Đau mắt đỏ dù không phải bệnh quá nguy hiểm, tuy nhiên nó rất dễ tái phát gây ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Đặc biệt, khi các bé bị đau mắt đỏ việc phát hiện sớm bệnh giúp phụ huynh có cách điều trị và chăm sóc phù hợp. Trong bài viết dưới đây, Thu Cúc TCI sẽ hướng dẫn chăm sóc bé bị đau mắt đỏ tới bạn nhé.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu thêm về đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ là một bệnh nhiễm trùng về mắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó thường gặp nhiều ở các bé. Bệnh này xảy ra khi lớp kết mảng mỏng bị viêm, từ đó làm cho phần lòng trắng bên trong mắt có màu hơi hồng hoặc đỏ.
Đau mắt đỏ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có 3 nguyên nhân chính là do vi khuẩn, virus hoặc do dị ứng với các tác nhân khác.
2. Triệu chứng bé bị đau mắt đỏ qua các giai đoạn
Phụ huynh cần nắm được các triệu chứng đau mắt đỏ của bé qua từng giai đoạn để có thể phát hiện và điều trị kịp thời cho bé. Mỗi một giai đoạn đau mắt đỏ sẽ có các triệu chứng khác nhau, phụ huynh có thể tham khảo các dấu hiệu sau đây:
2.1 Trong giai đoạn ủ bệnh
Đây là giai đoạn đầu và cũng khó để nhận biết nhất, bởi các triệu chứng không rõ rệt, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác của trẻ. Cha mẹ sẽ thấy giai đoạn này bé có biểu hiện dụi mắt nhiều, đỏ mắt, hay chảy nước mắt. Một số trường hợp xuất hiện ghèn mắt màu vàng xanh, màu xanh khác thường vào mỗi sáng khi trẻ thức dậy. Ngoài ra, trẻ có thể thấy ho và rát họng, chán ăn do đau họng và sự thay đổi của cơ thể. Với giai đoạn ủ bệnh, triệu chứng có thể xuất hiện rõ rệt hay không còn tùy thuộc vào sức đề kháng của trẻ và thường kéo dài trong vòng 2-14 ngày.
2.2 Trong giai đoạn toàn phát
Sau khi qua giai đoạn ủ bệnh, bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn toàn phát kéo dài khoảng 5-7 ngày sau đó. Ở giai đoạn này các triệu chứng đã rõ rệt hơn và điển hình là:
– Mắt bé sưng to hơn, có thể kèm sưng huyết, đỏ mắt, chảy nước mắt nhiều hơn.
– Lúc này, ghèn mắt cũng xuất hiện nhiều hơn, khiến bé khó mở mắt khi thức dậy, thậm chí 2 mắt còn dính chặt vào nhau.
– Có thể thấy đau kèm vướng cộm, cảm giác như có dị vật trong mắt bé.
– Bé có biểu hiện sợ ánh sáng, nhạy cảm hơn trước ánh sáng.
– Triệu chứng ít gặp có thể xảy ra là: viêm họng hạt, nổi hạch ở tay hoặc xuất huyết dưới kết mạc.
2.3 Trong giai đoạn hồi phục
Ở giai đoạn 3 hồi phục này, bệnh đau mắt đỏ sẽ kéo dài thêm 3-5 ngày tùy trường hợp. Triệu chứng như sưng đỏ, đau nhức, tiết nhiều ghèn dần giảm và mắt dần chuyển về màu trắng như bình thường.
3. Hướng dẫn chăm sóc bé bị đau mắt đỏ hiệu quả
3.1 Dùng thuốc đau mắt đỏ cho bé theo chỉ định của bác sĩ
Khi trẻ bị đau mắt đỏ do tác nhân vi khuẩn,virus thì các bác sĩ sẽ thường kê thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh. Nếu cơ thể trẻ đáp ứng tốt với thuốc kê đơn của bác sĩ, các triệu chứng sẽ cải thiện sau 1-2 ngày sử dụng. Với phác đồ kháng sinh của bác sĩ, phụ huynh nên tuân thủ trong vòng 5-7 ngày, thậm chí hết liệu trình. Điều này để ngăn ngừa nguy cơ tái phát đau mắt đỏ và việc kháng kháng sinh nguy hiểm.
Trường hợp bé đau mắt đỏ do tác nhân dị ứng thì phải làm sao? Lúc này, bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ kê đơn thuốc chống dị ứng dùng qua đường nhỏ mắt hoặc đường uống. Đồng thời, phụ huynh cũng cần cách ly trẻ, tránh để bé tiếp xúc thêm với các tác nhân dị ứng này.
3.2 Vệ sinh sạch sẽ vùng mắt khi bé bị đau mắt đỏ
Mỗi ngày, mắt bé tiếp xúc với bụi bẩn từ môi trường và tiết ra rất nhiều ghèn. Các phụ huynh có thể dùng thuốc nhỏ mắt natri clorid 0,9% để vệ sinh mắt cho bé luôn sạch sẽ, với tần suất 2 lần mỗi ngày. Sau đó, phụ huynh dùng khăn mềm hoặc bông chuyên dụng lau cẩn thận mắt và dịch tiết quanh mắt bé theo một hướng trong ra ngoài. Lưu ý là lau riêng mỗi mắt để tránh lây nhiễm chéo bệnh đau mắt đỏ.
3.3 Hạn chế cho bé ra ngoài khi bé bị đau mắt đỏ
Việc hạn chế cho trẻ ra ngoài, nhất là nơi đông người như trường học, trung tâm thương mại, quán cafe,… là rất cần thiết để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng. Hơn nữa, các môi trường đông đúc cũng có thể chứa nhiều vi khuẩn khiến tình trạng đau mắt đỏ của bé nặng hơn.
3.4 Chườm ấm mắt khi cần thiết
Việc chườm ấm để giảm đau đã không còn xa lạ với nhiều người, phụ huynh chỉ cần đắp khăn ấm lên mắt bé khoảng vài phút để giúp mắt bé thỏa mái hơn. Khi đắp khăn ấm các mạch máu quanh mắt dần dãn ra, giúp tăng lưu thông máu đến vùng mắt và giảm đau hiệu quả.
3.5 Năng cao sức đề kháng của bé
Hiện nay các bệnh về mắt do virus gây ra như đau mắt đỏ vẫn chưa có thuốc đặc trị và các thuốc kháng sinh được bác sĩ kê đơn chỉ điều trị triệu chứng bệnh. Vậy nên cách phòng tránh và điều trị đau mắt đỏ cho bé hiệu quả vẫn đến từ việc nâng cao sức đề kháng. Khi sức đề kháng yếu, vi khuẩn và virus sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh đau mắt đỏ.
Phụ huynh có thể nâng cao sức đề kháng cho bé bằng các các sau:
– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất, cho bé ăn nhiều rau củ quả để tăng cường đề kháng.
– Tốt nhất là nên cho trẻ bú sữa mẹ, vì sữa mẹ chứa rất nhiều đề kháng tự nhiên giúp bé khỏe mạnh và mau hồi phục nếu bị bệnh.
– Các bà mẹ có thể ăn nhiều thực phẩm tăng sức đề kháng hoặc thực phẩm chức năng hỗ trợ nếu đang cho con bú.
4. Khi nào ba mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ?
Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay khi thấy những dấu hiệu bé bị đau mắt đỏ. Bởi dù bệnh này không quá nguy hiểm, nhưng nếu chủ quan có thể trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng như viêm kết mạc mãn tính, loét giác mạc hoặc thậm chí mất thị lực.
Khi phát hiện và điều trị đau mắt đỏ cho bé từ sớm, thời gian hồi phục nhanh hơn và ít để lại biến chứng.
Hy vọng những thông tin về hướng dẫn chăm sóc bé bị đau mắt đỏ và lưu ý hữu ích với bạn đọc. Mọi thắc mắc về cách chăm sóc và điều trị sẽ được các bác sĩ TCI tư vấn kỹ càng khi bạn ghé Thu Cúc TCI nhé.