Hội chứng ống cổ chân: nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Bạn đã biết những gì về hội chứng ống cổ chân? Chân là nơi chịu tải trọng của cả cơ thể và đảm nhiệm việc đi lại, vận động nên dễ gặp phải các tổn thương, đặc biệt ở phần mắt cá. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể bị đau nhức kéo dài. Nặng hơn có thể ảnh hưởng đến đi lại. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới bệnh này, dấu hiệu ra sao và điều trị thế nào?

1. Hội chứng ống cổ chân là gì?

Ống cổ chân là khoảng không gian hẹp hướng ra đằng sau và thấp hơn mắt cá chân trong. Ở phần này có chứa nhiều cấu trúc, gồm các gân chày sau, cơ gấp các ngón. Còn có tĩnh mạch và động mạch, dây thần kinh chày sau. Dây thần kinh chày sau dọc từ cổ chân chạy xuống bàn chân. Nó đóng vai trò tiếp nhận cảm giác và kiểm soát cả các hoạt động ở cổ chân và bàn chân.

Khi chức năng của dây thần kinh chày bị rối loạn và suy giảm sẽ gây đau. Tình trạng này được gọi là hội chứng ống cổ chân.

Đây là bệnh lý dây thần kinh liên quan đến sự chèn ép thần kinh hoặc những cấu trúc khác nhau ở vùng ống cổ chân. Hội chứng này có nhiều đặc điểm tương tự như hội chứng ống cổ tay nhưng ít phổ biến hơn.

Hội chứng ống cổ chân ít phổ biến hơn so với ở cổ tay

Hội chứng thường xuất hiện ở phần mắt cá chân

2. Nguyên nhân và triệu chứng cần biết của bệnh

Để hiểu rõ hơn về hội chứng này, chúng ta có thể tìm hiểu từ nguyên nhân dẫn đến bệnh lý và các dấu hiệu nhận biết bệnh.

2.1. Nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ chân

Nguyên nhân chính gây ra hội chứng này là do sự chèn ép lên dây thân kinh chày hay các nhánh của nó dọc mắt cá xuống lòng bàn chân. Các áp lực đó có thể do một số tổn thương như: bong gân, gãy xương,…

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác của hội chứng có thể kể đến như:

– Hội chứng bàn chân bị bẹp nghiêm trọng, khi bàn chân bẹt sẽ kéo căng dây thần kinh chày.

– Tăng sinh lành tính bên trong xương cổ chân.

– Bị giãn tĩnh mạch xung quanh dây thần kinh chày.

– Xưng và viêm cổ chân.

– Bị trật khớp, bong gân, trẹo chân.

– Thường xuyên mang giày chật, kích chân.

– Tổn thương phần dây thần kinh do bệnh đái tháo đường.

– Sưng, phù chân ở giai đoạn mang thai.

2.2. Triệu chứng của hội chứng ống cổ chân

Không có các xét nghiệm cụ thể để chuẩn đoán hội chứng này. Đa phần các chuẩn đoán dựa trên khai thác tiền sử và khám lâm sàng. Bệnh nhân cần đến khám khi thấy xuất hiện một số biểu hiện bất thường như:

– Thấy đau buốt, tê nhức, ngứa râm ran phần cổ chân và lan dọc xuống lòng bàn chân.

– Tê bì gần như mất cảm giác dưới lòng bàn chân.

– Các cơn đau thường xuất hiện đột ngột, tăng lên khi hoạt động và về đêm. Cơn đau có dấu hiệu giảm khi người bệnh nghỉ ngơi.

Các cơn đau đột ngột và tê bì chân là dấu hiệu điển hình của hội chứng ống cổ chân

Các cơn đau đột ngột và hiện tượng tê bì chân xảy ra khi hoạt động

– Khi bệnh kéo dài khiến khả năng vận động của bàn chân, cổ chân giảm đi. Dáng đi có thể bị thay đổi bất thường.

– Dấu hiệu Tinel. Khi khám bác sĩ dùng búa phản xạ gõ dọc theo đường đi của dây thần kinh chày sẽ thấy đau nhói như bị điện giật.

Đặc biệt với trường hợp bệnh mãn tính, người bệnh có thể phát hiện dấu hiệu bị teo, yếu cơ bàn chân và co rút các ngón chân.

3. Chuẩn đoán hội chứng ống cổ chân

Khi nhận thấy một vài biểu hiện kể trên, người bệnh nên tới gặp bác sĩ sớm. Đến thăm khám bác sĩ sẽ hỏi về mức độ của các triệu chứng và tiền sử bệnh lý khu quanh cổ chân. Ngoài ra có thể được thực hiện xét nghiệm Tinel là sự tác động của lực vào dây thần kinh chày.

Bên cạnh khám tổng quát ở chân, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm bổ sung để tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra bệnh. Những xét nghiệm đó gồm:

– Đo điện cơ: nhằm phát hiện sớm rối loạn chức năng thần kinh.

– MRI: sẽ thấy được rõ nét vùng bàn chân, xem xét có thấy khối u hay tổn thương khác ở khu vực này không.

4. Các phương pháp điều trị hội chứng ống cổ chân

Việc điều trị đối với hội chứng ống cổ chân sẽ phụ thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân. Các phương pháp thường được bác sĩ áp dụng như:

– Nghỉ ngơi: đây là cách đơn giản và hiệu quả trực tiếp đối với hội chứng này. Bệnh nhân cần hạn chế vận động để giảm viêm, giảm áp lực lên chân. Thời gian nghỉ ngơi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

– Chườm đá: chườm vào mặt trong mắt cá và bàn chân để giúp giảm viêm. Người bệnh cần chú ý kê cao chân trong khi chườm. Phương pháp này có thể áp dụng thường xuyên hàng ngày. Mỗi lần cách nhau tối thiểu 40 phút.

– Sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm không Steroid theo chỉ định.

– Băng ép và kê cao chân: để hạn chế lưu lượng máu lên bàn chân. Từ đó giúp đau và giảm viêm nhanh. Bạn hãy băng vùng bàn chân (không nên băng chặt) và kê cao gối cho chân khi ngủ.

– Tiêm: khi mức độ đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiêm trực tiếp thuốc chống viêm như: corticosteroid và thuốc gây tê cục bộ.

– Vật lý trị liệu: được đánh giá rất hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng bệnh. Bác sĩ sẽ thiết lập các bài tập riêng có tác dụng kéo dãn và tăng cường các mô liên kết, mở rộng không gian cho các khớp xung quanh để giảm bớt chèn ép.

– Phẫu thuật: nếu tất cả các biện pháp trên không đem lại hiệu quả cho bệnh nhân. Khi đó bác sĩ sẽ xem xét đến phương pháp phẫu thuật. Bác sĩ sẽ mổ một đường từ sau mắt cá chân đến vòm bàn chân, sau đó dùng dụng cụ để kéo dãn dây chằng và giải tỏa dây thần kinh. Hiện nay phẫu thuật được áp dụng cả biện pháp mổ nội soi. Vết mổ khi này nhỏ hơn và có thể khắc phục được hầu hết các nhược điểm trước đó của mổ mở.

Phẫu thuật cho hội chứng ống cổ chân

Điều trị bằng mổ nội soi

Như vậy, căn bệnh này bắt nguồn từ áp lực lặp lại liên tục dẫn đến tổn thương dây thần kinh chày sau. Do khó chuẩn đoán nên mọi người càng cần lưu ý. Khi nhận thấy một trong số những biểu hiện nêu trên, người bệnh nên tới các cơ sở y tế tin cậy để thăm khám sớm. Tùy theo mức độ và nguyên nhân, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định các phương hướng điều trị phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital