Từ xưa đến nay, các chuyên gia sức khỏe bao giờ cũng khuyên rằng phải ăn, ngủ và làm việc điều độ hợp lý. Thiếu ngủ làm giảm sút sự tập trung, suy kiệt sức lực, hao mòn thân thể, sinh ra bệnh tật, da dẻ nhăn nheo, khô sạm… Mặc dù nhiều người vẫn giữ những quan niệm sai lầm về giấc ngủ. Tìm hiểu sự thật đằng sau những quan niệm sai lầm này qua bài viết sau.
Menu xem nhanh:
Chỉ cần ngủ 5 – 6 tiếng/ngày không có vấn đề gì cả
Người trưởng thành có thể ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm tuy nhiên đây là thói quen không tốt. Hầu hết mọi người cần ngủ ít nhất 7 – 8 giờ để giữ được sự tỉnh táo, khôi phục và tăng cường trí nhớ, nhờ đó mà nâng cao hiệu suất công việc và học tập.
Ngủ không ngon giấc chỉ khiến tâm trạng khó chịu ngoài ra không có tác động nào khác
Giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng tới tâm trạng chúng ta khi thức dậy vào ngày hôm sau. Mất ngủ có liên quan tới nguy cơ cao phát triển bệnh tim, huyết áp cao, tiểu đường loại 2 và béo phì. Thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc về đêm gây ra tình trạng mơ màng, buồn ngủ vào ban ngày. Điều này là cực kỳ nguy hiểm với những người phải thường xuyên ngồi sau tay lái. Theo thống kê lái xe buồn ngủ là nguyên nhân dẫn tới 100.000 va chạm xe cộ mỗi năm.
Thuốc ngủ là cách duy nhất để điều trị mất ngủ
Điều trị mất ngủ tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Trong nhiều trường hợp, các bệnh lý tiềm ẩn hoặc một loại thuốc nào đó mà người bệnh đang sử dụng là nguyên nhân dẫn tới mất ngủ. Khi tới bệnh viện để thăm khám, bác sĩ sẽ tìm hiểu về tình trạng cụ thể của người bệnh, hỏi về bệnh sử và chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân chính xác. Một viên thuốc ngủ không phải là giải pháp duy nhất.
Mất ngủ có nghĩa là không thể ngủ được
Mất ngủ thực sự bao gồm bốn triệu chứng:
- Không thể đi vào giấc ngủ
- Ngủ dậy vẫn cảm thấy mệt
- Thức dậy thường xuyên trong đêm
- Thức dậy sớm vào buổi sáng và không thể quay trở lại giấc ngủ
Một người bị mất ngủ không nhất thiết phải trải qua cả 4 triệu chứng nêu trên.
Ngáy là vô hại
Ngáy có thể là một dấu hiệu của một rối loạn gọi là ngưng thở khi ngủ. Rối loạn này đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc về đêm trong lúc ngủ. Ngừng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tiểu đường. Mặc dù vậy không phải ai thường xuyên ngáy cũng mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Những người ngáy rất to khi ngủ hoặc đang ngáy thì tạm ngừng, sau đó là nghẹt thở hoặc thở hổn hển, nên đi khám để được kiểm tra.
Cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày có nghĩa là không ngủ đủ giấc
Một số rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ, có thể gây mệt mỏi cho dù bạn đã ngủ cả đêm. Một số bệnh lý cũng có thể gây ra tình trạng ngủ ngày. Nên đi khám nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày.
Nếu không thể ngủ được, tốt nhất là nằm trên giường
Theo lời khuyên của các chuyên gia, nếu cảm thấy không ngủ được, tốt nhất nên đứng dậy và làm một việc gì đó thư giãn cho đến khi cảm thấy mệt mỏi, sau đó đi ngủ lại.
Có thể ngủ bù vào cuối tuần
Ngủ liên tục trong 1 – 2 ngày có thể khiến nhiều người cảm thấy cơ thể thoải mái, khỏe khoắn hơn một chút nhưng điều này không bù đắp được những ngày thiếu ngủ trước đó.
Uống rượu giúp bạn dễ ngủ hơn
Uống rượu bia trước khi đi ngủ thậm chí còn làm giảm chất lượng giấc ngủ. Bạn có xu hướng ngủ không ngon giấc, hay phải thức dậy giữa đêm để đi vệ sinh.