang mạn tính thì phải điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa. Hy vọng rằng với chúng, bạn sẽ bảo vệ bản thân an toàn trước bệnh lý tai mũi họng hết sức phiền toái này.