Menu xem nhanh:
1. Biểu hiện của trẻ bị hóc dị vật đường thở
Khị bị hóc dị vật đường thở trẻ thường có các biểu hiện sau:
– Hoảng loạn
– Thở dốc, ho dữ dội
– Hai tay ôm cổ, chỉ tay vào miệng
– Nói khó hoặc không nói được
– Mặt đỏ sau đó chuyển dần sang tím
– Mất ý thức
2. Sai lầm trong xử trí hóc dị vật đường thở ở trẻ em
Khi bé bị hóc dị vật, ba mẹ tuyệt đối không làm những điều sau:
– Đưa ngón tay vào móc dị vật khỏi miệng trẻ: Việc đưa ngón tay vào móc dị vật khỏi miệng chỉ thực hiện khi bạn nhìn thấy dị vật. Nếu không có thể vô tình đầy sâu dị vật vào trong gây nguy hiểm cho trẻ hơn.
– Ăn một miếng cơm to hoặc nuốt một quả trứng gà luộc khi bị hóc xương: Biện pháp này rất nhiều rủi ro vì có thể xương sẽ cắm sâu hơn vào thực quản.
– Ngậm nước chanh, giấm làm xương mềm ra rồi nuốt xuống: Thực tế là xương bị mắc kẹt trong đường tiêu hóa trên không thể mềm ra được.
3. Xử trí đúng cách khi trẻ bị hóc dị vật
Khi thấy bé bị hóc dị vật đường thở, các bậc phụ huynh nên gọi ngay cấp cứu ngay hoặc cho con đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để bé được xử trí kịp thời và đảm bảo an toàn cho con.
Trong lúc chờ xe cấp cứu tới, ba mẹ cũng có thể tham khảo một số cách sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật như sau:
3.1 Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi:
Đặt trẻ nằm sấp lên cánh tay của người lớn sao cho đầu quay xuống đất. Phụ huynh cần lưu ý đặt trẻ sao cho chắc chắn, phần cổ và đầu của trẻ không bị tuột. Tiếp theo, ba mẹ dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 lần vào lưng, giữa 2 xương bả vai của bé.
Tiếp theo, ba mẹ hãy lật trẻ nằm ngửa sang tay kia, để quan sát xem dị vật đã rơi ra chưa, da trẻ đã hồng hào trở lại, bé đã khóc được chưa. Ba mẹ có thể kiểm tra miệng bé xem có dị vật nào không và lấy ra. Trong trường hợp dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hoặc trẻ chưa thở được thì tiếp tục thực hiện bằng biện pháp thứ 2.
Phương pháp ấn ngực: Đặt 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (là vùng trên rốn, dưới xương ức) 5 cái, theo chiều từ trên xuống. Làm liên tục trong lúc chờ đợi xe cấp cứu tới.
3.2 Với trẻ trên 2 tuổi:
Để trẻ đứng, phụ huynh đứng đằng sau hoặc quỳ tối để đưa tay ra phía trước của bé. Một tay phụ huynh nắm lại thành nắm đấm đặt lên vùng thượng vị của bé, tay còn lại chồng lên tay trước và ấn mạnh từ dưới lên trên, 5 cái thật mạnh. Nếu trẻ vẫn chưa thở được, và dị vật chưa ra, thì tiếp tục ấn từ 6- 10 lần.
3.3 Trường hợp hóc dị vật đường thở ở trẻ gây ra hôn mê, bất tỉnh:
Trong lúc chờ xe cấp cứu, cha mẹ đặt con nằm ngửa, quỳ gối, tựa 2 chân bên đùi trẻ. Phụ huynh đặt 2 bàn tay thành nắm đấm, ấn mạnh dưới xương ức theo chiều từ dưới lên trên 5 lần. Tiếp theo, hà hơi thổi ngạt 2 lần. Nếu trẻ vẫn chưa thở được, hoặc dị vật chưa ra ngoài, thì ba mẹ tiếp tục thực hiện các thao tác trên cho tới khi xe cấp cứu tới.
4. Phòng tránh hóc dị vật ở trẻ em
Để phòng tránh nguy cơ hóc dị vật ở trẻ nhỏ ba mẹ cần lưu ý điều sau:
– Hướng dẫn trẻ nhỏ không vừa ăn vừa cười đùa.
– Không ép con ăn hay uống thuốc khi trẻ đang khóc hoặc giãy giụa.
– Để xa tầm tay trẻ em các đồ vật nhỏ.
Trên đây là một số gợi ý cho cha mẹ về cách xử trí hóc dị vật ở trẻ em, cũng như những sai lầm ba mẹ nên tránh khi trẻ không may gặp tình trạng này. Phụ huynh cũng nên lưu ý rằng, hóc dị vật đường thở ở trẻ rất nguy hiểm, trường hợp này phụ huynh nên đưa bé tới bệnh viện để các bác sĩ có chuyên môn và kỹ thuật sẽ có kinh nghiệm xử trí giúp con an toàn.