Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 rất nguy hiểm và và khó điều trị. Lúc này, các triệu chứng trở nên rất nặng nề và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Cùng tìm hiểu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở giai đoạn này và cách kiểm soát hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Triệu chứng ở giai đoạn 4 bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Giai đoạn 4 của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là giai đoạn cuối với mức độ nghiêm trọng nhất. Lúc này, những tổn thương ở phổi khó có thể phục hồi. Phổi không còn khả năng cung cấp oxy đầy đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Điều này gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác như tim hay động mạch phổi.
Các triệu chứng trong giai đoạn này biểu hiện rõ nét và thường xuyên hơn, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh, thậm chí có thể cảnh báo những biến chứng nguy hiểm.
Các triệu chứng chính của COPD ở giai đoạn 4 bao gồm:
1.1 Khó thở
Nếu như ở các giai đoạn trước, tình trạng khó thở không xảy ra hoặc chỉ xảy ra khi bệnh nhân gắng sức thì ở giai đoạn này, người bệnh khó thở thường xuyên, liên tục. Thậm chí họ có cảm giác khó thở ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
1.2 Mức oxy trong máu thấp
Phổi hoạt động kém do tắc nghẽn có thể khiến bệnh nhân bị thiếu oxy trong máu. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, suy nhược.
1.3 Sụt cân
Do khó thở liên tục và giảm hoạt động trong thời gian dài, người bệnh có thể bị sụt cân không mong muốn.
1.4 Đau nhức đầu
Triệu chứng nhức đầu xảy ra do giảm nồng độ oxy ở dòng máu nuôi não. Tình trạng này thường xuyên xuất hiện, đặc biệt vào buổi sáng.
1.5 Hạn chế sinh hoạt
Chức năng phổi bị suy giảm nghiêm trọng khiến các cơ quan trong cơ thể không nhận đủ lượng oxy cần thiết. Cùng bởi vậy mà khả năng tham gia các hoạt động hàng ngày của người bệnh bị hạn chế do khó thở và mệt mỏi.
Ngoài ra, người mắc bệnh COPD cũng có nguy cơ cao mắc các vấn đề khác như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng nặng. Trong nhiều trường hợp, các cơn khó thở cấp có thể gây nguy hiểm và dẫn đến tử vong.
2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 nguy hiểm như thế nào?
Ở giai đoạn 4, người bệnh sẽ cảm thấy sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Bởi lúc này phổi của người bệnh chỉ hoạt động ở mức bằng hoặc ít hơn 30%. Bệnh khó điều trị và kiểm soát. Người bệnh cần được theo dõi sát sao và chăm sóc gần như cả ngày, phải thường xuyên được đo các chỉ số bằng thiết bị đo nồng độ oxy máu và kiểm tra chức năng phổi thường xuyên. Đây cũng là giai đoạn mà người bệnh cần can thiệp nhiều nhất bằng thuốc hoặc phương pháp phẫu thuật ghép phổi, giảm thể tích phổi.
Tỷ lệ tử vong của người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở giai đoạn này thường cao nhất. Theo nghiên cứu trên nhiều người mắc bệnh COPD giai đoạn 4, có đến 24% bệnh nhân tử vong nếu bệnh trở nặng và phải nhập phòng hồi sức tích cực. Tỷ lệ này cao hơn ở những người bệnh lớn tuổi.
3. Điều trị bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính ở giai đoạn 4 bằng các phương pháp nào?
Cho đến nay, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vẫn chưa có thuốc đặc trị hay có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Mục tiêu của việc điều trị đa phần là nâng cao thể trạng và cải thiện hoạt động của phổi, từ đó giảm các biến chứng mà bệnh có thể gây ra. Với các bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn 4, việc điều trị chủ yếu mang tính chất duy trì với các biện pháp:
2.1 Dùng thuốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4
– Thuốc giãn phế quản: Đây là loại thuốc mà các bệnh nhân mắc bệnh COPD ít nhiều đều sử dụng. Thuốc có công dụng mở rộng đường thở, giúp người bệnh hô hấp đỡ khó khăn. Thuốc này thường được sử dụng dưới dạng hít để người bệnh có thể dùng hàng ngày, liều lượng thường là 1-2 lần/ngày tùy từng trường hợp. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng liều lượng mà bác sĩ kê đơn. Trong trường hợp khẩn cấp, thuốc giãn phế quản hàng ngày không có tác dụng, các bác sĩ sẽ có thuốc giãn phế quản cấp để kịp thời cứu sống người bệnh.
– Corticosteroid: Đây là dạng thuốc chống viêm có steroid phổ biến và có tác dụng mạnh. Các bác sĩ thường sẽ chỉ định corticosteroid dạng hít đi kèm với các thuốc giãn phế quản cho những người mắc bệnh COPD.
– Methylxanthines: Thuốc này được dùng kết hợp với thuốc giãn phế quản trong điều trị COPD giai đoạn 4 để chống viêm và làm giãn cơ trong đường thở.
– Thuốc long đờm: Các thuốc này giúp người bệnh giảm, loãng đờm, dịch trong phổi, nhờ đó người bệnh khạc nhổ dễ dàng hơn. Thuốc thường được chỉ định trong các đợt viêm cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
3.2 Bỏ hút thuốc lá
Thuốc là, thuốc lào chiếm đến 80 – 90% nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và là tác nhân làm cho tình trạng bệnh nặng thêm. Người bệnh đang ở giai đoạn 1, 2, hoặc 3 của bệnh nếu không từ bỏ thói quen này thì khả năng cao phổi và phế quản sẽ bị tổn thương và nguy cơ bệnh chuyển sang giai đoạn 4 là rất cao.
3.3 Ăn uống lành mạnh
Ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp tăng thể trạng cho người bệnh, tăng sức đề kháng để chống chọi với bệnh tật.
3.4 Tập thể dục thường xuyên giúp người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 sống khỏe hơn
Đây cũng là một biện pháp quan trọng giúp người bệnh nâng cao thể trạng, tăng khả năng tuần hoàn, điều hòa nhịp thở, nhờ đó giảm các biến chứng của bệnh COPD.
Trong thời tiết mùa lạnh, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần chú ý giữ ấm đầy đủ, nhất là phần cổ và ngực, vệ sinh mũi, họng thường xuyên, tránh uống nước lạnh, ăn đồ lạnh… để giúp bảo vệ đường hô hấp.
Như vậy, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi đã bước sang giai đoạn 4 sẽ rất nguy hiểm, có khả năng lớn đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Hãy chủ động thăm khám để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, tránh chuyển biến xấu sang các giai đoạn sau.