Ho lâu ngày – Lý giải nguyên nhân và cách khắc phục

Ho là một phản ứng của cơ thể để đào thải các tác nhân không tốt ra khỏi cổ họng. Tuy nhiên ho lâu ngày lại là dấu hiệu không tốt, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Tìm hiểu ngay nguyên nhân cũng như cách khắc phục tình trạng này ở bài viết dưới đây.

1. Ho lâu ngày có gây nguy hiểm gì không?

Ho lâu ngày là tình trạng ho dai dẳng mãi không khỏi. Cơn ho tái diễn trong nhiều ngày, khiến người bệnh mệt mỏi, thậm chí còn gây mất ngủ về đêm, ảnh hưởng tới sức khỏe, hoạt động sinh hoạt và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, việc ho kéo dài không khỏi có thể đến từ nguyên nhân mắc một số bệnh lý như viêm họng cấp, viêm thanh quản, viêm phế quản cấp tính, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản,…

Vì thế người bệnh khi bị ho lâu cần tới các bệnh viện có chuyên khoa Hô hấp để được thăm khám, làm các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết nhằm chẩn đoán chính xác bệnh. Từ đó có phác đồ điều trị phù hợp và tiến hành đúng cách.

Ảnh hưởng của ho lâu ngày

Ho kéo dài mãi không khỏi làm ảnh hưởng tới sức khỏe và công việc của người bệnh.

2. Nguyên nhân gây ho kéo dài

2.1. Đường thở bị viêm và kích thích sau cảm cúm

Virus là tác nhân chính yếu gây cảm cúm và chúng cũng tác động lên đường thở khiến nó bị viêm, sưng phù và tăng nhạy cảm. Tình trạng này có thể vẫn còn tồn tại dù cảm cúm của bạn đã cải thiện khiến ho vẫn còn.

2.2. Stress gây ho lâu ngày

Stress có thể khiến cảm cúm lâu hết hơn và vì vậy ho sẽ kéo dài hơn. Khi ho kéo dài lại khiến bạn bị stress nặng thêm tạo nên một vòng bệnh luẩn quẩn.

Tress là nguyên nhân ho mãi không khỏi

Căng thẳng mệt mỏi cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ho mãi không khỏi.

2.3. Có một vấn đề sức khỏe

Dị ứng, hen và trào ngược dạ dày – thực quản là những bệnh lý có thể gây ho. Cảm cúm có thể chỉ đóng vai trò là yếu tố khởi phát triệu chứng ho. Các dấu hiệu của hen cũng thường gây ho, khò khè, khó thở và nặng ngực.

2.4. Không uống đủ nước cũng có thể gây ho lâu ngày

Khi bạn bị cảm cúm, bạn cần bổ sung nhiều nước. Nước lọc, nước trái cây hay nước canh có thể giúp làm đờm nhớt loãng hơn khiến bạn dễ ho khạc ra hơn. Ngược lại, rượu và thức uống chứa caffein lại làm bạn mất nước nhiều hơn, không có lợi khi bạn bị bệnh.

2.5. Lạm dụng thuốc xịt giảm xung huyết mũi

Những thuốc xịt giảm xung huyết mũi có thể làm giảm triệu chứng nghẹt mũi. Dù vậy, không nên dùng chúng hơn 3 ngày. Nếu dùng kéo dài, khi bạn ngừng thuốc thì triệu chứng của bạn sẽ càng xấu hơn. Lý do là niêm mạc mũi sẽ bị sưng nề, bị kích thích gây xung huyết hơn, chảy dịch thành sau họng và gây ho.

2.6. Không khí quá khô hay quá ẩm ướt

Không khí hanh khô đặc biệt vào tháng lạnh có thể kích thích ho nhưng ngược lại không khí quá ẩm ướt cũng không tốt. Với điều kiện quá ẩm ướt có thể khuyến khích sự phát triển của nấm và dị nguyên gây ho khan hay làm nặng thêm bệnh hen.

3. Điều trị khi bị ho kéo dài mãi không khỏi

Giải pháp điều trị tốt nhất dành cho người bệnh bị ho kéo dài là hãy gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh và kê đơn một cách chính xác. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ đưa ra những lời khuyên, những khuyến cáo liên quan đến chế độ ăn, chế độ sinh hoạt cũng như cách phòng bệnh hiệu quả sau đó.

Hầu hết các trường hợp điều trị ho kéo dài sẽ được thực hiện bằng thuốc. Một số thuốc chính có thể tham khảo trong điều trị bệnh như:

– Thuốc chống sung huyết và thuốc kháng histamin.

– Thuốc trị hen (thường ở dạng xịt): Thuốc có tác dụng làm giãn khí quản, phế quản và giúp giảm viêm hiệu quả. Hỗ trợ tốt trong điều trị ho do hen phế quản.

– Thuốc giảm ho, long đờm: Giúp xoa dịu các triệu chứng, giảm nhanh các khó chịu.

– Thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm tại chỗ: Sử dụng trong điều trị ho do viêm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.

– Sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi, làm sạch các vết bẩn hay các vật lạ trong mũi.

Trên đây là những loại thuốc có thể được sử dụng khi gặp phải tình trạng ho kéo dài không khỏi. Các thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chung. Khuyến cáo người bệnh không nên tự mua thuốc uống hoặc tự ý thay đổi chỉ định điều trị của bác sĩ như tự ý thay đổi đơn thuốc, liều dùng hay tự ý ngừng thuốc khi bác sĩ chưa cho phép. Việc điều trị sai phương pháp có thể khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.

Thuốc điều trị ho kéo dài

Người bệnh cần chủ động thăm khám để được chỉ định đúng phác đồ thuốc điều trị.

4. Kết luận

Ho lâu ngày có nhiều nguyên nhân khác nhau, bạn cần xác định đúng nguyên nhân gây bệnh thì điều trị mới có kết quả. Vậy nếu bị ho trên 7 ngày không đỡ, bạn nên tới gặp bác sĩ để khám và có chỉ định chính xác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital