Hội chứng ống cổ chân: Triệu chứng và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Hội chứng ống cổ chân là một bệnh lý khá phổ biến. Do bàn chân chịu tải trọng của toàn bộ cơ thể nên thường bị “quá tải” dẫn đến biến chứng. Hội chứng này còn có tên gọi khác là hội chứng đường hầm cổ chân, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây đau kéo dài hoặc nặng hơn là mất khả năng đi lại.

1. Hội chứng ống cổ chân là gì?

Khi dây thần kinh bên trong đường hầm cổ chân bị chèn ép sẽ gây ra hội chứng đường hầm cổ chân. Tình trạng này giống với hội chứng ống cổ tay nhưng xảy ra ở mắt cá chân và ít gặp hơn.

Người mắc hội chứng đường hầm cổ chân thường sẽ cảm thấy đau nhức, cảm giác như kim chích, ngứa ran,…chạy dọc lòng bàn chân. 

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng đường hầm cổ chân

Bệnh lý này xảy ra khi dây thần kinh ở cổ chân hoặc các nhánh nối với lòng bàn chân bị chèn ép. Có những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến dây thần kinh như sau:

– Những chấn thương ở chân: Các chấn thương như bong gân, gãy xương,…sẽ tác động đến các dây thần kinh.

– Hội chứng bàn chân bẹt khiến các dây thần kinh chày bị kéo căng.

– Một số bệnh lý: viêm khớp, viêm sưng cổ chân,…

– Giãn tĩnh mạch ở xung quanh dây thần kinh chày

– Có khối u hoặc u mỡ hình thành gần dây thần kinh chày

– Người bị béo phì, đái tháo đường cũng dễ khiến dây thần kinh bị chèn ép.

Bong gân, gãy xương,... là nguyên nhân bị hội chứng đường hầm cổ chân

Bong gân, gãy xương,… là nguyên nhân bị hội chứng đường hầm cổ chân.

3. Dấu hiệu nhận biết và nguy cơ mắc bệnh

Khi dây thần kinh bị chèn ép sẽ gây ra những cơn đau nhức, nóng rát ở lòng bàn chân. Các triệu chứng có thể đột ngột xuất hiện hoặc phát triển từ từ.

3.1 Dấu hiệu bệnh

Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, nóng rát tại các vị trí dọc theo dây thần kinh chày. Các cơn đau thường xuất hiện ở mắt cá chân và lòng bàn chân. Đây là các triệu chứng thường gặp:

– Xuất hiên các cơn đau buốt, tê cứng hoặc ngứa bên trong cổ chân và lòng bàn chân.

– Bàn chân bị mất cảm giác.

– Khó khăn trong việc bẻ cong bàn chân, quắp các ngón chân.

– Các cơn đau sẽ rõ rệt hơn vào ban đêm và khi di chuyển.

khi vận động mạnh và liên tục, các cơn đau sẽ rõ ràng hơn. Người bệnh sẽ cảm giác như bị điện giật, kim châm ở xung quanh vùng chân. Nếu tình trạng kéo dài thì kể cả lúc nghỉ ngơi và ngủ những triệu chứng vẫn xảy ra. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn người bệnh có thể bị mất khả năng đi lại.

3.2. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao

Đây là những đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng đường hầm cổ chân cao:

– Vận động viên thể thao, nhất là những người chơi những môn thể thao dùng chân nhiều. Có thể kể đến như điền kinh, cầu thủ bóng đá, nhảy cao, nhảy xa,…

– Những người làm công việc lao động chân tay, bốc vác.

– Người thường xuyên mang giày, giày cao gót hoặc giày quá chật.

– Những người từng bị các chấn thương ở cổ chân hoặc các bệnh về xương khớp.

– Bệnh nhân tiểu đường, người béo phì.

– Phụ nữ mang thai bị phù hoặc sưng chân.

Biểu hiện của hội chứng ống cổ chân là đau nhức, tê buốt, ngứa ran ở cổ chân và bàn chân

Biểu hiện của hội chứng ống cổ chân là đau nhức, tê buốt, ngứa ran ở cổ chân và bàn chân.

4. Chẩn đoán và điều trị

Hội chứng này khiến bệnh nhân đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến vận động và sinh hoạt. Vì vậy bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

4.1 Chẩn đoán hội chứng ống cổ chân

Bác sĩ sẽ dựa trên triệu chứng, tiền sử bệnh kết hợp với một số phương pháp và xét nghiệm để có chẩn đoán chính xác nhất.

– Đo điện cơ: Để phát hiện rối loạn chức năng thần kinh.

– Chụp X-quang: Để loại trừ các bệnh về xương và khớp xương gây ra các dấu hiệu tương tự.

Chụp MRI: Thấy được hình ảnh rõ nét về cổ chân và bàn chân xem có khối u hay bị tổn thương khác ở vùng này không.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm Tinel, nếu cảm thấy đau hoặc ngứa ran thì khả năng cao bạn mắc hội chứng đường hầm cổ chân.

4.2 Điều trị hội chứng ống cổ chân

Điều trị hội chứng đường hầm cổ chân phụ thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân của bệnh.  Đây là các phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến hiện nay:

– Dùng thuốc: Ba loại thuốc được sử dụng là thuốc giảm đau, thuốc chống viêm và thuốc giãn cơ. Lưu ý hãy dùng thuốc theo đơn của bác sĩ điều trị.

– Chườm đá: Đối với triệu chứng nhẹ, chườm lạnh lên mắt cá chân sẽ có tác dụng giảm sưng viêm hiệu quả. Cách làm là thực hiện nhiều lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau 40 phút và kê chân cao khi chườm.

– Để chân nghỉ ngơi: Bàn chân chịu trọng lượng của toàn bộ cơ thể, nên nếu cảm thấy có triệu chứng bạn nên để chân nghỉ ngơi, tránh tạo thêm áp lực cho bàn chân và cổ chân.

– Băng ép và kê cao chân khi nằm: Việc này sẽ giúp giảm lưu lượng máu đến bàn chân, giảm viêm hiệu quả.

– Tiêm corticosteroid: Đối với trường hợp quá đau, bác sĩ sẽ tiêm trực tiếp thuốc chống viêm để làm giảm các triệu chứng.

– Dùng dụng cụ chỉnh hình hoặc miếng lót giày y khoa: Phương pháp này có tác dụng để phân tán trọng lực, hạn chế tác động đến dây thần kinh ở cổ chân.

– Vật lý trị liệu: Các bài tập vật lý trị liệu có tác dụng hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng của bệnh. Bên cạnh đó, vật lý trị liệu giúp giãn cơ, tăng cường mô liên kết, mở không gian khớp xung quanh để dây thần kinh không bị chèn ép.

– Phẫu thuật: Phương pháp này được sử dụng khi tất cả các phương pháp trên đều không có hiệu quả. Khi đó, bệnh trở nặng hơn và không có dấu hiệu thuyên giảm. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể mang đến nhiều rủi ro.

Chườm đá có thể giúp thuyên giảm đau hiệu quả

Chườm đá có thể giúp thuyên giảm đau hiệu quả.

5. Phòng ngừa bệnh

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa hội chứng đường hầm cổ chân bằng các biện pháp sau:

– Khi di chuyển nhiều và liên tục , hãy để cho bàn chân được nghỉ ngơi. Bạn có thể là ngồi xuống nghỉ vài phút hoặc đổi tư thế để giảm bớt áp lực lên bàn chân.

– Mang giày vừa với chân, hạn chế đi giày quá cao.

– Luôn khởi động trước khi chơi thể thao hoặc vận động mạnh, đeo băng nẹp đối với các môn thể thao phải thay đổi hướng liên tục (bóng đá, cầu lông, bóng chuyền,…)

– Bổ sung các thực phẩm tốt cho xương khớp, hạn chế thực phẩm nhiều muối, đường và caffeine.

– Ngâm chân nước ấm để giúp chân được thư giãn

– Massage, bấm huyệt giúp lưu thông mạch máu, giảm các triệu chứng đau nhức.

Hội chứng ống cổ chân là một bệnh lý khó chẩn đoán. Tình trạng đau kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người bệnh. Bài viết trên là tất cả các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh. Nếu nghi ngờ bất kỳ triệu chứng nào hãy đến cơ sở y tế để có chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital